VÌ SAO PHỤ NỮ LẠI DỄ MẮC CÁC BỆNH VỀ MẮT HƠN NAM GIỚI ?

20/05/2021

Khi nói về sự khác biệt giữa phụ nữ và đàn ông, thị lực và sức khỏe đôi mắt có lẽ không phải là những điều bạn sẽ nhắc tới đầu tiên. Thế nhưng, trên thực tế, một trong những điểm khác biệt giữa phụ và nam giới đó là phụ nữ phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới sức khỏe đôi mắt hơn và dễ bị mắc một số bệnh về mắt nhất định so với nam giới. Vậy phụ nữ cần làm gì để bảo vệ sức khỏe đôi mắt của mình ?

Bệnh về mắt nào ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn?

Glocom và thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD) ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Đặc điểm của thoái hóa điểm vàng là sự tổn thương các tế bào trong đó có các tế bào cảm thụ ánh sáng tại vùng võng mạc trung tâm hay còn gọi là hoàng điểm. Trong khi đó, glocom là một nhóm các bệnh lý gây mất thị lực vĩnh viễn do làm tổn thương dây thần kinh thị giác. Việc khám mắt là vô cùng quan trọng và cũng là cách tốt nhất để phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý về mắt này.

Bện cạnh đó, so với nam giới, phụ nữ cũng dễ mắc phải bệnh khô mắt mãn tính cũng như các tật khúc xạ hơn. Các triệu chứng của khô mắt bao gồm đỏ mắt, kích ứng, khó chịu và mờ mắt. Nếu bệnh khô mắt không được điều trị, nó có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng mắt cao hơn, vì vậy nếu bạn gặp phải triệu chứng khô mắt liên tục trong một thời gian dài, hãy tới các cơ sở chuyên khoa mắt uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Các yếu tố có thể ảnh hưởng tới sức khỏe đôi mắt của phụ nữ là gì ? 

1. Tuổi thọ dài hơn

Trung bình phụ nữ sống lâu hơn nam giới khoảng 5 năm. Hơn nữa, phụ nữ có xu hướng duy trì sức khỏe tốt hơn và lâu hơn so với nam giới. Theo tổ chức Y tế Thế Giới, phụ nữ trung bình có thể sống tới 70 tuổi mà không mắc bất kì một bệnh lý nghiêm trọng hay tai nạn nghiêm trọng nào, con số này ở nam giới là 67.

Tuổi thọ dài hơn, phụ nữ có nguy cơ gặp phải nhiều bệnh lý ở mắt do tuổi tác mang lại như glocom, thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể hay bệnh võng mạc đái tháo đường. Đây là các bệnh lý nghiêm trọng ở mắt và có thể ảnh hưởng đáng kể tới thị lực cũng như chất lượng cuộc sống của người mắc.

2. Hoóc môn

Trong suốt cuộc đời của mình, phụ nữ phải trải qua rất nhiều sự biến đổi nội tiết tố trong cơ thể. Tuổi dậy thì, mang thai hay mãn kinh đều có thể làm tăng lượng estrogen, có khả năng gây ảnh hưởng tới thị lực. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc tránh thai cũng có thể gây ra các triệu chứng về mặt thị giác do sự chênh lệch giữa progesterone và estrogen.

Sự dao động nồng độ estrogen có thể dẫn đến hội chứng khô mắt, gây ra các triệu chứng khó chịu như đỏ, ngứa, chảy nước mắt và nếu không được điều trị, có thể gây hại cho mắt. Một số phụ nữ cũng sẽ có cảm giác mắt mờ đi khi lượng estrogen tăng lên trong cơ thể, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai, tuy nhiên hiện tượng này sẽ hết sau khi sinh.

3. Các bệnh tự miễn 

Bệnh tự miễn là bệnh mà cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại chính các tế bào của mình. Nó là căn bệnh nguy hiểm vì không thể điều trị khỏi hoàn toàn và có thể gây ra những biến chứng nặng. Bệnh tự miễn xảy ra ở phụ nữ nhiều gấp ba lần nam giới, một số bệnh cụ thể đặc biệt xảy ra nhiều ở phụ nữ. Chẳng hạn, phụ nữ có nguy cơ bị lupus gấp 9 lần so với nam giới và gấp đôi đối với viêm khớp dạng thấp. Và từ những bệnh rối loạn tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus,hội chứng Sjogren, bệnh đa xơ cứng, và bệnh Graves (cường giáp), sức khỏe đôi mắt sẽ bị ảnh hưởng không ít. Nó có thể gây ra các triệu chứng như khô và đỏ mắt, cảm giác có dị vật ở mắt, đau mắt, thị lực bị thay đổi và đôi khi mất thị lực. 

Vậy phụ nữ cần làm gì để duy trì sức khỏe đôi mắt ?
 

Cho dù bạn là nam hay nữ, việc quan tâm và chăm sóc mắt là vô cùng quan trọng. Hãy thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh giàu vitamin A, C, E, Omega-3 và kẽm bởi các chất dinh dưỡng này sẽ giúp duy trì chức năng mắt, bảo vệ mắt chống lại ánh sáng độc hại và giảm sự phát triển của các bệnh thoái hóa liên quan đến tuổi tác. Bạn cũng nên nói không với thuốc lá, rượu bia vì trong thuốc lá và rượu bia chứa rất nhiều các chất kích thích độc hại cho cơ thể nói chung và sức khỏe đôi mắt nói riêng. Các chất kích thích này có thể gây kích ứng cho mắt như khô mắt, đỏ mắt do xuất huyết kết mạc, về lâu dài còn gây đục thủy tinh thể, tổn thương thần kinh thị giác, thoái hóa điểm vàng dẫn đến mất thị lực và vô số các vấn đề sức khỏe khác

Bên cạnh đó, bạn nên xây dựng cho bản thân chế độ sinh hoạt hợp lý để đôi mắt được làm việc và nghỉ ngơi đầy đủ, khỏe mạnh. Khám mắt định kỳ 6 tháng/ lần cũng là cách chăm sóc mắt hiệu quả. Việc thường xuyên khám mắt toàn diện cho phép bác sĩ nhãn khoa tầm soát mắt của bạn để phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh, từ đó nắm bắt được thời điểm vàng trong điều trị.