Bệnh glôcôm (Glaucoma) còn có các tên gọi khác như bệnh tăng nhãn áp, thiên đầu thống, cườm nước. Glôcôm là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm bệnh lý của đầu dây thần kinh thị giác, có biểu hiện đặc trưng là tổn hại thần kinh, mất thị trường, lõm teo đĩa thị và liên quan đến tình trạng nhãn áp cao. Bệnh thường xuất hiện âm thầm, gây tổn thương trên mắt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến mù lòa.
- Người ở độ tuổi ngoài 40
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh glôcôm
- Người mắc tật khúc xạ: cận thị trên 4 diop, lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh
- Người mắc các bệnh toàn thân như huyết áp cao, tụt huyết áp về đêm, co thắt mạc trong bệnh lý mạch vành, hội chứng Raynaud, rối loạn tuần hoàn não, đau nửa đầu, tăng mỡ máu, bệnh đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp.
Với mỗi thể bệnh Glôcôm, bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng khác nhau:
Glôcôm góc đóng cấp tính: biểu hiện dễ nhận thấy là mắt đau đột ngột, đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ, có thể chỉ mờ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng. Sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi.
Glôcôm mãn tính (glôcôm góc đóng nguyên phát mãn tính, glôcôm góc đóng nguyên phát không có nghẽn đồng tử, glôcôm góc mở nguyên phát): bệnh diễn ra âm thầm, thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng, bệnh nhân thường đến khám khi thị lực giảm nặng hoặc mất hoàn toàn.
Tùy thuộc vào từng thể bệnh và giai đoạn của bệnh glôcôm mà người bệnh sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp.
1. Sử dụng thuốc
- Thuốc nhỏ mắt: Sử dụng thuốc nhỏ mắt để kiểm soát tình trạng tăng nhãn áp là một trong những phương pháp điều trị glôcôm phổ biến, đặc biệt là trong việc điều trị glôcôm góc mở. Các thuốc nhỏ mắt được dùng sẽ giúp hạ nhãn áp bằng cách tăng dẫn lưu thủy dịch ra ngoài mắt hoặc giảm lượng thủy dịch mắt tiết ra. Tuy nhiên, thuốc nhỏ mắt hạ nhãn áp có thể gây ra một số tác dụng phụ như kích ứng ở mắt, châm chích, mẩn đỏ, khô mắt. Vậy nên bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ nếu có bất kỳ vấn đề gì trong quá trình sử dụng thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tuân thủ đúng liều lượng sử dụng, việc tự ý ngưng sử dụng mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ có thể ảnh hưởng tới kết quả điều trị.
- Thuốc uống: Bác sĩ cũng có thể kê một số loại thuốc uống như beta-blocker hay carbonic anhydrase inhibitor. Những loại thuốc này giúp làm giảm tiết dịch (nước) trong mắt.
2. Laser và phẫu thuật
Trong trường hợp điều trị glôcôm bằng việc sử dụng thuốc không đạt được hiệu quả như mong muốn, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật hoặc điều trị bằng laser. Mục đích của các phương pháp này là tạo đường thoát cho thủy dịch, làm ổn định áp suất trong mắt. Tùy thuộc vào tình trạng cũng như thể bệnh mà sẽ có những phương pháp laser khác nhau bao gồm:
- Laser cắt mống mắt chu biên
- Laser tạo hình vùng bè
- Laser quang đông thể mi
- Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc
- Phẫu thuật cắt củng mạc sâu không xuyên thủng
- Phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền phòng
Mục đích chính của việc điều trị glôcôm là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục tiến triển gây tổn thương thần kinh thị giác. Đây là bệnh lý không thể hoàn toàn điều trị dứt điểm, nhưng hầu hết các ca đều có thể được kiểm soát thành công.
Sau khi điều trị bằng laser hay phẫu thuật, người bệnh đều cần tuân thủ đúng các lịch tái khám để có thể theo dõi được thường xuyên thị lực và nhãn áp của mình. Khi thấy có bất cứ biểu hiện gì bất thường, thị lực suy giảm người bệnh cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được can thiệp kịp thời. Theo dõi điều trị là yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả cuối cùng. Trong nhiều trường hợp, glôcôm tuy đã được phát hiện và điều trị, song người bệnh cho rằng đã khỏi hẳn nên không đi khám, theo dõi tiếp, hậu quả là bệnh tiếp tục âm ỉ tiến triển dẫn tới mất hoàn toàn thị lực. Vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ theo dõi định kỳ từ khi phát hiện bệnh, kiên trì điều trị suốt đời nhằm kiểm soát diễn biến bệnh, bảo tồn được thị lực của mình.
Chuyên gia đầu ngành
Đội ngũ bác sỹ tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản được đào tạo trong nước và quốc tế, có nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn trong điều trị bệnh glôcôm.
TS. BS Vũ Anh Tuấn - một trong những chuyên gia nhãn khoa hàng đầu trong lĩnh vực điều trị glôcôm ở Việt Nam. Với hơn 25 năm kinh nghiệm, cùng kiến thức chuyên môn sâu rộng ở vai trò là một giảng viên của Đại học Y Hà Nội và những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nhãn khoa tại Việt Nam, TS Vũ Anh Tuấn được bầu làm Uỷ viên thường vụ BCH Hội Nhãn khoa Việt Nam, Tổng Thư ký Câu lạc bộ Glôcôm Việt Nam và là thành viên của Hội Nhãn khoa Pháp.
Trang thiết bị hiện đại
- Máy đo nhãn áp tiếp xúc và không tiếp xúc
- Thị trường kế Humphrey Field Analyzer 3
- Máy OCT Cirrus 6000
Sử dụng các loại thuốc, dung dịch và vật tư phẫu thuật cao cấp:
- Săng phẫu thuật không có sợi bông tự do và chỉ dung 01 lần duy nhất
- Dao phẫu thuật được dùng mới 100%, mỗi bệnh nhân được sử dụng 01 bộ dao khác nhau
- Dịch BSS (Alcon – Hoa Kỳ) chứa các thành phần ions như Na, K, Cl, Mg, Ca giống với dịch sinh lý trong cơ thể, không chứa chất bảo quản.
Kế hoạch điều trị khoa học
Hệ thống bệnh án điện tử giúp theo dõi tình trạng và tiến triển của bệnh một cách lâu dài, chặt chẽ. Quy trình thăm khám và điều trị theo tiêu chuẩn Nhật Bản, hệ thống nhắc lịch hẹn giúp bệnh nhân theo sát kế hoạch điều trị, từ đó đảm bảo tối đa hiệu quả điều trị.