Phương pháp tiêm nội nhãn 
Phương pháp tiêm nội nhãn là gì? 
Tiêm nội nhãn là phương pháp tiêm thuốc vào tiền phòng hoặc tiêm tiêm thuốc vào buồng dịch kính nhằm điều trị một số bệnh lý nhãn khoa. Cơ chế tiêm trực tiếp vào nội nhãn giúp đạt nồng độ thuốc tối đa trong nhãn cầu và hạn chế các tác dụng của thuốc lên toàn thân. Tiêm nội nhãn là phương pháp được sử dụng để điều trị các bệnh lý võng mạc tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản.
Các nhóm thuốc thường được dùng tiêm nội nhãn hiện nay là:
  • Nhóm kháng sinh
  • Nhóm chống viêm
  • Thuốc chống tăng sinh tân mạch
Mô phỏng tiêm nội nhãn
Mô phỏng tiêm nội nhãn
Đối tượng chỉ định & chống chỉ định
 

1. Đối tượng chỉ định

Tiên nội nhãn được chỉ định đối với các bệnh nhân mắc các bệnh lý sau:

  • Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh
  • Bệnh tân mạch võng mạc và hoàng điểm
  • Bệnh phù hoàng điểm do đái tháo đường
  • Bệnh phù hoàng điểm do tắc mạch võng mạc  
  • Bệnh Glôcôm tân mạch
  • Polip hắc mạc
  • Bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác hoặc thoái hóa điểm vàng do cận thị
  • Bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc
  • Người mắc các bệnh lý viêm bán phần trước, viêm nội nhãn, viêm hắc võng mạc do virus
  • Viêm màng bồ đào sau kéo dài
  • Một số bệnh lý đặc biệt khác theo chỉ định của bác sỹ

2. Đối tượng chống chỉnh định 

  • Người có tiền sử tắc mạch, đột quỵ, tăng huyết áp
  • Bệnh nhân đang bị nhiễm trùng cấp tính ở mắt (trừ trường hợp tiêm khám sinh để điều trị viêm nội nhãn)
  • Người bệnh có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú
  • Tùy thuộc vào loại thuốc tiêm nội nhãn mà sẽ có chống chỉ định riêng 

        - Thuốc chống viêm: chống chỉ định với bệnh nhân glôcôm nhãn áp chưa điều chỉnh

        - Thuốc chống tăng sinh tân mạch: chống chỉ định với bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch

Ưu/ nhược điểm của phương pháp tiêm nội nhãn

1. Ưu điểm 
  • Phương pháp này mang lại kết quả rất tích cực và đầy triển vọng, đặc biệt đối với những người bệnh ở giai đoạn sớm.
  • Phương pháp tiêm nội nhãn thuốc chống tăng sinh (Anti-VEGF) còn dễ dàng thực hiện khi có các yếu tố gây khó khăn cho việc điều trị bằng laser như: đục môi trường trong suốt, sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể hoặc xuất huyết dịch kính.
  • Bệnh nhân có thể thực hiện tiêm và ra về trong cùng một ngày

2. Nhược điểm 

  • Với phương pháp điều trị tiêm nội nhãn, bệnh nhân thường phải trải qua một quá trình tiêm lâu dài với nhiều mũi tiêm để việc điều trị đạt được hiệu quả.
  • Mặc dù hiếm gặp, nhưng một số biến chứng tại mắt có thể xảy ra đối với bệnh nhân tiêm nội nhãn

Quy trình tiêm nội nhãn 

Bước 1: Sát trùng mắt bằng dung dịch sát khuẩn 
Bước 2: Nhỏ tê bề mặt
Bước 3: Sử dụng dụng cụ để cố định mắt 
Bước 4: Sử dụng kim tiêm và kỹ thuật tiêm tương ứng để bơm thuốc vào tiền phòng hoặc vào buồng dịch kính
Bước 5: Rút kim, có thể dùng tăm bông vô trùng ấn ngay tại vết tiêm để tránh thuốc trào ngược ra ngoài.
Thời gian thực hiện tiêm nội nhãn chỉ trong khoảng 1 phút, tuy nhiên trước đó bệnh nhân cần thực hiện các bước chuẩn bị trước tiêm, do đó toàn bộ quá trình sẽ kéo dài khoảng 30 phút.

