ỨNG DỤNG CỦA TIA LASER TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH LÝ NHÃN KHOA

24/10/2019

LASER là tên viết tắt của cụm từ light amplification by stimulated emission of radiation - khuyếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích. Việc sử dụng tia laser trong y tế, đặc biệt là điều trị bệnh lý nhãn khoa là một bước phát triển vượt bậc của công nghệ y khoa. Khác với các tia X, tia Gamma; tia Laser không bị ion hóa nên không gây nguy hại cho sức khỏe. Đây là loại tia sáng mang năng lượng cao, khi tác động vào cơ thể sẽ có tác động tức thời mà không gây di chứng.

Ánh sáng laser có đặc điểm đơn sắc, kết hợp, định hướng (di chuyển theo một hướng), và có tác động mạnh. Tùy theo bước sóng phát ra ta có các loại laser khác nhau như laser YAG (bước sóng 1.064nm), laser 532 (532nm), laser Argon (488 hoặc 514,5 nm), laser excimer (193nm)…

Trong điều trị bệnh lý nhãn khoa, mỗi loại laser sẽ được ứng dụng vào điều trị các bệnh khác nhau như glaucoma, bệnh lý võng mạc, phẫu thuật điều trị tật khúc xạ, phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể…

Laser eye

Đối với điều trị bệnh glaucoma:

  • Điều trị glaucoma góc đóng trên bệnh nhân được xác định góc tiền phòng hẹp, việc cắt mống chu biên bằng tia laser YAG tạo một lổ thủng nhỏ ở chu biên mống mắt giúp thủy dịch lưu thông từ sau mống mắt ra trước dễ dàng hơn giảm nghẽn đồng tử. Phương pháp này không gây đau, thực hiện rất nhanh, ít biến chứng và có thể phòng ngừa bệnh glaucoma góc đóng hiệu quả.
  • Điều trị glaucoma góc mở hiệu quả bằng cách dùng laser argon để tạo hình vùng bè (trabeculoplasty) trong những trường hợp không kiểm soát được bằng thuốc. Tia laser phá hủy những tế bào và chất ngoại bào làm phóng thích các chất trung gian, kích thích những tế bào nội mô vùng bè giúp tăng thoát lưu thủy dịch qua vùng bè.

Đối với bệnh lý võng mạc, các chỉ định sử dụng laser được áp dụng điều trị phù hợp từng tình trạng bệnh như bệnh võng mạc đái tháo đường, tắc tĩnh mạch võng mạc, vết rách võng mạc, tân mạch võng mạc, tân mạch hắc mạc, các bất thường vi mạch hắc võng mạc,…

Bên cạnh đó, ứng dụng đặc biệt nhất của tia Laser chính là được sử dụng trong phẫu thuật tật khúc xạ và phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể.

Phẫu thuật tật khúc xạ sử dụng tia Laser đã được áp dụng nhiều năm với kết quả ổn định và vẫn phát triển cho đến ngày nay. Các phương pháp điều trị tật khúc xạ bằng laser hiện đại và hiệu quả nhất hiện nay là ReLEx SMILE, Femtosecond LasikSBK Lasik. Các phẫu thuật này có cơ chế sử dụng tia laser để thay đổi độ cong của giác mạc nhằm triệt tiêu độ khúc xạ của người bệnh, đưa đôi mắt về trạng thái chính thị, có thể nhìn rõ mọi khoảng cách mà không cần đến sự hỗ trợ của kính gọng hay kính áp tròng.

phẫu thuật laser

SBK LASIK

  • Tạo vạt giác mạc bằng dao siêu vi tự động và dùng tia laser excimer để khử độ cận.
  • Phù hợp điều trị độ khúc xạ từ 0,5 – 6 diop với độ dày giác mạc cho phép

FEMTOSECOND LASIK

  • Tạo vạt giác mạc bằng tia laser Femtosecond và dùng tia laser excimer để khử độ cận. Hoàn toàn không sử dụng dao.
  • Phù hợp điều trị độ khúc xạ từ 0,5 – 6 diop với độ dày giác mạc cho phép

ReLEx SMILE

  • Không lật vạt giác mạc, không dùng dao, chỉ sử dụng chùm tia laser Femtosecond cắt ngầm ở lớp nhu mô ít quan trọng nhất bên trong giác mạc. Sau đó rút lớp mô vừa cắt qua đường mổ nhỏ 2mm để triệt tiêu hoàn toàn độ cận, loạn.
  • Điều trị độ khúc xạ từ 0,5 – 8 diop với độ dày giác mạc cho phép

Phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể sử dụng tia laser - Laser cataract – thay thế một số thao tác bằng tay của phẫu thuật viên như tạo đường mổ, tạo đường xé bao trước thủy tinh thể và chẻ nhỏ thủy tinh thể đã bị đục bằng tia Femtosecond Laser giúp mang lại nhiều ưu điểm vượt trội về độ chính xác, an toàn và tốc độ phục hồi của người bệnh.

Sử dụng tia laser là một ứng dụng quan trọng, không thể thiếu trong điều trị y tế nói chung và các bệnh lý nhãn khoa nói riêng. Khi được chỉ định điều trị bệnh lý bằng laser cần thận trọng lựa chọn bệnh viện với bác sĩ có kinh nghiệm sâu về laser, có trang thiết bị hiện đại nhằm đạt được hiệu quả điều trị là tốt nhất. Công nghệ Laser trong điều trị các bệnh lý về nhãn khoa hiện được áp dụng rộng rãi tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản nhằm mang đến cơ hội chăm sóc và điều trị tối ưu, hiện đại cho bệnh nhân.