BỆNH VIÊM BỜ MI - NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Viêm bờ mi là tình trạng mí mắt bị viêm, trong đó mí mắt trở nên đỏ, ngứa, sưng lên hoặc có cảm giác đau rát. Dù không gây nên những tổn thương vĩnh viễn cho thị lực, tuy nhiên viêm bờ mi thường là một tình trạng mãn tính, khó điều trị dứt điểm, bệnh thường gặp ở mọi độ tuổi. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị của bệnh viêm bờ mi thông qua bài viết dưới đây cùng Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản.

viem-bo-mi

Bệnh viêm bờ mi là gì?

Bệnh viêm bờ mi là tình trạng viêm biểu bì của bờ tự do mi mắt, bao gồm tổn thương cấp tính hoặc mạn tính. Viêm bờ mi được phân thành hai loại:

  • Viêm bờ mi trước xảy ra ở mép trước bên ngoài của mí mắt, phần chân của lông mi.
  • Viêm bờ mi sau xảy ra ở mép trong của mí mắt chạm vào nhãn cầu.

Nguyên nhân gây nên bệnh viêm bờ mi

Viêm bờ mi trước thường do vi khuẩn (viêm bờ mi do tụ cầu) hoặc gàu trên da đầu và lông mày (viêm bờ mi tiết bã). Những vi khuẩn này thường được tìm thấy trên mặt và mí mắt, nhưng nếu chúng trở nên quá nhiều hoặc vùng mí mắt phản ứng kém với sự hiện diện của chúng, nhiễm trùng có thể xảy ra. Ít phổ biến hơn, dị ứng hoặc nhiễm trùng lông mi cũng có thể gây viêm bờ mi trước.

Viêm bờ mi sau có thể xảy ra khi có bất thường như bít tắc ở các tuyến sản xuất dầu của mí mắt (viêm bờ mi Meibomian). Điều này tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Viêm bờ mi sau cũng có thể phát triển do các tình trạng da khác, chẳng hạn như bệnh hồng ban và gàu da đầu.

o-nhiem
Môi trường ô nhiễm tiếp xúc hàng ngày có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm bờ mi

Triệu chứng của bệnh viêm bờ mi

Theo nghiên cứu khoa học, bệnh viêm bờ mi không gây ảnh hưởng đến thị lực hay các vấn đề đáng lo ngại khác ở mắt. Tuy nhiên, người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu ở mắt đi kèm với một số các biểu hiện thường thấy như sau:

  • Chảy nước mắt.
  • Cảm giác cộm, châm chích, nóng rát, như có vật thể lạ ở bên trong mắt.
  • Mi mắt có dịch nhờn, ngứa, sưng đỏ và đóng vảy.
  • Khô mắt.
  • Nhạy cảm với ánh sáng.
  • Rụng lông mi, dính mí mắt.
  • Lên chắp, lẹo mắt.

Đối với một số người, viêm bờ mi chỉ gây kích ứng và ngứa nhẹ. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn như nhìn mờ, thiếu hoặc mọc sai lông mi, viêm các mô mắt khác, đặc biệt là giác mạc. Nếu bị cọ xát nhiều, vùng bờ mi bị viêm bị kích thích có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng thứ cấp.

mi-sung
Mi mắt ngứa, sưng đỏ và đóng vảy là biểu hiện thường gặp ở bệnh viêm bờ mi

Cách điều trị bệnh viêm bờ mi

Một số giải pháp điều trị bệnh viêm bờ mi:

Chườm ấm

Sử dụng một chiếc khăn sạch, ngâm qua nước ấm và vắt khô, sau đó đắp khăn lên mắt. Điều này sẽ giúp làm giãn nở các tuyến dầu bị tắc, làm lỏng các mảng vụn bám quanh lông mi. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng các máy chườm ấm mắt có kết hợp xoa bóp để làm thông thoáng các tuyến dầu trong mí mắt. 

Làm sạch mí mắt

Sử dụng một chiếc khăn sạch, tăm bông hoặc miếng bông tẩy trang, ngâm trong dầu gội trẻ em được pha loãng trong nước ấm. Sau đó sử dụng nó để chà nhẹ vào gốc lông mi trong khoảng 15 giây. Việc giữ cho mí mắt, da và tóc sạch sẽ là yếu tố quan trọng giữ cho tình trạng viêm bờ mi được kiểm soát. 

Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Bác sĩ nhãn khoa có thể chỉ định thuốc kháng sinh dạng bôi hoặc dạng uống để điều trị các triệu chứng viêm trên bờ mi. Nước mắt nhân tạo hoặc thuốc nhỏ mắt kháng sinh có thể được chỉ định để giúp giảm đỏ, sưng, khô mắt và giúp các tuyến dầu hoạt động tốt hơn.

Một số lưu ý với bệnh nhân bị viêm bờ mi:

  • Ngưng trang điểm mắt khi xuất hiện viêm bờ mi vì nó khiến cho việc vệ sinh mắt trở nên khó khăn hơn. 
  • Tạm thời ngưng đeo kính áp tròng trong quá trình điều trị.
  • Bổ sung Omega bởi dưỡng chất này giúp các tuyến dầu ở mí mắt hoạt động tốt hơn.
  • Đeo kính bảo vệ mắt mỗi khi ra đường.
  • Hạn chế chạm vào mắt khi chưa rửa tay, hạn chế tác động lên mi mắt như gãi dụi mắt.
kinh-bao-ve
Bảo vệ mắt khỏi vi khuẩn là điều cần thiết khi điều trị bệnh viêm bờ mi
  • Để quá trình phục hồi mắt diễn ra nhanh hơn, người bệnh có thể kết hợp kiêng ăn một số thực phẩm giàu fructose và chất béo như: mật ong, ngô, dầu, bơ,... và hạn chế sử dụng đồ uống có cồn.
  • Nếu bệnh diễn biến nặng, người bệnh có thể xem xét đến các cơ sở nhãn khoa uy tín để thực hiện chích mủ.

Dù có thể áp dụng một số phương pháp chữa trị tại nhà, nhưng người bệnh nên chủ động đến khám và điều trị tại các cơ sở nhãn khoa uy tín để tránh mắc phải các biến chứng như: lông mi mọc ngược, viêm kết mạc, viêm giác mạc, chắp mắt, lẹo mắt,...

kham-mat
Khám mắt tại các cơ sở y tế giúp đánh giá đúng tình trạng bệnh và hạn chế biến chứng

👉 Đăng ký khám mắt tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản: https://jieh.vn/dat-lich-kham

Bệnh viêm bờ mi tuy không khó điều trị, nhưng lại rất dễ tái phát và phụ thuộc nhiều vào thói quen sinh hoạt của bệnh nhân. Vì vậy, giải pháp chữa trị hiệu quả và lâu dài đó chính là duy trì lối sống lành mạnh, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.