Viêm kết giác mạc cấp
Viêm kết giác mạc cấp là gì?
Viêm kết mạc cấp tính hay còn được gọi là đau mắt đỏ, là tình trạng viêm cấp tính của lớp niêm mạc che phủ nhãn cầu và mặt sau mi mắt, nguyên nhân thường do nhiễm trùng (virus, vi khuẩn) hoặc dị ứng gây ra.. Viêm kết mạc cấp do virus, vi khuẩn có khả năng lây lan cao thậm chí bùng phát thành dịch. Bệnh có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong năm nhưng thường gặp vào thời điểm giao mùa.
Nguyên nhân dẫn tới viêm kết giác mạc cấp
- Viêm kết mạc cấp tiết tố mủ do vi khuẩn: thường gặp do tụ cầu, lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae), hiếm gặp do não mô cầu (Neisseria Menigitidis).
- Viêm kết mạc cấp tiết màng do vi khuẩn: thường gặp do vi khuẩn bạch hầu (C. Dipptheria) và liên cầu ( Streptococcus Pyogene), phế cầu.
- Viêm kết mạc do virus: do virus Adeno virus, Entero virus…
Dấu hiệu nhận biết viêm kết giác mạc cấp:
Triệu chứng của viêm kết mạc cấp có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, tuy nhiên người mắc viêm kết mạc cấp tính có thể gặp một trong những triệu chứng sau:
- Cộm mắt
- Mi, kết mạc bị phù nề
- Xuất hiện nhiều dịch ở mắt, có thể đóng thành màng/ghèn đặc biệt là trong lúc ngủ khiến cho người bệnh khó mở mắt vào sáng sớm
- Chảy nước mắt nhiều hơn bình thường
- Một số trường hợp, viêm kết mạc cấp do virus, bệnh nhân còn xuất hiện hạch trước tai, sưng, đau hoặc sốt nhẹ
Điều trị viêm kết giác mạc cấp
Viêm kết mạc cấp tính không khó để điều trị. Thông thường bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên rửa mắt liên tục bằng nước muối sinh lý 0.9% để loại trừ mủ. Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng nước mắt nhân tạo phối hợp thuốc mỡ hay chườm ấm nhiều lần trong ngày. Nếu viêm kết mạc xảy ra do vi khuẩn là lậu cầu và bạch cầu, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một trong các loại kháng sinh. Tình trạng viêm kết mạc cấp có thể được cải thiện sau 5 -10 ngày nhưng cũng có thể kéo dài hơn. Một điều cần chú ý là người bệnh không nên tự ý mua thuốc để chữa trị tại nhà mà cần được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ nhãn khoa.
Về cơ bản viêm kết mạc cấp tính có thể điều trị được bằng những phương pháp đơn giản. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng và nhanh, viêm kết mạc có thể dẫn tới triệu chứng nguy hiểm ở mắt như gây viêm giác mạc biểu mô hay thậm chí thủng hoại tử giác mạc. Vậy nên khi cảm thấy bản thân có các triệu chứng của viêm kết mạc cấp, người bệnh cần tới các cơ sở chuyên khoa của mắt để thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời.
Phòng ngừa viêm kết giác mạc cấp
Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm kết mạc cấp là giữ gìn sạch sẽ vệ sinh cá nhân.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng
- Không sử dụng chung các đồ dùng cá nhân như khăn mặt hay khăn tắm.
- Không chạm tay, dụi mắt đang bị viêm
- Đối với trẻ em cần được tiêm phòng đầy đủ các bệnh theo đúng quy định
- Khi đi đường nên đeo kính, tra nước muối sinh lý để rửa mắt
- Bên cạnh đó, đối với các bạn thường xuyên sử dụng kính áp tròng, hay trang điểm mắt hoặc đi bơi thường xuyên thì nên vệ sinh mắt sạch sẽ bằng các dung dịch nước muối sinh lý nhỏ mắt. Nếu thấy các triệu chứng như đỏ mắt hay ra nhiều ghèn thì bạn nên tới các cơ sở chuyên khoa mắt để kiểm tra.