NHẬN BIẾT, PHÒNG TRÁNH VÀ ĐIỀU TRỊ NHỮNG BỆNH LÝ GÂY MÙ LÒA PHỔ BIẾN TRÊN THẾ GIỚI
Đôi mắt là bộ phận quan trọng thiết yếu của mỗi người, cần được quan tâm chăm sóc và đầu tư xứng đáng. Hãy bảo vệ sức khỏe đôi mắt ngay hôm nay cùng Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản bằng cách nhận biết, phòng tránh và điều trị kịp thời những căn bệnh gây mù lòa phổ biến trên thế giới.
Đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể (có tên gọi khác là cườm khô, cườm đá) là hiện tượng protein tập trung thành đám, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể, làm ánh sáng đi qua bị tán xạ, cản trở ánh sáng đến võng mạc. Đục thủy tinh thể làm cho thị lực của bệnh nhân suy giảm, tầm nhìn mờ và nếu không kịp thời chữa trị có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, đục thủy tinh thể đến độ chín có thể gây tăng nhãn áp, đỏ mắt, đau nhức mắt và đau đầu. Khi đó, không những bệnh nhân bị mù lòa vĩnh viễn mà có thể còn phải múc bỏ nhãn cầu.
Hình ảnh mắt khi bị đục thủy tinh thể giai đoạn đầu
Dấu hiệu nhận biết bệnh đục thủy tinh thể
Các dấu hiệu và triệu chứng của đục thủy tinh thể bao gồm:
Hiện tượng nhìn mờ sương: Người bệnh sẽ cảm thấy “hình như” mọi vật hơi mờ đi một chút, giống như có một màng sương mỏng trước mắt.
Tầm nhìn ban đêm giảm sút: Khi bệnh đục thủy tinh thể tiến triển, thủy tinh thể sẽ trở nên sẫm hơn, gây ảnh hưởng tới thị lực của người bệnh trong điều kiện thiếu sáng, đặc biệt là vào ban đêm.
Cảm giác chói, lóa: Bệnh nhân khi nhìn vào các nguồn sáng thường cảm thấy chói, lóa thậm chí có cảm giác đau.
Cảm nhận màu sắc giảm: Màu sắc các vật thể mà mắt ghi nhận được trở nên sẫm, xám hơn thực tế.
Xuất hiện quầng sáng ở mọi nơi: Đục thủy tinh thể có thể gây ra hiện tượng nhiễu xạ ánh sáng, do đó người bệnh khi nhìn vào bóng đèn thường sẽ thấy các vầng sáng xung quanh.
Cận thị tiến triển khi ngoài tuổi 40: Việc thay kính liên tục với số độ tăng dần có thể là một trong những biểu hiện của đục thủy tinh thể.
Nhìn đôi, nhìn ba: Nhiễu xạ từ đục thủy tinh thể có thể gây ra tình trạng nhìn một vật thành hai hoặc ba vật.
Giai đoạn ban đầu, chỉ một phần nhỏ thủy tinh thể chớm đục, chưa gây ảnh hưởng đáng kể đến thị lực, người bệnh thường chưa thể nhận biết được các bất thường trên mắt. Khi bệnh tiến triển hơn, phần thủy tinh thể bị đục trở nên rộng hơn, dẫn tới việc biến dạng ánh sáng đi qua thủy tinh thể. Đến lúc này, các dấu hiệu mới rõ ràng hơn, và người bệnh bắt đầu chú ý và nhận ra mình bị mắc bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể
Có chế độ ăn uống khoa học: Một số nghiên cứu cho thấy thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như vitamin C và E, hay Lutein và Zeaxanthin có thể giúp ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể.
Hạn chế sử dụng thuốc lá: Hút thuốc lá làm giảm nồng độ oxy trong thủy tinh thể, từ đó khiến thủy tinh thể mất dần đi độ trong suốt tự nhiên và chuyển thành đục mờ. Kim loại nặng có độc tính cao cadmium trong thuốc lá có xu hướng tích tụ trong nhân thủy tinh thể góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hình thành bệnh.
Hạn chế sử dụng rượu bia: Uống rượu bia khiến việc chuyển hóa và bài tiết trở nên quá tải. Lượng cồn ở máu cao trong thời gian dài liên tục sẽ gây ngộ độc và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể trong đó có mắt.
Đeo kính râm: Các nguyên cứu chỉ ra rằng, ánh sáng từ tia cực tím từ mặt trời là tác nhân góp phần nhiều vào sự phát triển của bệnh đục thủy tinh thể. Hội Nhãn khoa Mỹ khuyên dùng những loại kính râm có tiêu chí như sau: có gắn mác loại trừ 100% tia UV, ngăn được cả tia UV A và B, gọng kính có vành rộng để ánh sáng không thể đi vào mắt từ phía bên.
