TIÊM NỘI NHÃN ANTI-VEGF - PHƯƠNG PHÁP HIỆU QUẢ TRONG ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA ĐIỂM VÀNG DO TUỔI TÁC
Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác là một trong những bệnh lý hàng đầu gây mất thị lực ở vùng trung tâm ở người từ 65 tuổi trở lên. Người mắc bệnh thoái hóa hoàng điểm thường gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày có đòi hỏi thị lực trung tâm, chẳng hạn như đọc sách hoặc lái xe.
Thoái hóa điểm vàng tuổi già gồm 2 thể:
- Thoái hóa điểm vàng thể khô: là dạng hay gặp nhất của thoái hóa hoàng điểm do tuổi già, với tần suất lên tới 90 %. Đầu tiên tại hoàng điểm xuất hiện các đốm do lắng đọng các chất chuyển hóa, lớp tế bào cảm thụ ánh sáng bị mỏng đi. Các cấu trúc võng mạc tại hoàng điểm bị teo thoái hóa gây giảm thị lực từ từ, có thể xuất hiện ám điểm trung tâm (bệnh nhân nhìn thấy 1 vùng mờ ở chính giữa khoảng nhìn), có khi mất hẳn thị lực trung tâm.
- Thoái hóa điểm vàng thể ướt hay tân mạch: Tại hoàng điểm có nhiều mạch máu bất thường phát triển làm phá vỡ cấu trúc bình thường của hoàng điểm, gây bong biểu mô sắc tố, xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính tổn hại nghiêm trọng tới thị lực.
Thoái hóa điểm vàng thể khô thường phổ biến và tiến triển chậm. Trong khi đó thoái hóa điểm vàng thể ướt có tính chất nguy hiểm hơn và là nguyên nhân chính gây ra mất thị lực do tuổi già ở người bệnh.
Điều trị bằng phương pháp tiêm nội nhãn thuốc Anti VEGF đã được chứng minh là giúp ổn định lên đến 90% các trường hợp AMD thể ướt (theo Eye), và trong một số trường hợp còn có thể giúp khôi phục tình trạng mất thị lực.
Ưu điểm của tiêm Anti-VEGF
Các thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu gồm: Bevacizumab, Ranibizumab, Aflibercept,... Điểm đặc biệt và vượt trội của thuốc tiêm nội nhãn Anti-VEGF này so với các thuốc có thành phần tương tự là người bệnh tiêm aflibercept sẽ chỉ cần tiêm ít hơn so với tiêm ranibizumab mà hiện nay người bệnh vẫn đang được sử dụng dựa trên kết quả từ hai nghiên cứu VIEW1 và VIEW2. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh mà hiệu quả điều trị lại tốt, thị lực được duy trì tương đương với việc tiêm thuốc 1 lần/ 1 tháng.
Tiêm nội nhãn Anti VEGF hoạt động như thế nào?
VEGF sẽ di chuyển trong máu của bạn, tương tác với các vị trí thụ thể trong niêm mạc mạch máu, được gọi là nội mô. Mục đích của VEGF là tăng tính thấm (rò rỉ) của các mạch máu và giúp phát triển các mạch máu mới. Sự phát triển của các mạch máu mới rất quan trọng trong việc chữa lành vết thương.
Tuy nhiên, đối với mắt của bạn, sự phát triển quá nhiều của mạch máu và tính thấm của mạch máu có thể gây ra AMD thể ướt. Khi thuốc Anti-VEGF được tiêm vào mắt, nó sẽ có tác dụng ức chế sự hình thành yếu tố tăng trưởng nội mô, giúp ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới, ngăn chặn sự chảy máu và chảy dịch từ các mạch máu bất thường trong mắt.
Quy trình tiêm diễn ra như thế nào?
Bước 1: Sát trùng mắt bằng dung dịch sát khuẩn
Bước 2: Nhỏ tê bề mặt
Bước 3: Sử dụng dụng cụ để cố định mắt
Bước 4: Sử dụng kim tiêm và kỹ thuật tiêm tương ứng để bơm thuốc vào tiền phòng hoặc vào buồng dịch kính
Bước 5: Rút kim, có thể dùng tăm bông vô trùng ấn ngay tại vết tiêm để tránh thuốc trào ngược ra ngoài.
Triệu chứng có thể gặp phải sau tiêm nội nhãn:
Sau tiêm, người bệnh có thể gặp một số hiện tượng như:
- Mờ mắt
- Hiện tượng ruồi bay
- Đau nhức ở mắt
- Chói mắt, sợ ánh sáng
- Nhãn áp tăng
Tron phần lớn các trường hợp, các triệu chứng này thường ở thể nhẹ và sẽ hết sau 1-2 ngày. Các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như rách hoặc bong võng mạc, rất hiếm và chỉ xảy ra với tỉ lệ khoảng 0,1%. Tuy nhiên nếu các triệu chứng như mờ, đau nhức, chói không hết hãy liên hệ ngay với bác sĩ và cơ sở chuyên khoa mắt để được thăm khám kịp thời.
Thoái hóa hoàng điểm là bệnh xuất hiện do tuổi tác đã cao, do vậy không thể biết trước khi nào căn bệnh này sẽ ghé thăm đôi mắt. Việc chăm sóc và tạo thói quen kiểm tra mắt định kỳ ít nhất 6 tháng/lần là vô cùng quan trọng để có thể bảo vệ cũng như phát hiện sớm các vấn đề ở mắt. Khi bị mắc thoái hóa điểm vàng, người bệnh cần kiên trì điều trị theo phác đồ của bác sĩ để có thể duy trì được thị lực, ngăn chặn sự phát triển của bệnh, tránh bị mất thị lực, dẫn đến mù lòa.