THUỐC ĐIỀU TRỊ GLÔCÔM (CƯỜM NƯỚC) VÀ NGUY CƠ MẮC BỆNH LÝ BỀ MẶT NHÃN CẦU
Thuốc hạ nhãn áp là phương pháp điều trị đầu tay dành cho hầu hết bệnh nhân Glôcôm, đặc biệt là Glôcôm góc mở. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc điều trị Glôcôm có thể gây nên các bệnh lý bề mặt nhãn cầu (Ocular Surface Disease - OSD). Để phòng ngừa các tác dụng phụ liên quan đến thuốc điều trị Glôcôm, hãy cùng lắng nghe chia sẻ của TS. BS Vũ Anh Tuấn - Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Điều trị Glôcôm tại Việt Nam - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản.
Khi nào bệnh nhân cần dùng thuốc điều trị Glôcôm?
Glôcôm (cườm nước) là một nhóm bệnh lý ở đầu dây thần kinh thị giác, với những đặc trưng như tổn thương thị trường và lõm teo đĩa thị, thường liên quan đến tình trạng nhãn áp tăng. Người bệnh thường mất thị lực ngoại vi (thị trường hình ống) trước, sau đó tầm nhìn trung tâm sẽ bị thu hẹp dần, cuối cùng có thể dẫn đến mất thị lực hoàn toàn. Để bảo vệ thị giác và phòng tránh nguy cơ mù lòa, người mắc Glôcôm cần được điều trị kịp thời, vì các phương pháp hiện nay (thuốc, laser, phẫu thuật) chỉ có tác dụng làm chậm sự tiến triển của bệnh mà không có khả năng khôi phục phần thị lực đã mất.
Việc sử dụng thuốc điều trị thường được bác sĩ kê đơn ở giai đoạn đầu cho hầu hết các bệnh nhân Glôcôm (đặc biệt là trường hợp Glôcôm góc mở, Glôcôm góc đóng cấp tính, Glôcôm thứ phát) với mục tiêu hạ nhãn áp, bằng cách đưa thủy dịch ra ngoài mắt hoặc giảm lượng thủy dịch trong mắt. Một số loại thuốc thường được sử dụng đó là beta-blocker, prostaglandin, carbonic anhydrase inhibitor,... Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ liều lượng và thời gian sử dụng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu. Nếu việc sử dụng thuốc không hiệu quả, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm thủ thuật Laser hoặc phẫu thuật.
Bệnh lý bề mặt nhãn cầu là gì?
Bệnh lý bề mặt nhãn cầu là các rối loạn hoặc tổn thương xảy ra trên bề mặt trước của nhãn cầu, bao gồm các cấu trúc như giác mạc, kết mạc và màng phim nước mắt. Một số bệnh lý bề mặt nhãn cầu phổ biến bao gồm:
- Khô mắt: tình trạng rối loạn màng phim nước mắt.
- Viêm giác mạc: tình trạng giác mạc bị tổn thương và nhiễm trùng gây nên phản ứng viêm.
- Viêm kết mạc: tình trạng sưng tấy hoặc nhiễm trùng xảy ra ở lớp màng mỏng bao phủ tròng trắng mắt.
- Viêm bờ mi: tình trạng viêm biểu bì của bờ tự do mi mắt.
Nguy cơ mắc bệnh lý bề mặt nhãn cầu do dùng thuốc điều trị Glôcôm
Sự phổ biến của bệnh lý bề mặt nhãn cầu ở bệnh nhân Glôcôm
Theo nghiên cứu của Leung (2008) trên 101 bệnh nhân mắc Glôcôm và tăng nhãn áp đơn thuần, có tới 59% (tương đương khoảng 60 người) mắc bệnh lý bề mặt nhãn cầu ở ít nhất một mắt. Một nghiên cứu khác của Fechtner (2010) trên 630 bệnh nhân Glôcôm cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc bệnh lý bề mặt nhãn cầu đạt 48.4% (tương đương khoảng 302 người). Các nghiên cứu đều chỉ ra mối liên quan mật thiết giữa bệnh lý bề mặt nhãn cầu và thuốc tra mắt điều trị Glôcôm, do tác dụng của các hoạt chất và chất bảo quản có trong thuốc.
