BONG VÕNG MẠC - BỆNH LÝ NGHIÊM TRỌNG CÓ THỂ DẪN TỚI MẤT THỊ LỰC

06/08/2022

Võng mạc (đáy mắt) là lớp màng thần kinh ở phía trong cùng của nhãn cầu, dày khoảng 0.4mm, có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng từ giác mạc và thủy tinh thể hội tụ lại. Thông qua các phản ứng sinh-hoá học, võng mạc sẽ chuyển năng lượng ánh sáng thành tín hiệu thị lực và gửi về trung khu phân tích ở não, não bộ sẽ cho chúng ta ý thức về hình ảnh chúng ta đang nhìn thấy.

Bong võng mạc là hiện tượng lớp võng mạc thần kinh bị tách ra khỏi lớp mô nuôi dưỡng phía bên dưới khiến việc cung cấp dinh dưỡng bị gián đoạn. Bong võng mạc xảy ra khi trên võng mạc xuất hiện một hay nhiều vết rách. Khi bong võng mạc xảy ra, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới mất thị lực. 

Dấu hiệu nhận biết bong võng mạc 

Nếu chỉ một phần nhỏ của võng mạc bị bong ra, người bệnh có thể sẽ rất khó để nhận ra bất kỳ triệu chứng nào. Khi các vết rách và bong lớn hơn, người bệnh có thể thấy thị lực trở nên kém hơn bình thường cùng các triệu chứng khác như: 

  • Hiện tượng ruồi bay trước mắt xảy ra nhiều hơn (khi nhìn vào khoảng trắng hoặc trời xanh, thấy có nhiều sợi đen, đốm đen đang trôi lơ lửng như những con ruồi bay lòng vòng trước mắt)
hien tuong ruoi bay
Hiện tượng ruồi bay trước mắt
  • Nhìn thấy chớp sáng
  • Dấu hiệu lớn nhất cho thấy bong võng mạc đã xảy ra là người bệnh sẽ thấy một phần tầm nhìn của mình trông giống như màu xám hoặc tối đen, một số bệnh nhân có thể miêu tả tình trạng này giống như như có tấm màn che trước mắt. 
trieu-chung-bong-vong-mac
Hiện tượng mất một phần thị trường - triệu chứng của bong võng mạc

Khi thấy những dấu hiệu này, người bệnh nên tới ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được thăm khám và tầm soát bệnh võng mạc kịp thời. 

Đối tượng có nguy cơ bong võng mạc 

Bong võng mạc có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi, tuy nhiên một số đối tượng sẽ đối mặt với nguy cơ bong võng mạc cao hơn:

  • Người mắc bệnh tiểu đường (với người có bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh)
  • Người cận thị cao (từ 6 độ trở lên)
  • Những người có thói quen dụi mắt (từ khoảng 40 tuổi)
  • Người có hiện tượng thoái hóa hoặc bong dịch kính
  • Gia đình có người đã từng bị bong võng mạc 
  • Người bị thương nặng ở mắt 
  • Bệnh nhân sau phẫu thuật đục thủy tinh thể có biến chứng. 

Nguyên nhân gây bong võng mạc 

Dịch kính là một khối gel trong suốt nằm giữa võng mạc và thủy tinh thể, lấp đầy 80% thể tích nhãn cầu.  Khi có tuổi, dịch kính theo tự nhiên sẽ trở nên nhiều nước, giảm chất giống gel nên khó giữ được hình dạng thông thường, sau đó sẽ dần bị co kéo và có thể tách khỏi võng mạc. Ba nguyên nhân chính gây bong võng mạc liên quan tới sự dịch chuyển của dịch kính bao gồm: 

  • Bong võng mạc nguyên phát (Rhegmatogenous): Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây bong võng mạc. Đây là tình trạng xảy ra khi có một vết rách hoặc lỗ trên võng mạc. Vết rách hay lỗ này cho phép phần dịch của dịch kính xâm nhập qua chỗ rách khiến võng mạc bị tách khỏi thành nhãn cầu, dẫn đến bong võng mạc.
  • Bong võng mạc do co kéo (Tractional): Bong võng mạc do co kéo xảy ra khi mô sẹo trên bề mặt võng mạc co lại và khiến võng mạc bị kéo ra khỏi biểu mô sắc tố. Đây là một loại bong võng mạc ít phổ biến hơn. Bệnh thường thường xảy ra ở người bị tiểu đường.
  • Bong võng mạc thoát vị hoặc bong võng mạc xuất tiết (Exudative): Đối với loại bong võng mạc này, võng mạc thường sẽ không có bất kỳ vết xước hay vết rách nào, chất dịch tích tụ ở vùng nằm dưới võng mạc, dần dần khiến võng mạc bị bong ra. Bệnh thường xảy ra do rối loạn viêm, thoái hóa điểm vàng hay do chấn thương ở mắt.  

Các phương pháp điều trị bong võng mạc hiện nay 

Khi bong rách võng mạc đã xảy ra, tùy thuộc vào tình trạng bong rách, bác sỹ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp: 

  • Laser quang đông võng mạc: Thủ thuật laser quang đông được chỉ định trong các trường hợp thoái hóa võng mạc hoặc có các vết rách võng mạc mạc ở giai đoạn đầu. Mục tiêu của phương pháp này là giúp hàn gia cố vùng võng mạc bị thoái hóa/rách để tránh cho tình trạng đó trầm trọng hơn gây nên bong võng mạc. 
  • Phẫu thuật độn đai:Phẫu thuật độn đai Silicon củng mạc là phương pháp điều trị bong võng mạc với cơ chế tháo dịch bong, gây viêm dính vết rách võng mạc, ấn củng mạc lồi về phía buồng dịch kính để bịt kín và gây phản ứng viêm dính tạo sẹo cho vết rách võng mạc làm cho võng mạc áp phẳng vào thành nhãn cầu. Phương pháp được chỉ định cho các bệnh nhân bong võng mạc có vết rách ở võng mạc chu biên.
  • Phẫu thuật cắt dịch kính: Ở giai đoạn nặng hơn, bác sĩ sẽ áp dụng phẫu thuật cắt dịch kính để điều trị tình trạng bong võng mạc hoặc xuất huyết võng mạc để áp võng mạc lại thành nhãn cầu, tránh tình trạng bong võng mạc toàn bộ nhằm giữ được thị lực cho người bệnh.

Khám mắt định kỳ ít nhất mỗi năm 1 - 2 lần, đặc biệt là là người bị cận thị hoặc mắc bệnh tiểu đường là một trong những lưu ý quan trọng giúp ngăn ngừa bong võng mạc xảy ra. Thăm khám thường xuyên sẽ giúp bác sĩ phát hiện kịp thời những vết rách nhỏ ở võng mạc, trước khi võng mạc bị bong ra và ảnh hưởng đến thị lực. Tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, gói khám “Tầm soát thoái hóa võng mạc” với các bước kiểm tra chuyên sâu với Bác sĩ nhãn khoa có kinh nghiệm và đầy đủ máy móc hiện đại sẽ giúp phát hiện sớm những tổn thương trên toàn võng mạc.