Bệnh về võng mạc

1. Võng mạc và bệnh về võng mạc
Võng mạc (đáy mắt) là lớp màng thần kinh ở phía trong cùng của nhãn cầu, dầy khoảng 0.4mm, có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng từ giác mạc và thủy tinh thể hội tụ lại. Thông qua các tuyến thần kinh thị giác, võng mạc sẽ chuyển năng lượng ánh sáng thành tín hiệu thị lực và gửi về trung khu phân tích ở não, não bộ sẽ cho chúng ta ý thức về hình ảnh chúng ta đang nhìn thấy.
 
Cấu tạo võng mạc
Cấu tạo võng mạc
Bệnh võng mạc là tên gọi chung của một số các chứng bệnh về mắt do các rối loạn trên võng mạc gây nên. Đóng vai trò quan trọng về mặt thị giác, vậy nên một tổn thương nhỏ ở võng mạc cũng có thể gây nên sự suy giảm đáng kể về thị lực, thậm chí mất thị lực vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời. Cùng với đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc là một trong hai nguyên nhân hàng đầu gây nên mù lòa trên thế giới. Việc phát hiện sớm bệnh võng mạc để nắm bắt thời điểm vàng trong điều trị là rất quan trọng.
2. Phân loại bệnh võng mạc
2.1 Rách võng mạc
 
Rách võng mạc là nguyên nhân chính gây nên bệnh bong võng mạc. Rách võng mạc thường gây ra bởi sự lão hóa của mắt. Bên trong mắt có chứa một mô trong suốt, không màu gọi là dịch kính, tiếp xúc với võng mạc và bề mặt thủy tinh thể, nhưng dần dần trên bề mặt kết dính này sẽ hình thành một khoảng trống. Nguyên nhân là do dịch kính bị lão hóa và bị nhũ hóa chuyển sang thể lỏng hơn khiến cho thể tích của dịch kính giảm dần. Khi quá trình này diễn ra, dịch kính  và võng mạc tách rời nhau, gây ra hiện tượng bong dịch kính sau. Bong dịch kính sau là hiện tượng có thể xảy ra ở bất cứ ai, có thể gây nên hiện tượng co kéo võng mạc và làm rách võng mạc.
 
Đối tượng nguy cơ rách võng mạc
  • Rách võng mạc có thể xảy ra do lão hóa tự nhiên ở mắt.
  • Người bị cận thị cao cũng có nguy cơ cao bị bong võng mạc hơn.
  • Vết rách võng mạc cũng có thể xảy ra do tác động vật lý, ví dụ va chạm mạnh ở mắt khi chơi thể thao.

Triệu chứng của rách võng mạc

  • Nhìn thấy các đốm đen bay trước mắt
  • Nhìn thấy ánh sáng như tia chớp
  • Trường nhìn bị khuyết một phần hoặc toàn bộ
  • Hình ảnh bị méo mó

Ở nơi xuất hiện các vết rách võng mạc, nước có thể tràn vào mặt sau võng mạc thông qua lỗ rò này, gây nên tình trạng bong võng mạc. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây suy giảm thị lực nghiêm trọng, do vậy việc thăm khám điều trị rách võng mạc là rất cần thiết.

Điều trị rách võng mạc

Khi phát hiện có vết rách võng mạc, thủ thuật Laser quang đông võng mạc có thể được chỉ định để làm quang đông vùng võng mạc bị rách, ngăn chặn vết rách tiến triển rộng hơn làm bong  võng mạc. Kể cả khi đã thực hiện Laser quang đông võng mạc, nhưng vẫn phải cần thời gian vài tuần để kết dính các vết rách võng mạc, bệnh nhân cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sỹ để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

2.2 Bong võng mạc

Bong võng mạc xảy ra khi trên võng mạc xuất hiện một hay nhiều vết rách. Khi đó, phần dịch kính bên trong mắt sẽ chảy qua vào lỗ rách và tràn xuống phía dưới võng mạc, tách dần võng mạc ra khỏi lớp mô nuôi dưỡng phía bên dưới khiến việc cung cấp dinh dưỡng bị gián đoạn.

Bong võng mạc
Hình ảnh bong võng mạc
Triệu chứng của bong võng mạc
  • Nhìn mờ
  • Nhìn thấy các đốm đen bay trước mắt
  • Hình ảnh bị méo mó
Đối tượng có nguy cơ cao bong võng mạc
  • Người già, lão hóa do tuổi tác
  • Cận thị nặng
  • Biến chứng của bệnh tiểu đường, bệnh thận, tiền sản giật
Điều trị bong võng mạc
Tùy thuộc mức độ bong võng mạc, bác sỹ có thể chỉ định các phẫu thuật để điều trị như phẫu thuật cắt dịch kính, phẫu thuật độn đai.
 
