ẢNH HƯỞNG LÂU DÀI CỦA CẬN THỊ TỚI SỨC KHỎE MẮT Ở TRẺ EM
Trẻ mắc tật cận thị, luôn đi kèm với nguy cơ tăng độ liên tục trong suốt quá trình phát triển. Cận thị khởi phát sớm hơn có thể dẫn đến tốc độ tiến triển nhanh hơn và độ cận thị cuối cùng có thể cao hơn. Theo WHO, đến năm 2050, 10% dân số thế giới được xếp vào nhóm cận thị cao. Tật cận thị không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập và sinh hoạt của trẻ nhỏ mà việc tăng độ liên tục có thể dẫn tới cận thị nặng, lâu ngày còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác
Bệnh glôcôm
Hiện nay, bệnh glôcôm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa không thể hồi phục trên thế giới. Có một mối tương quan rõ ràng giữa bệnh nhân được chẩn đoán cận thị và sự phát triển của bệnh glôcôm. Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Anh Tuấn, bệnh nhân cận thị nhẹ đến trung bình có nguy cơ phát triển bệnh glôcôm gấp 2 lần. Nguy cơ cao hơn ở những người cận thị cao, nguy cơ mắc glôcôm góc mở cao gấp 3 lần. Nguyên nhân là do mắt người cận thị cao hoặc rất cao (trên 8 độ) có trục nhãn cầu dài kéo căng các lớp sợi thần kinh thị giác khiến lớp liên kết này mỏng và yếu đi, nhiều khả năng mắc glocom góc mở, khiến tầm nhìn thu hẹp dần vào trung tâm, hình ảnh ở các góc và xung quanh sẽ mờ dần rồi mất hẳn.
Đục thủy tinh thể
Theo các nhà nghiên cứu, chiều dài trục nhãn cầu dài ra ở mắt người cận thị có thể ngăn cản việc cung cấp chất dinh dưỡng đến mặt sau của thủy tinh thể. Kết quả là thủy tinh thể mất đi độ trong và bắt đầu hình thành bệnh đục thủy tinh thể. Một nguyên nhân khác là do trục nhãn cầu dài ra ở người cận thị có thể gây tổn hại tới các tế bào cảm thụ ánh sáng ở võng mạc. Những tổn hại này có thể dẫn tới nhiều biến chứng trong đó có đục thủy tinh thể.
Bong võng mạc
Ở người cận thị cao, nhãn cầu lồi ra phía trước sẽ kéo căng màng võng mạc, khiến vùng chu biên võng mạc mỏng hơn và thoái hóa dần, dẫn đến các tế bào thần kinh sẽ mất kết dính và gây ra biến chứng như bong rách võng mạc hoặc xuất huyết dịch kính. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ (American Journal of Epidemiology) cho thấy cận thị là một trong những yếu tố liên quan đến tình trạng bong võng mạc. Nghiên cứu cho thấy một mắt bị cận thị nhẹ (tật khúc xạ từ −1 đến −3 diop) có nguy cơ bị bong võng mạc cao hơn gấp 4 lần so với mắt không bị cận thị. Trong khi đó, ở mắt có độ cận thị trung bình đến cao (lớn hơn -3 diop), thì nguy cơ bị bong võng mạc gấp tới 10 lần.
Thoái hóa điểm vàng
Khi mắt của người bệnh tăng thêm độ, các tế bào ở trung tâm của võng mạc có thể bị ảnh hưởng gây ra một điểm mù ở trung tâm của mắt. Võng mạc mỏng hơn cũng có thể gây ra các vết nứt ở các lớp sâu hơn dưới võng mạc làm teo thêm hoặc chảy máu ở trung tâm của điểm vàng.
Hạn chế sự lựa chọn phương pháp phẫu thuật khúc xạ
Cận thị cao làm giảm khả năng trở thành ứng cử viên cho các phẫu thuật khúc xạ bằng phương pháp phẫu thuật bằng laser. Bởi với cơ chế khắc phục tật khúc xạ bằng cách làm thay đổi độ cong giác mạc, qua đó làm mỏng giác mạc của các phẫu thuật bằng laser khiến cho mắt có độ khúc xạ càng cao, giác mạc cần làm mỏng càng nhiều. Với người cận thị rất cao, phương pháp Phakic sẽ là lựa chọn tối ưu hơn. Tuy nhiên, việc cận cao có thể khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ mắc glôcôm, nên trong một số trường hợp phẫu thuật Phakic cũng không còn phù hợp.
Hiện nay, quá trình tiến triển cận thị có thể kiểm soát được bằng các biện pháp như sử dụng thuốc nhỏ mắt, sử dụng kính áp tròng cứng ban đêm Ortho-K hoặc sử dụng kính đa tròng theo chỉ định của Bác sỹ nhãn khoa. Tùy thuộc vào độ tuổi, độ khúc xạ cũng như nhu cầu mà mỗi phương pháp sẽ phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, trẻ cần được duy trì một chế độ sử dụng mắt khoa học như đeo kính đúng số, dành ít nhất 2h mỗi ngày cho các hoạt động ngoài trời để tăng cường nhìn xa, duy trì khoảng cách phù hợp khi học tập, hay sử dụng các thiết bị điện tử, hạn chế nhìn gần trong thời gian dài, thực hiện quy tắc 20/20/20 - cứ mỗi 20ph làm việc, cho mắt nghỉ 20s và nhìn ra xa 20 feet (tương đương 6m).
Kiểm soát tiến triển cận thị là một quá trình lâu dài và mục đích chính của nó là giúp hạn chế được tối đa những biến chứng có thể xảy ra liên quan tới tật cận thị đặc biệt là cận thị cao như đục thủy tinh thể, bong võng mạc, glôcôm - những bệnh lý gây suy giảm nghiêm trọng về thị lực nếu không được điều trị kịp thời.
Phụ huynh có thể nhận tư vấn chi tiết về kiểm soát tiến triển cận thị cho trẻ tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản với:
- Gói khám “Khúc xạ học đường”: ưu đãi tới 50% - chỉ 250.000đ để trẻ được thăm khám kiểm tra thị lực kỹ lưỡng, đồng thời nhận tư vấn từ bác sỹ nhãn khoa, áp dụng cho trẻ từ 6-17 tuổi.
- Gói khám “Kiểm soát tiến triển cận thị”: Bên cạnh các bài kiểm tra thị lực thông thường, trẻ sẽ được định kỳ kiểm tra trục nhãn cầu, theo dõi sát sao tình trạng tăng độ cận trên mắt của trẻ, từ đó đưa ra các chỉ định tối ưu nhằm hạn chế quá trình tiến triển cận thị này. Chỉ 1,500,000đ cho 2 năm thăm khám và tư vấn kiểm soát tiến triển cận thị.