Tác động của thuốc hạ nhãn áp lên bề mặt nhãn cầu
Theo nghiên cứu của Lee (2013) trên 187 bệnh nhân Glôcôm và một số nghiên cứu quan trọng khác (Detry-Morel 2006, Pisella 2002, Baudouin 1999, Fechtner 2010), thuốc hạ nhãn áp có thể ảnh hưởng đến bề mặt nhãn cầu theo các cơ chế sau:
- Gây mất ổn định màng phim nước mắt, giảm tiết nước mắt.
- Tổn thương biểu mô giác mạc dạng chấm hoặc trên diện rộng, làm giảm độ dày biểu mô và tăng nguy cơ thoái hóa biểu mô.
- Giảm tính toàn vẹn của màng tế bào kết mạc, làm tăng phản ứng viêm kết mạc, khiến tế bào có xu hướng ngừng tăng trưởng và đẩy nhanh chu trình mất tế bào.
Theo một số nghiên cứu khoa học (Wilson975, Pisella 2002, Albeitz 2001, Ramli 2015, Thygesen 2018, Boimer 2013), việc sử dụng thuốc hạ nhãn có chất bảo quản có thể gây ra:
- Ảnh hưởng lên bề mặt nhãn cầu như vỡ màng phim nước mắt, viêm kết mạc, viêm giác mạc.
- Làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh lý bề mặt nhãn cầu: đau, đỏ, kích ứng, khô mắt...
- Ảnh hưởng lâu dài: khiếnbệnh nhân khó chịu và có thể không tuân thủ phác đồ điều trị, làm giảm tỷ lệ thành công của phẫu thuật Glôcôm.
Tỷ lệ (%) bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng ở bề mặt nhãn cầu khi sử dụng thuốc hạ nhãn áp có hoặc không có chất bảo quản (theo nghiên cứu của Jaenen, 2007)
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý bề mặt nhãn cầu do sử dụng thuốc hạ nhãn áp
- Bệnh nhân lớn tuổi, khả năng tiết nước mắt giảm.
- Bệnh nhân trẻ, dùng thuốc nhỏ mắt suốt đời, tiếp xúc lâu dài với thuốc hạ nhãn có chất bảo quản.
- Bệnh nhân dùng nhiều dung dịch nhỏ mắt cùng lúc.
- Bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh lý bề mặt nhãn cầu.
- Bệnh nhân dị ứng với thuốc hạ nhãn chứa chất bảo quản.
- Bệnh nhân cần thực hiện phẫu thuật Glôcôm trong tương lai.
Giải pháp điều trị phối hợp Glôcôm và bệnh lý bề mặt nhãn cầu
Dựa trên các nghiên cứu khoa học, kết hợp cùng kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn trong gần 30 năm, TS. BS Vũ Anh Tuấn - một trong những chuyên gia nhãn khoa hàng đầu tại Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp để hạn chế nguy cơ mắc bệnh lý bề mặt nhãn cầu ở bệnh nhân Glôcôm và giải pháp điều trị phối hợp Glôcôm và bệnh lý bề mặt nhãn cầu.
Về chiến lược điều trị Glôcôm, TS. BS Vũ Anh Tuấn khuyến khích thực hiện các biện pháp ít xâm lấn trước, sau đó mới đến các biện pháp xâm lấn nhiều hơn, kết hợp đồng thời kiểm soát và chữa trị bệnh lý bề mặt nhãn cầu.
Sử dụng thuốc không chứa chất bảo quản
Cụ thể, bác sĩ ưu tiên sử dụng thuốc nhỏ mắt không chất bảo quản trước, sau đó đến thủ thuật Laser và cuối cùng là phẫu thuật nếu cần thiết. Đáng lưu ý, thuốc nhỏ mắt điều trị Glôcôm không chứa chất bảo quản được chứng minh có khả năng giảm tỷ lệ đỏ mắt, giảm cương tụ kết mạc, cải thiện các triệu chứng bề mặt nhãn cầu rõ rệt sau 12 tuần sử dụng.
Một số bệnh nhân nên sử dụng thuốc hạ nhãn áp không chất bảo quản bao gồm:
- Bệnh nhân có nguy cơ bệnh lý bề mặt nhãn cầu.
- Bệnh nhân trẻ, cần sử dụng thuốc nhỏ mắt Glôcôm trên 20 năm.
- Bệnh nhân đang sử dụng trên 2 loại thuốc nhỏ mắt.