Tiên lượng sau tiêm nội nhãn

Sau tiêm, bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng tại mắt như sau:
1.  Hiện tượng không nguy hiểm
  • Mắt hơi tức nhẹ: hết sau 1 giờ
  • Mắt mờ tạm thời: ngày hôm sau sẽ nhìn lại như trước khi tiêm
  • Xuất huyết kết mạc: chảy máu tại vị trí kim tiêm đâm vào mắt. Hết trong 2-3 tuần.
  • Bong bóng chạy trong mắt: hết sau 3-5 ngày
2. Hiện tượng nguy hiểm
Người bệnh cần liên hệ ngay với bệnh viện để được hỗ trợ hoặc tái khám ngay để kiểm tra kịp thời khi có một trong các biểu hiện dưới đây:
 
  • Đau nhức trong mắt không hết sau 1-2h
  • Nhìn mờ kéo dài
  • Chói mắt, sợ ánh sáng
  • Ruồi bay nhiều
  • Mắt đỏ kèm nhiều dử mắt

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và mức độ đáp ứng đối với thuốc của từng bệnh nhân mà thuốc có thể phát huy hiệu quả sau 1 tuần hoặc lâu hơn. Hiệu quả điều trị chỉ có thể duy trì và đạt mức độ tối ưu nhất khi bệnh nhân tuân thủ lộ trình điều trị. Lộ trình bao gồm nhiều mũi tiêm được lên lịch tùy thuộc vào diễn biến bệnh và mức độ của bệnh.

Lưu ý trước và sau khi tiêm 
1. Lưu ý trước tiêm
  • Do tác dụng của thuốc nhỏ giãn đồng tử và phản ứng sau tiêm, bệnh nhân có thể sẽ khó nhìn trong một khoảng thời gian. Vì vậy, người bệnh được khuyến cáo không tự lái xe trong ngày tiêm.
  • Không trang điểm vùng mắt trong ngày tiêm.
  • Không uống rượu trong ngày tiêm.
  • Nếu đang sử dụng kính áp tròng, vui lòng ngừng đeo tối thiểu 03 ngày trước khi tiêm nội nhãn.
  • Người bệnh có thể ăn uống và duy trì các loại thuốc đang sử dụng bình thường.

2. Lưu ý sau khi tiêm 

Bệnh nhân sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ.

  • Tắm gội và rửa mặt: bệnh nhân được khuyến cáo tránh để nước rơi vào mắt trong ngày tiêm, do vậy vui lòng không gội đầu, rửa mặt để nước rơi vào mắt, nên tắm từ cổ xuống trong ngày tiêm. 01 ngày sau tiêm, bệnh nhân có thể tắm gội, rửa mặt bình thường.
  • Trang điểm: bệnh nhân có thể trang điểm phấn nền và lông mày vào 1 ngày sau tiêm, trang điểm vùng mắt chỉ nên thực hiện sau 3 ngày kể từ ngày tiêm.
  • Đọc sách, xem TV: sau tiêm người bệnh có thể đọc sách và xem TV bình thường, lưu ý cho mắt nghỉ ngơi hợp lý để tránh mỏi mắt.
  • Làm việc: với các công việc bàn giấy, bệnh nhân có thể làm việc bình thường ngay ngày hôm sau. Hạn chế làm các công việc nặng nhọc có thể khiến bạn phải gắng sức.
  • Thể dục: ngay sau ngày tiêm, người bệnh có thể tập thể dục nhẹ nhàng. Với các hoạt động nặng như tập gym, bơi lội, tennis, yoga, chạy bộ… chỉ nên thực hiện sau 3 ngày kể từ ngày tiêm.
  • Ăn uống: người bệnh có thể ăn uống và sử dụng các loại thuốc đang dùng như bình thường, hạn chế uống rượu bia trong vòng 4 ngày kể từ ngày tiêm.

Các câu hỏi thường gặp về tiêm nội nhãn

1. Tiêm nội nhãn có đau không?
Bệnh nhân được nhỏ tê trước khi thực hiện tiêm nội nhãn, đồng thời quá trình tiêm diễn ra rất nhanh, do đó bệnh nhân sẽ chỉ cảm thấy đau nhẹ hoặc gần như không có cảm giác.