2.3 Bệnh võng mạc tiểu đường
 
Một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường chính là bệnh võng mạc tiểu đường. Đây là một trong số những nguyên nhân hàng đầu gây nên mù lòa trên thế giới.
 
Khi nồng độ đường trong móng tăng cao, độ nhớt của máu tăng lên, gia tăng áp lực lên thành mạch. Do trên võng mạc của mắt là nơi tập trung rất nhiều các mao mạch, nếu những mạch máu này bị tắc hoặc bị vỡ sẽ gây nên tình trạng xuất huyết đáy mắt.

bệnh võng mạc đái tháo đường

 

 
Bệnh võng mạc tiểu đường có thể chia làm 3 giai đoạn:
  • Bệnh võng mạc đơn thuần (giai đoạn đầu)
  • Bệnh võng mạc tiền tăng sinh (giai đoạn hai)
  • Bệnh võng mạc tăng sinh (giai đoạn ba)
Triệu chứng của bệnh võng mạc tiểu đường
  • Ở giai đoạn đầu bệnh nhân hầu như không có triệu chứng nào rõ rệt
  • Ở giai đoạn ba, triệu chứng bệnh thể hiện ở sự suy giảm thị lực, có thể có hiện tượng ruồi bay (các đốm đen bay trước mắt)
Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường
Tùy thuộc vào mức độ bệnh, bác sỹ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc, bằng laser hoặc phẫu thuật.
 
2.4 Tắc tĩnh mạch võng mạc
 
Đây là bệnh lý xuất hiện nhiều ở người cao tuổi, có mối liên quan đến bệnh huyết áp và xơ vữa động mạch. Trong võng mạc, các động mạch chạy trên các tĩnh mạch, các màng của mạch máu tiếp xúc với nhau. Nếu bệnh nhân bị xơ vữa động mạch do huyết áp tăng cao làm động mạch chèn ép lên tĩnh mạch, gây tắc nghẽn máu trong tĩnh mạch và làm cho máu bị tràn ra ngoài. Máu tràn ra này gây ra xuất huyết đáy mắt hoặc tích tụ lại trong võng mạc tạo thành các điểm phù.
 
Tắc tĩnh mạch võng mạc có thể chia làm hai loại gồm:
  • Tắc tĩnh mạch võng mạc nhánh
  • Tắc tĩnh mạch võng mạc trung tâm
Triệu chứng của tắc tĩnh mạch võng mạc
  • Bệnh lý tắc tĩnh mạch võng mạc thường xuất hiện đột ngột ở một mắt; Triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng tùy vị trí và mức độ tắc tĩnh mạch. Thậm chí người bệnh có thể không có triệu chứng gì, hoặc chỉ cảm thấy như có một đốm đen ở một phần mắt, không ảnh hưởng thị lực.
  • Nhưng thông thường bệnh nhân đột nhiên nhìn kém, cảm giác như nhìn qua lớp sương mù, hoặc như thấy có đám đen trước mắt, có thể dẫn đến thị lực giảm trầm trọng trong vòng vài phút hoặc sau 2 – 3 ngày.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc
  • Bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, rối loạn mỡ máu hoặc bệnh nhân có các bệnh lý tại mắt như glocom, viêm thành mạch là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.
2.5 Thoái hóa võng mạc sắc tố
Võng mạc được tạo thành từ khoảng 100 triệu tế bào cảm nhận ánh sáng được gọi là “cơ quan thụ cảm ánh sáng”. Khi các tế bào thụ cảm ánh sáng ngừng hoạt động, chúng không thể cảm nhận được ánh sáng và không thể truyền tải được hình ảnh tới não. Thoái hóa sắc tố võng mạc là bệnh lý xảy ra ở cả hai mắt khi các tế bào thụ cảm ánh sáng này bị thoái hóa và mất chức năng.
 