Kiểm tra lượng đường trong máu với bệnh nhân bị tiểu đường: Đường huyết trong máu không ổn định theo thời gian sẽ làm các mạch máu thu hẹp, xuất hiện tình trạng nghẽn mạch và việc vận chuyển máu đến các mao mạch vùng mắt bị chậm. Tổn thương mạch máu kéo dài lâu ngày sẽ gây hiện tượng đục thủy tinh thể.
Phương pháp điều trị bệnh đục thủy tinh thể
Phẫu thuật Phaco: Là quá trình tán nhuyễn thủy tinh thể đã bị đục bằng sóng siêu âm tần số cao và hút ra ngoài. Sau đó thay thế bằng một thủy tinh thể nhân tạo phù hợp để phục hồi thị lực.
Phẫu thuật Laser Cataract: Có cùng cơ chế tán nhuyễn nhân thủy tinh thể đã bị đục để đưa ra ngoài và thay thế bằng một thủy tinh thể nhân tạo phù hợp với mắt của người bệnh như phương pháp Phaco. Điểm khác biệt là tia Femtosecond Laser được đưa vào sử dụng và thay thế một số thao tác bằng tay như tạo đường mổ, tạo đường xé bao trước thủy tinh thể, hỗ trợ chẻ nhỏ thủy tinh thể đã bị đục.
👉 Tìm hiểu chi tiết về các phương pháp điều trị Đục thủy tinh thể tại đây.
Glôcôm
Glôcôm là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm bệnh có đặc điểm chung là tổn hại thần kinh và mất thị trường. Bệnh thường xuất hiện âm thầm, gây tổn thương trên mắt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa.
Tầm nhìn của người bình thường (bên trái) và tầm nhìn của người mắc Glôcôm (bên phải)
Dấu hiệu nhận biết bệnh Glôcôm
Dấu hiệu nhận biết bệnh Glôcôm sẽ tùy theo từng thể bệnh.
Với bệnh Glôcôm góc mở, góc mở mãn tính (COAG), góc mở nguyên phát: Bệnh xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm, bệnh nhân thường không cảm nhận được dấu hiệu nhận biết và chỉ đến khám khi bệnh đã tiến triển nặng. Một số triệu chứng nhẹ có thể kể đến căng tức mắt, tầm nhìn như có màn sương mỏng trước mắt vào buổi sáng, nhìn mờ nhẹ thoáng qua khi làm việc bằng mắt nhiều, khi căng thẳng thần kinh, khi lo lắng nhiều.
Với bệnh Glôcôm góc đóng cấp tính: Bệnh nhân có những cơn tăng nhãn áp thường xuất hiện về chiều tối, sau khi làm việc mệt mỏi, sau lo âu hoặc có những chấn động về tinh thần. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể đau mắt dữ dội, đỏ mắt, nhức đầu (cùng bên với mắt bị ảnh hưởng), nhìn mờ, thấy quầng sáng xung quanh đèn, có cảm giác buồn nôn.
Với bệnh Glôcôm bẩm sinh ở trẻ nhỏ: Bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, co giật mí mắt, tăng kích thước giác mạc (cảm giác mắt bị nặng và sưng hơn). Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể để ý các hành động của trẻ như hay dụi mắt, nheo mắt, nhắm nghiền mắt.
Với bệnh Glôcôm thứ phát và các dạng khác: Các triệu chứng phụ thuộc của bệnh sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra hiện tượng tăng nhãn áp ở mắt. Đối với người mắc viêm màng bồ đào, triệu chứng có thể là nhìn thấy quầng sáng, sợ ánh sáng chói. Đối với người có chấn thương ở mắt như phù giác mạc, chảy máu hay bong võng mạc, thì các triệu chứng của glôcôm sẽ khó phát hiện hơn. Nếu nguyên nhân gây ra glôcôm là do đục thủy tinh thể, thị lực của bệnh nhân có thể giảm sút trong một thời gian dài. Nếu người bệnh có tiền sử chấn thương ở mắt, bị đục thủy tinh thể nặng hay bị viêm ở mắt, bác sĩ sẽ kiểm tra để chắc chắn mắt người bệnh không có hiện tượng tăng nhãn áp. Một nguyên nhân phổ biến khác của bệnh glôcôm thứ phát là do sử dụng steroid tại chỗ hoặc toàn thân.
Cách phòng ngừa bệnh Glôcôm
Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ (AOA) đã liệt kê một số thói quen có thể tốt có thể làm giảm nguy cơ phát triển cũng như tiến triển của bệnh lý Glôcôm:
- Tập thể dục thường xuyên.
- Ăn nhiều rau xanh.
- Tránh các tư thế lộn ngược.
- Bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời.
- Theo dõi và kiểm soát chỉ số BMI.
- Cắt giảm hoặc thậm chí loại bỏ Caffeine.
- Bỏ thuốc lá.
Phương pháp điều trị bệnh Glôcôm
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt: Giúp hạ nhãn áp bằng cách tăng dẫn lưu thủy dịch ra ngoài mắt hoặc giảm lượng thủy dịch mắt tiết ra.
- Sử dụng thuốc uống: Giúp làm giảm tiết dịch (nước) trong mắt. Một số loại thuốc thường dùng: beta-blocker, carbonic anhydrase inhibitor.