2. Bệnh nhân sẽ hồi phục trong bao lâu?
Sau khi tiêm xong, bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu ở mắt, nhưng thường sau vài giờ, mắt sẽ ổn định lại. 

3. Thời gian theo dõi sau tiêm là bao lâu?
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên ở lại bệnh viện theo dõi từ 30 phút đến 1 tiếng, nếu không có gì bất thường thì có thể ra viện.

4. Tiêm xong có phải tái khám không?
Để theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra, bác sĩ yêu cầu người bệnh tái khám 1 tuần sau tiêm. Bác sĩ sẽ có chỉ định tiếp tục hay dừng kháng sinh dùng sau khi tiêm tại ngày tái khám này. Ngoài ra, người bệnh phải tuân thủ lịch tái khám định kỳ vào thời điểm cần tiến hành các mũi tiêm tiếp theo theo lộ trình.

5. Lộ trình điều trị sẽ kết thúc sau một lần tiêm hay nhiều hơn?
Hiệu quả điều trị chỉ có thể duy trì và đạt mức độ tối ưu nhất khi bệnh nhân tuân thủ lộ trình điều trị. Lộ trình bao gồm nhiều mũi tiêm được lên lịch tùy thuộc vào diễn biến bệnh và mức độ của bệnh. 

6. Những biến chứng nào có thể xảy ra?

  • Đau nhẹ (tỷ lệ nguy cơ 1 trong 20): đây chỉ là tình trạng tạm thời
  • Chảy máu: Chảy máu ít và mắt bệnh nhân có thể bị đỏ nhẹ. Tình trạng này thường tự khỏi sau 5 ngày
  • Tăng nhãn áp: đây chỉ là tình trạng tạm thời
  • Tình trạng viêm mắt: có thể được điều trị bằng thuốc kháng viêm
  • Chảy máu nhiều: máu chảy nhiều bên trong dịch kính (xuất huyết trong dịch kính) trong khi tiêm, có thể làm mất đi thị giác (tỷ lệ nguy cơ: ít hơn 1 trong 1.000)
  • Bong võng mạc
  • Tổn thương đến thủy tinh thể, là nguyên nhân gây ra bệnh đục thủy tinh thể
  • Viêm nội nhãn
  • Trong một vài trường hợp xuất huyết nặng trong dịch kính, bong võng mạc hay đục thủy tinh thể, bác sĩ cần phải tiến hành phẫu thuật cùng với sự chăm sóc đặc biệt để phục hồi thị giác.

7. Điều gì sẽ xảy ra nếu bệnh nhân quyết định không tiêm thuốc?
Thị lực của bệnh nhân có khả năng sẽ kém đi. Nếu võng mạc hình thành sẹo hoặc bệnh kéo dài quá lâu, bệnh nhân có thể bị giảm thị lực vĩnh viễn trên con mắt bị bệnh.

8. Có phương pháp nào thay thế cho việc tiêm thuốc?
Điều trị bằng laser có thể phù hợp cho bệnh nhân, nhưng hiệu quả sẽ ít hơn so với tiêm nội nhãn.

Tiêm nội nhãn tại JIEH

Phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm 

Phương pháp tiêm nội nhãn tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản được thực hiện bởi các bác sỹ có kinh nghiệm chuyên sâu về bệnh dịch kính võng mạc:

Giáo sư, Bác sỹ Hattori Tadashi là một trong những chuyên gia hàng đầu Nhật Bản về bệnh lý võng mạc và các phương pháp điều trị.
TS. BS Vũ Anh Tuấn - một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về các bệnh dịch kính, võng mạc.

Thủ tục nhanh chóng, quy trình chặt chẽ, chuyên nghiệp 

Quy trình thăm khám trước phẫu thuật chặt chẽ và kỹ lưỡng theo tiêu chuẩn Nhật Bản nhằm phát hiện và chỉ định điều trị kịp thời bệnh bong võng mạc. Bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện, hỗ trợ bệnh nhân trong toàn bộ quá trình phẫu thuật, Bệnh nhân có thể đến thăm khám và phẫu thuật một mình mà không cần người nhà hỗ trợ. Thủ tục tiện lợi, giảm thiểu thời gian chờ đợi cho khách hàng ở các bước khám một cách tối đa.