- Bệnh nhân có nguy cơ phải phẫu thuật Glôcôm.
- Bệnh nhân dị ứng với BAK (Benzalkonium Chloride) - chất bảo quản thường được sử dụng trong các sản phẩm thuốc nhỏ mắt.
Sử dụng thuốc phối hợp cố định
Đối với một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc phối hợp cố định, sử dụng đồng thời thuốc hạ nhãn áp không chứa chất bảo quản và chứa chất bảo quản. Từ đó, bệnh nhân có thể giảm lượng thuốc cần tra trong ngày, giảm đáng kể các triệu chứng khô mắt, cương tụ kết mạc, đồng thời tối ưu hiệu quả hạ nhãn áp và giúp người bệnh dễ dàng tuân thủ phác đồ điều trị hơn.
Điều trị không dùng thuốc nhỏ mắt
Nếu bệnh lý bề mặt nhãn cầu không cải thiện sau khi thay đổi phác đồ điều trị bằng thuốc, bệnh nhân thường xuyên đau rát mắt cùng với một số tác dụng phụ khác, bác sĩ nhãn khoa có thể chỉ định các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, thủ thuật ít xâm lấn để kiểm soát nhãn áp, giúp loại bỏ hoặc hạn chế việc dùng thuốc nhỏ mắt hàng ngày. Một số biện pháp có thể kể đến như:
- Phương pháp Tạo hình bè chọn lọc bằng Laser (Selective Laser Trabeculoplasty - SLT).
- Sử dụng thiết bị phân phối thuốc bằng cách bơm vào tiền phòng hoặc đặt vào củng đồ.
- Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (MIGS).
>>> Đăng ký thăm khám và điều trị Glôcôm cùng TS. BS Vũ Anh Tuấn tại đây.
Thủ thuật Tạo hình bè chọn lọc bằng Laser tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản
Cách điều trị bệnh lý bề mặt nhãn cầu ở bệnh nhân Glôcôm
Khi bệnh nhân mắc bệnh lý bề mặt nhãn cầu trong quá trình sử dụng thuốc hạ nhãn áp, TS. BS Vũ Anh Tuấn cho rằng người bệnh cần được điều trị nguyên nhân gây bệnh (khô mắt, rối loạn chức năng tuyến Meibomius), đồng thời loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây dị ứng, phản ứng độc hại. Bệnh nhân có thể được chỉ định một số biện pháp như:
- Sử dụng nước mắt nhân tạo, gel giữ ẩm mắt, thuốc kích thích tăng tiết nước mắt dưới sự kê đơn và theo dõi của bác sĩ.
- Sử dụng thuốc điều hòa miễn dịch khi mắt viêm nhiễm nặng dưới sự kê đơn và theo dõi của bác sĩ.
- Sử dụng serum giảm cảm giác đau rát, sợ ánh sáng trong trường hợp khô mắt nặng, dưới sự kê đơn và theo dõi của bác sĩ.
- Chườm ấm mắt (khoảng 40°C) và vệ sinh mi mắt thường xuyên để cải thiện chức năng tuyến Meibomius và giảm tình trạng khô mắt.
- Bổ sung Vitamin A, E, B6 qua thực phẩm tự nhiên (như cá hồi, bơ, trứng, ...) hoặc thông qua thực phẩm chức năng để hỗ trợ sức khỏe của bề mặt nhãn cầu.
Có một mối liên hệ không thể phủ nhận giữa Glôcôm và bệnh lý bề mặt nhãn cầu: việc mắc bệnh lý bề mặt nhãn cầu có thể khiến bệnh nhân kém tuân thủ điều trị, dẫn đến bệnh Glôcôm ko được kiểm soát chặt chẽ và trở nặng, làm giảm chất lượng sống của người bệnh. Vì vậy, điều trị Glôcôm không chỉ tập trung vào việc hạ nhãn áp, mà còn cần quan tâm tới vấn đề điều trị bề mặt nhãn cầu. Sử dụng thuốc hạ nhãn áp không có chất bảo quản, đơn chất hoặc phối hợp cố định, hoặc sử dụng các thủ thuật, phẫu thuật ít xâm lấn có thể giúp đạt được mục tiêu kép vừa giữ được bệnh Glôcôm trong tầm kiểm soát, vừa duy trì sức khỏe bề mặt nhãn cầu.