Đục thủy tinh thể

1. Đục thủy tinh thể là gì?
Trước hết, để biết đục thủy tinh thể là gì, người đọc cần biết thủy tinh thể (hay còn gọi là nhân mắt) là một thấu kính hai mặt lồi, có độ đàn hồi, đặc quánh và trong suốt. Thủy tinh thể nằm ở phía sau đồng tử, có vai trò như một thấu kính làm ánh sáng hội tụ trên võng mạc sau khi đi qua đồng tử. Theo tuổi tác, độ đàn hồi và trong suốt của thủy tinh thể giảm đi, xuất hiện màu vàng đục, hay còn gọi là bệnh đục thủy tinh thể.
 
Vậy đục thủy tinh thể là gì? Đục thủy tinh thể (có tên gọi khác là cườm khô, cườm đá) là hiện tượng protein tập trung thành đám, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể, làm ánh sáng đi qua bị tán xạ, cản trở ánh sáng đến võng mạc. Đục thủy tinh thể làm cho thị lực của bệnh nhân suy giảm, tầm nhìn mờ và nếu không kịp thời chữa trị có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, đục thủy tinh thể đến độ chín có thể gây tăng nhãn áp, đỏ mắt, đau nhức mắt và đau đầu. Khi đó, không những bệnh nhân bị mù lòa vĩnh viễn mà còn phải múc bỏ nhãn cầu.
 

Bệnh đục thủy tinh thể

 2. Triệu chứng của đục thủy tinh thể

Bệnh đục thủy tinh thể diễn biến từ từ, nhưng có thể phát hiện được thông qua các triệu chứng:

  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng
  • Mắt nhìn kém trong điều kiện thiếu sáng
  • Hình ảnh mờ nhòe, nhìn một hình thành nhiều hình
  • Màu sắc sai khác với thực tế
  • Thị lực không cải thiện kể cả khi có sự hỗ trợ của kính
  • Cận thị tiến triển khi ngoài tuổi 40
  • Phần lòng đen mất đi độ trong suốt
Đục thủy tinh thể ở người già
Hình ảnh nhìn từ mắt bị đục thủy tinh thể
 3. Nguyên nhân của bệnh đục thủy tinh thể
  • Tuổi già là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể. Theo thống kê, hơn 80% bệnh nhân bị đục thủy tinh thể có độ tuổi trên 60.
  • Đục thủy tinh thể do bệnh lý, điển hình là bệnh đái tháo đường (tiểu đường), viêm màng bồ đào, tổn thương võng mạc,…
  • Đục thủy tinh thể do bẩm sinh. Nguyên nhân gây ra có thể do di truyền hoặc do thiếu sót của phôi trong thời kỳ mang thai.
  • Thủy tinh thể bị thiếu oxy, tổn thương thành phần protein. Nguyên nhân có thể do các tác động: tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, ánh sáng nhân tạo có cường độ sáng mạnh ( như đèn sân khấu, đèn quay phim, đèn cao áp,..), hoặc do tiếp xúc với virus, vi trùng, uống bia rượu, khói thuốc lá.
  • Tiếp xúc với xạ i-on hóa (thường được sử dụng trong y học để chụp X-quang, xạ trị cho bệnh nhân ung thư)
 4. Các phương pháp điều trị đục thủy tinh thể
Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn chớm, bệnh nhân có thể cải thiện tầm nhìn bằng cách sử dụng kính gọng. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần khám và kiểm tra mắt định kỳ tại cơ sở chuyên khoa để theo dõi diễn tiến của bệnh.
 
Thủy tinh thể đã bị đục không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Ở giai đoạn nặng hơn, giải pháp điều trị triệt để là thực hiện phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo.
 

phẫu thuật thay thủy tinh thể

Các phương pháp chữa đục thủy tinh thể phổ biến hiện nay bao gồm: 
Phẫu thuật thay thủy tinh thể Phaco (Phacoemulsification) là quá trình tán nhuyễn thủy tinh thể đã bị đục bằng sóng siêu âm tần số cao và hút ra ngoài. Sau đó thay thế bằng một thủy tinh thê nhân tạo phù hợp để phục hồi thị lực.
 
Phẫu thuật thay thủy tinh thể sử dụng tia laser – Laser Cataract có cùng cơ chế tán nhuyễn nhân thủy tinh thể đã bị đục để đưa ra ngoài và thay thế bằng một thủy tinh thể nhân tạo phù hợp với mắt của người bệnh như phương pháp Phaco. Điểm khác biệt là, tia Femtosecond Laser được đưa vào sử dụng và thay thế một số thao tác bằng tay như tạo đường mổ, tạo đường xé bao trước thủy tinh thể, hỗ trợ chẻ nhỏ thủy tinh thể đã bị đục.
 
Trong phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể, một thủy tinh thể nhân tạo với thông số phù hợp sẽ được đặt vào bên trong mắt để thay thế thủy tinh thể tự nhiên bị đục đã được hút ra ngoài. Tùy vào đặc điểm của mắt và nhu cầu sử dụng mắt, bệnh nhân có thể lựa chọn một trong hai loại thủy tinh thể nhân tạo:
 
Thủy tinh thể đơn tiêu cự
Thủy tinh thể đơn tiêu cự được thiết kế tối ưu cho thị lực nhìn gần hoặc nhìn xa. Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng mắt, người bệnh có thể lựa chọn loại thủy tinh thể đơn tiêu phù hợp để hỗ trợ khoảng nhìn ưu tiên. Người bệnh sẽ cần đeo kính để hỗ trợ đối với các khoảng nhìn còn lại.
 
Thủy tinh thể đa tiêu cự
Thủy tinh thể đa tiêu cự được thiết kế tối ưu cho tất cả các khoảng nhìn gần, xa và trung gian mà không cần sự hỗ trợ của kính. Thủy tinh thể đa tiêu cự có thể không phù hợp đối với một số trường hợp như:
  • Dây chằng zinn bị yếu, đứt, đồng tử méo (khó cố định tâm thủy tinh thể nhân tạo).
  • Có bệnh lý về đáy mắt như bong võng mạc, xuất huyết đáy mắt, màng trước võng mạc, glaucoma.
  • Người thường lái xe vào ban đêm

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây đứng đầu gây mù lòa tại Việt Nam. Sự nghiêm trọng của đục thủy tinh thể nằm ở việc không thể dự đoán chính xác tình trạng đục thủy tinh thể sẽ xấu đi nhanh như thế nào. Việc không được chữa trị kịp thời, có thể dẫn tới thủy tinh thể trở nên “quá chín”, gây khó khăn cho việc điều trị và gia tăng các biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật. 

Tuy nhiên, sự nghiêm trọng của đục thủy tinh thể có thể được ngăn chặn bằng cách thăm khám, để tầm soát và phát hiện sớm và nắm bắt thời điểm vàng trong điều trị. 

Tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, gói khám “Tầm soát đục thủy tinh thể” sẽ giúp người bệnh kiểm tra tổng quát để đánh giá tình trạng của mắt, nguy cơ và mức độ đục thủy tinh thể của bệnh nhân, từ đó bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên chính xác dành cho từng bệnh nhân. Đăng ký gói khám ngay tại đây: https://jieh.vn/dich-vu/tam-soat-duc-thuy-tinh-the