TẦM QUAN TRỌNG CỦA KIỂM SOÁT TIẾN TRIỂN CẬN THỊ Ở TRẺ EM

22/04/2022

Những năm trở lại đây, tình trạng trẻ em mắc tật khúc xạ ngày càng trở nên phổ biến. Theo số liệu của ngành y tế, tỷ lệ cận thị học đường đang dao động trong khoảng 30-40%. Ở một số thành phố lớn, con số này thậm chí lên đến 80%. 

Cận thị là một tật khúc xạ gây rối loạn chức năng thị giác, tia sáng hội tụ ở trước võng mạc thay vì phải hội tụ tại đúng võng mạc, điều này khiến cho người bị cận thị chỉ có thể nhìn được những vật ở gần mà không nhìn rõ những vật ở xa.

Trẻ mắc tật cận thị, luôn đi kèm với nguy cơ tăng độ liên tục trong suốt quá trình phát triển, thể hiện ở việc trẻ thường xuyên phải thay kính. Do vậy, các biện pháp kiểm soát cận thị là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh cũng như các chuyên gia trong ngành nhãn khoa.

Bảng trên dựa theo số liệu từ Flitcroft et năm 2012 cho thấy nguy cơ gia tăng các biến chứng ở mắt tăng theo độ cận thị. Nguy cơ mắc các bệnh về mắt này đối với một người không bị cận thị là ‘1’ - tỉ số chênh (odd ratio). Theo bảng, chúng ta có thể thấy người có độ cận là 1 diop sẽ có nguy cơ bị đục thủy tinh thể lớn hơn 2,1 lần và nguy cơ bị bong võng mạc lớn hơn 3,1 lần so với người không bị cận. Nguy cơ này cao dần khi độ cận thị tăng dần. 

Kiểm soát cận thị sẽ là làm chậm sự phát triển quá mức của trục nhãn cầu, giúp trẻ duy trì được độ cận ổn định trong thời thơ ấu, từ đó giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh về mắt khác cũng như giúp trẻ có nhiều lựa chọn về các phương pháp phẫu thuật điều trị tật khúc xạ khi đến tuổi trưởng thành. 

Các phương pháp kiểm soát tiến triển cận thị hiệu quả 

Sử dụng kính áp tròng cứng ban đêm Ortho-K
Ortho-K là phương pháp điều chỉnh độ khúc xạ tạm thời thông qua cơ chế định hình giác mạc bởi một thấu kính áp tròng cứng được đeo vào buổi đêm khi đi ngủ (trung bình 6 – 8 giờ mỗi đêm) và tháo ra khi thức dậy vào sáng hôm sau. Trẻ sẽ có được tầm nhìn rõ nét vào ban ngày mà không cần đeo kính gọng hay kính áp tròng. Đây là phương pháp có tác dụng ức chế quá trình tăng trưởng cận thị, có thể áp dụng cho các trường hợp trẻ tăng độ nhanh.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt Atropine 0.01% theo chỉ định của bác sỹ
Thuôc nhỏ mắt Atropine 0.01% là giải pháp có thể làm chậm tiến triển của bệnh cận thị. Thuốc được bác sỹ chỉ định cho những trẻ mắc tật cận thị trong độ tuổi từ 6 – 15, độ cận tối thiểu 0,5 đi-ốp và có mức độ tiến triển cận thị nhanh. Atropine 0.01% là thuốc kê đơn, chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sỹ với liều lượng, thời gian và cách thức sử dụng theo hướng dẫn cụ thể, phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ mà không có tư vấn từ bác sỹ.

Đeo kính đúng số 
Quan niệm trước đây cho rằng việc đeo kính thấp hơn so với độ cận thực tế sẽ tốt hơn cho mắt do hạn chế việc mắt phải điều tiết khi nhìn gần, khiến mắt đỡ căng mỏi. Tuy nhiên, thực tế việc này lại không đảm bảo thị lực nhìn xa tốt cho trẻ, buộc mắt phải điều tiết bù trừ phần thiếu hụt để bắt nét hình ảnh khi muốn nhìn ra xa. Do vậy, theo các nhà nghiên cứu, việc đeo kính đúng số mới mang lại hiệu quả tối đa, góp phần hạn chế tăng độ cận. 

Dùng kính gọng đa tròng kiểm soát độ cận
Kính gọng đa tròng được thiết kế từ 2 vùng nhìn trở lên trên một mắt kính với số độ khúc xạ khác nhau ở các vùng để phù hợp với từng khoảng cách nhìn và hầu như không có đường phân tách giữa các vùng này. Kính có tác dụng giảm bớt điều tiết của mắt khi thay đổi các khoảng nhìn xa – gần – trung gian, theo đó kiểm soát sự tăng độ cận gây ra khi mắt phải làm việc quá căng thẳng.

Thói quen sinh hoạt 
Duy trì một thói quen sử dụng mắt khoa học cho trẻ là biện pháp hữu hiệu hạn chế tiến triển cận thị cho trẻ. Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ một chế độ sinh hoạt điều độ, hạn chế nhìn gần kéo dài liên tục, tuân thủ nguyên tắc 20:20:20 (20 phút làm việc, cho mắt nghỉ ngơi 20 , nhìn ra xa 20 feet - tương đương 6m), hạn chế sử dụng các thiết bị màn hình như điện thoại, máy tính, TV, trò chơi điện tử.

Phụ huynh cũng nên kê bàn học của trẻ gần cửa sổ để đón ánh sáng tự nhiên, kích thước bàn, ghế phù hợp với độ tuổi, hướng dẫn trẻ ngồi cao, cách xa mặt bàn, khoảng cách từ cằm đến mặt bàn bằng chiều dài cánh tay trẻ.

Bên cạnh đó, trẻ nên dành ít nhất 2 giờ mỗi ngày để sinh hoạt ngoài trời, tăng cường nhìn xa, tắm nắng. Nhìn trong điều kiện ánh sáng tự nhiên không chỉ giúp ức chế sự phát triển của cận thị mà còn ngăn ngừa cận thị trên những trẻ đang có đôi mắt khỏe mạnh.

Tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, gói khám “Khúc xạ học đường” được thiết kế phù hợp với các bạn trong nhóm từ 6 -17 tuổi. Mỗi bệnh nhân khi đến khám đều được thực hiện các bước khám theo quy trình tiêu chuẩn Nhật Bản với các thiết bị, máy móc hiện đại.

Đặc biệt, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản dành tặng ưu đãi duy nhất cho bệnh nhân ở độ tuổi học đường (6-17 tuổi):

  • Giảm 50% phí thăm khám khúc xạ cho trẻ, chỉ 250.000 VND để trẻ được thăm khám kiểm tra thị lực kỹ lưỡng, đồng thời nhận tư vấn từ bác sỹ nhãn khoa.
  • Thẻ "Kiểm soát cận thị - Myopia Control" chỉ 750.000 VND cho 2 năm thăm khám khúc xạ không giới hạn số lần.