VIÊM KẾT MẠC DO VIRUS
Đỏ cộm mắt, chảy nước mắt, nổi hạch gần tai, sợ ánh sáng,... là những biểu hiện thường thấy khi người bệnh bị viêm kết mạc do virus. Mặc dù bệnh có thể tự khỏi sau vài tuần, người bệnh vẫn cần nắm rõ các thông tin nhãn khoa để có cách xử lý khoa học, phòng tránh các biến chứng nghiêm trọng và hạn chế lây lan cho những người xung quanh.
Viêm kết mạc do virus là gì?
Bệnh viêm kết mạc được chia thành 4 loại: viêm kết mạc do vi khuẩn, viêm kết mạc do virus, viêm kết mạc dị ứng, viêm kết mạc mãn tính do nhiễm trùng.
Trong đó, viêm kết mạc do virus là một bệnh lý nhiễm trùng thường gặp, gây ra bởi một số loại virus như Adenovirus (chiếm tới 90%), Enterovirus, Herpes , Coxsackievirus, Picornaviruses,...
Con đường lây nhiễm thường đến từ việc tiếp xúc với các chất dịch tiết của người bệnh (ho, hắt hơi) hoặc với vật trung gian chứa virus của người bệnh (đồ dùng cá nhân, bàn, ghế,...). Vì vậy, nếu không được kiểm soát tốt, bệnh viêm kết mạc do virus có thể bùng phát thành dịch.
Mặc dù viêm kết mạc do virus thường tự khỏi sau 2-3 tuần, tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể mắc một số biến chứng như nhiễm trùng mãn tính, suy giảm thị lực, viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm vi khuẩn. Chính vì vậy, người bệnh cần có biện pháp điều trị khoa học và phòng tránh lây lan sang cho người khác.
Dấu hiệu của viêm kết mạc do virus
Khi bị viêm kết mạc do virus, người bệnh sẽ có một số triệu chứng như:
- Đỏ mắt lan rộng củng mạc (lòng trắng của mắt).
- Chảy nước mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng, sợ ánh sáng.
- Xuất hiện hột kết mạc.
- Xuất hiện giả mạc.
- Ho, sốt, đau họng, nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Nổi hạch quanh tai.
Để chẩn đoán chính xác và tránh nhầm lẫn với các loại viêm kết mạc khác, người bệnh nên thăm khám với bác sĩ nhãn khoa khi phát hiện các dấu hiệu nêu trên.
Đăng ký thăm khám và điều trị (từ 450.000 VND) tại: https://jieh.vn/dat-lich-kham.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm kết mạc do virus
Bệnh viêm kết mạc do virus có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên, phần lớn người mắc bệnh là trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) do sức đề kháng yếu.
Ngoài ra, một số đối tượng khác có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm:
- Người thường xuyên tiếp xúc, sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh.
- Người sống tại khu vực đông người, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, không đảm bảo vệ sinh.
- Người có hệ thống miễn dịch cơ thể bị suy giảm.
Cách xử lý khi bị viêm kết mạc do virus
Để điều trị hiệu quả và phòng tránh các biến chứng nghiêm trọng do bệnh gây nên, hãy tham khảo một số bước xử lý khoa học như sau:
Giữ vệ sinh cho mắt
- Vệ sinh mắt sạch sẽ bằng nước mắt sinh lý 0.9% hoặc nước mắt nhân tạo.
- Sát trùng tay, rửa tay kỹ sau khi chạm vào mắt, dịch tiết mũi (adenovirus lây truyền bằng tiếp xúc với chất tiết đường hô hấp, giọt bắn, có thể tồn tại ỏ dụng cụ khám đến 35 ngày)
- Sử dụng kính bảo vệ mắt, tránh gió bụi và tránh nước bẩn rơi vào mắt.
- Tránh chạm vào mắt không bị nhiễm trùng sau khi chạm vào mắt bị nhiễm trùng để hạn chế lây nhiễm giữa 2 mắt.
- Không băng che mắt
- Tránh bơi lội, trang điểm, hoặc đeo kính áp tròng.
Tuân thủ nguyên tắc điều trị
- Không thực hiện các biện pháp dân gian (đắp lá, mát xa, bấm huyệt,...) hay tùy ý mua thuốc điều trị mà không được bác sĩ kê đơn.
- Thăm khám với bác sĩ nhãn khoa nếu triệu chứng bệnh không thuyên giảm để được đánh giá và kê đơn thuốc phù hợp.
- Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày, bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể, tập thể dục đều đặn,...
Bên cạnh đó, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh lây lan để bảo vệ sức khỏe cho những người xung quanh cũng rất quan trọng. Người bệnh nên đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, vệ sinh tay kỹ càng, tránh dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác. Đối với trẻ nhỏ khi bị viêm kết mạc, ba mẹ nên cân nhắc cho con trẻ nghỉ học ở nhà để tránh lây nhiễm.