Triệu chứng của bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc
  • Giảm thị lực vào ban đêm hoặc ở những nơi có điều kiện ánh sáng yếu.
  • Thu hẹp thị trường mắt tức là mất tầm nhìn ngoại biên: Người bệnh sẽ có cảm giác như đang nhìn trong đường hầm (gọi là thị lực hình ống) và thường bị trượt ngã.
  • Mắt tầm nhìn ở ngoại biên –trường hợp nặng mất hết thị trường cả trung tâm và ngoại biên
  • Bệnh phát triển không giống nhau ở mỗi người, biểu hiện bệnh cũng tùy từng giai đoạn bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố
 
Nguyên nhân hiện tại vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng phần lớn thoái hóa võng mạc sắc tố liên quan đến yếu tố bất thường về gen, bệnh tùy thuộc mức độ đột biến gen, cách thức di truyền bệnh mà có mức độ trầm trọng và tốc độ tiến triển khác nhau.
 
Tình trạng đột biến gen có thể di truyền từ bố hoặc mẹ, hoặc cả bố và mẹ, trong đó yếu tố di truyền lặn chiếm khoảng 60-70%, còn gen trội khoảng 25%, số còn lại là di truyền trên nhiễm sắc thể giới tính X.
Nếu có bố hoặc mẹ mắc bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
 
Điều trị thoái hóa sắc tố võng mạc
 
Hiện nay chưa có biện pháp nào được chứng minh là có hiệu quả điều trị thoái hóa sắc tố võng mạc. Một số phương pháp có thể làm chậm sự phát triển của bệnh có thể kể đến như bổ sung một liều lượng vitamin A thích hợp theo chỉ định của bác sỹ, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như kính lúp, ống nhòm hồng ngoại vào ban đêm giúp bệnh nhân nhìn rõ hơn, đeo kính mát ban ngày để bảo vệ võng mạc và thăm khám định kỳ để đánh giá chính xác tình trạng của bệnh.
3. Hướng điều trị bệnh võng mạc
Qua thăm khám, nếu phát hiện ra các bất thường tại võng mạc, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị dựa trên tình trạng bệnh như sau:
 
Tiêm nội nhãn Anti-VEGF
 
Đối với các tổn thương trên võng mạc ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định tiêm nội nhãn chất ức chế chống tăng sinh tân mạch để duy trì, cải thiện thị lực, phòng ngừa bong võng mạc.
 
Laser quang đông võng mạc
 
Trường hợp các bệnh lý tại võng mạc tiến triển khiến võng mạc quá mỏng có nguy cơ bong rách bất kỳ lúc nào, bệnh nhân sẽ cần thực hiện điều trị bằng thủ thuật laser quang đông để hàn gắn lại võng mạc cho chắc chắn hơn, hạn chế tình trạng rách, bong võng mạc.
 
Trường hợp võng mạc đã có các vết rách, bong nhỏ, người bệnh cần được thực hiện laser quang đông võng mạc ngay trong ngày kiểm tra để hàn gắn các rết rách, vì nếu để lâu vết rách có thể lan rộng hơn gây ra bong võng mạc toàn bộ và mất thị lực hoàn toàn.
 
Phẫu thuật cắt dịch kính
 
Ở giai đoạn nặng hơn, khi các tổn thương võng mạc không cải thiện được bằng việc tiêm nội nhãn và laser quang đông,  bác sĩ sẽ áp dụng phẫu thuật cắt dịch kính để điều trị tình trạng bong võng mạc hoặc xuất huyết võng mạc nhằm giữ thị lực cho người bệnh.
 
Dịch kính là một khối gel trong suốt nằm sau thủy tinh thể, lấp đầy 80% thể tích nhãn cầu, có chức năng tiếp truyền các tia sáng từ ngoài vào đáy mắt, cung cấp dinh dưỡng cho thủy tinh thể và võng mạc. Đồng thời nó cũng tạo áp lực để cố định hình dạng của thấu kính, giúp thấu kính tập trung hình ảnh sắc nét trên võng mạc. Phẫu thuật cắt dịch kính là phẫu thuật loại bỏ một phần hoặc toàn bộ dịch kính trong mắt để phục vụ việc điều trị bệnh lý trên võng mạc.
 
Các bệnh tại võng mạc có thể xuất hiện mà không kèm theo bất cứ triệu chứng nào hoặc có các triệu chứng không rõ ràng nhưng lại diễn biến rất nhanh và có thể gây mất thị lực hoàn toàn. Để phát hiện tình trạng bất thường tại võng mạc ở giai đoạn sớm, các kết quả thăm khám nhãn khoa thông thường hoặc kết quả khám sức khỏe định kỳ là không đủ để đánh giá. Bởi vậy, người bệnh cần chủ động tầm soát thăm khám bệnh võng mạc, để phát hiện sớm và nắm bắt thời điểm vàng trong điều trị.