Tầm soát thoái hoá võng mạc
Võng mạc là gì?

Võng mạc là lớp màng thần kinh ở phía trong cùng của nhãn cầu, dầy khoảng 0.4mm, có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng từ giác mạc và thủy tinh thể hội tụ lại. Thông qua các tuyến thần kinh thị giác, võng mạc sẽ chuyển năng lượng ánh sáng thành tín hiệu thị lực và gửi về trung khu phân tích ở não, não bộ sẽ tạo nên ý thức về hình ảnh mắt đang nhìn thấy. Đóng vai trò quan trọng về mặt thị giác, vậy nên một tổn thương nhỏ ở võng mạc cũng có thể gây nên sự suy giảm đáng kể về thị lực, thậm chí tổn thương vĩnh viễn.

Rách – bong võng mạc là bệnh lý thường gặp ở võng mạc, có thể âm thầm xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào. Bệnh có thể xuất hiện mà không kèm theo bất cứ triệu chứng nào hoặc có các triệu chứng không rõ ràng nhưng lại diễn biến rất nhanh và có thể gây mất thị lực hoàn toàn. Để phát hiện tình trạng rách, bong võng mạc ở giai đoạn sớm, các kết quả thăm khám nhãn khoa thông thường hoặc kết quả khám sức khỏe định kỳ là không đủ để đánh giá. Bởi vậy việc chủ động tầm soát bệnh võng mạc là cần thiết, đặc biệt với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị bong rách võng mạc, để phát hiện sớm và nắm bắt thời điểm vàng trong điều trị.

Thoái hóa võng mạc
 
Ai cần thăm khám tầm soát bệnh thoái hóa võng mạc?

1. Nhóm nguy cơ cao cần tầm soát sớm và thăm khám định kỳ:

  • Những người mắc tật cận thị nặng (từ 6 độ trở lên): Ở người cận thị cao có nhãn cầu lồi ra phía trước sẽ kéo căng màng võng mạc, khiến vùng chu biên võng mạc trở nên mỏng hơn và thoái hóa dần dần. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, các tế bào thần kinh thoái hóa sẽ mất kết dính và gây ra biến chứng nặng hơn là bong rách võng mạc.
  • Những người có hiện tượng thoái hóa hoặc bong dịch kính sau dễ bị rách, bong võng mạc sớm hơn do khi khối dịch kính đã bị nhũ hóa (lỏng dần) và tách khỏi võng mạc dẫn đến những điểm kết dính còn lại của dịch kính với đáy mắt không còn chắc chắn, khiến võng mạc dễ bị di chuyển bởi cử động của mắt, về lâu dài hiện tượng rách, bong võng mạc là không thể tránh khỏi.
  • Những người có thói quen dụi mắt (từ khoảng 40 tuổi): Ở độ tuổi càng cao, dịch kính, võng mạc đã thoái hóa dần theo sự lão hóa của cơ thể. Những tác động như dụi mắt, ít nhiều gây nên sự lay chuyển ở dịch kính, võng mạc. Về lâu dài thói quen này lâu sẽ làm tăng nguy cơ võng mạc dễ bị rách, bong, đặc biệt là ở người đã có bệnh về võng mạc.

2. Nhóm nguy cơ, nên thăm khám định kỳ

  • Bệnh nhân từ 16 tuổi trở lên, có thể phối hợp với bác sỹ trong các bước kiểm tra
  • Bệnh nhân sau phẫu thuật đục thủy tinh thể, do trước phẫu thuật, thủy tinh thể bị đục gây cản trở việc soi khám võng mạc.
  • Bệnh nhân mắc tật cận thị
Gói tầm soát thoái hóa võng mạc

Tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản,  bệnh nhân thăm khám tầm soát thoái hóa võng mạc được thực hiện các bước kiểm tra chuyên sâu với Bác sỹ nhãn khoa có kinh nghiệm và đầy đủ máy móc hỗ trợ. Gói khám bao gồm các bước:

Bước 1: Tra thuốc giãn đồng tử cho 2 mắt.

Bước 2: Bác sỹ đặt kính tiếp xúc và kiểm tra võng mạc qua máy sinh hiển vi.

Bước 3: Đánh giá tình trạng thoái hóa võng mạc (nếu có), tư vấn và đưa ra chỉ định điều trị.

Khám tầm soát thoái hóa võng mạc
Hướng điều trị thoái hóa, rách, bong võng mạc

Qua thăm khám, nếu phát hiện ra các bất thường tại võng mạc, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị dựa trên tình trạng bệnh như sau:

Đối với bệnh nhân bị thoái hóa võng mạc chu biên:

  • Trường hợp võng mạc thoái hóa nhẹ, bệnh nhân cần kiểm tra định kỳ 3-6 tháng để theo dõi sự tiến triển và nhận chỉ định điều trị khi cần thiết.
  • Trường hợp thoái hóa nặng hơn, võng mạc quá mỏng có nguy cơ bong rách bất kỳ lúc nào, bệnh nhân sẽ cần thực hiện điều trị bằng thủ thuật laser quang đông để hàn gắn lại võng mạc cho chắc chắn hơn, hạn chế tình trạng rách, bong võng mạc.

Đối với bệnh nhân đã có vết rách trên võng mạc hoặc bong võng mạc:

  • Trường hợp rách, bong nhẹ: Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện điều trị bằng laser quang đông võng mạc ngay trong ngày kiểm tra để hàn gắn các rết rách, vì nếu để lâu vết rách có rthể lan rộng hơn gây ra bong võng mạc toàn bộ và mất thị lực hoàn toàn.
  • Trường hợp bong võng mạc nặng ảnh hưởng đến thị lực: bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt dịch kính điều trị bong võng mạc.

Lưu ý: Việc điều trị bằng laser quang đông cho mắt bị thoái hóa hoặc rách võng mạc  nhằm mục đích “gia cố”, hàn gắn các vết rách/thoái hóa võng mạc để các thoái hóa này không lan rộng ra gây nên tình trạng bong võng mạc một phần hoặc toàn phần. Tương tự, phẫu thuật cắt dịch kính điều trị bong võng mạc nhằm mục tiêu ép phần võng mạc đã bị bong về lại vị trí ban đầu để phần võng mạc bị bong không lan rộng thêm. Các tổ chức võng mạc đã bị thoái hóa, rách hoặc bong không thể khôi phục lại chức năng thị giác như ban đầu, nên mức độ cải thiện thị lực sau phẫu thuật/thủ thuật phụ thuộc vào tình trạng bệnh tại thời điểm điều trị. Sau khi thực hiện thủ thuật hay phẫu thuật, hiện tượng vẩn đục dịch kính hay chớp sáng tại mắt đã xuất hiện trước đó có thể vẫn sẽ còn tồn tại.

Các lưu ý phòng ngừa thoái hóa, rách, bong võng mạc

Theo các bác sĩ nhãn khoa, người bệnh nói chung và những người có nguy cơ cao rách, bong võng mạc cần được thăm khám, kiểm tra thị lực và võng mạc định kỳ 3 – 6 tháng một lần nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu thoái hóa để xử lý kịp thời. Do bệnh có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng nên việc thăm khám sẽ góp phần giúp người bệnh an tâm hơn cũng như không bỏ qua thời điểm vàng để điều trị. Bên cạnh đó người bệnh cũng cần lưu ý những điều sau để hỗ trợ bảo vệ đôi mắt của mình:

  • Đối với người mắc tật cận thị, cần đeo kính đúng số và phù hợp để hạn chế tình trạng thoái hóa võng mạc sớm.
  • Lưu ý chế độ sinh hoạt và sử dụng mắt khoa học để mắt được nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Bổ sung các chất dinh dưỡng tự nhiên tốt cho mắt vào khẩu phần ăn hàng ngày.