Trong trường hợp điều trị Glôcôm bằng việc sử dụng thuốc không đạt được hiệu quả như mong muốn, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật hoặc điều trị bằng laser. Mục đích của các phương pháp này là tạo đường thoát cho thủy dịch, làm ổn định áp suất trong mắt. Tùy thuộc vào tình trạng cũng như thể bệnh mà sẽ có những phương pháp laser khác nhau bao gồm:
- Laser cắt mống mắt chu biên.
- Laser tạo hình vùng bè.
- Laser quang đông thể mi.
- Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc.
- Phẫu thuật cắt củng mạc sâu không xuyên thủng.
- Phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền phòng.
👉 Tìm hiểu chi tiết về các phương pháp điều trị Glôcômtại đây.
Dấu hiệu nhận biết Bong võng mạc
Dấu hiệu nhận biết Bong võng mạc phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh.
Trước khi bong võng mạc xảy ra: Dấu hiệu không rõ ràng, thị lực ngoại vi giảm dần trong vài ngày hoặc vài tuần, hiện tượng ruồi bay trước mắt xảy ra nhiều hơn, nhìn thấy chớp sáng và nhìn mờ.
Khi bong võng mạc xảy ra: Một phần tầm nhìn có màu xám hoặc tối đen như có tấm màn che trước mắt.
Bong võng mạc
Võng mạc được coi là một trong những bộ phận quan trọng nhất của mắt. Dù chỉ là một tổn thương rất nhỏ nơi võng mạc cũng có thể gây nên những ảnh hưởng đáng kể đến thị lực.
Bong võng mạc là tình trạng lớp màng phía trong cùng và phía sau của mắt bị tách ra khỏi các lớp còn lại, gây mất một phần thị lực hoặc gây mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Quá trình tiến triển từ lúc phát hiện các vết rách võng mạc hoặc bong võng mạc một phần cho đến khi bong võng mạc toàn phần có thể diễn ra rất nhanh chỉ trong vài tuần, thậm chí vài ngày.
Mắt của người bị bong võng mạc thường thấy chớp sáng và ruồi bay nhiều
Tuy nhiên, phần lớn thời gian người bệnh khó có thể nhận ra triệu chứng của bệnh bong võng mạc và chỉ đến khi thị lực bị suy giảm trầm trọng mới tới thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt. Tùy thuộc vào thể bệnh, mức độ bệnh mà sự ảnh hưởng đến thị lực cũng sẽ khác nhau.
Cách phòng ngừa Bong võng mạc
- Hạn chế dụi mắt.
- Giảm thiểu nguy cơ chấn thương mắt bằng cách đeo kính bảo hộ.
- Đối tượng nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị bong võng mạc như mắt cận thị nặng, có thoái hóa võng mạc, bệnh võng mạc tiểu đường… cần thăm khám định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần để tầm soát nguy cơ và điều trị kịp thời nếu cần.
- Đến thăm khám với bác sĩ ngay nếu thấy những dấu hiệu bất thường như ruồi bay nhiều, thấy chớp sáng, một phần tầm nhìn giống như màu xám hoặc tối đen, nhìn mờ.
Phương pháp điều trị Bong võng mạc
Phẫu thuật cắt dịch kính: Phương pháp loại bỏ một phần hoặc toàn bộ dịch kính trong mắt để phục vụ việc điều trị bệnh lý trên võng mạc. Phương pháp này được chỉ định để điều trị các bệnh lý như xuất huyết dịch kính, bệnh võng mạc tăng sinh, bong võng mạc phức tạp, viêm nội nhãn,...
Phẫu thuật độn đai: Phương pháp điều trị bong võng mạc với cơ chế tháo dịch bong, gây viêm dính vết rách võng mạc, ấn củng mạc lồi về phía buồng dịch kính để bịt kín và gây phản ứng viêm dính tạo sẹo cho vết rách võng mạc làm cho võng mạc áp phẳng vào thành nhãn cầu. Phương pháp được chỉ định cho các bệnh nhân bong võng mạc có vết rách ở võng mạc chu biên.
Laser quang đông võng mạc: Quang đông võng mạc bằng Laser là thủ thuật sử dụng tia Laser có bước sóng phù hợp với phổ hấp thụ của lớp biểu mô sắc tố võng mạc để làm đông các lớp tế bào, gây sẹo dính giữa lớp hắc mạc và võng mạc. Phương pháp được chỉ định cho võng mạc bị thoái hóa do biến chứng của tiểu đường hoặc quang đông vết rách trên võng mạc, hạn chế nguy cơ bong võng mạc, xuất huyết đáy mắt.
👉 Tìm hiểu chi tiết về các phương pháp điều trị Bệnh võng mạc tại đây.
Để phòng ngừa các bệnh gây mù lòa, hay bất cứ bệnh lý nào khác về mắt, hãy chủ động thăm khám mắt định kỳ 6 tháng/lần để theo dõi sức khỏe đôi mắt và có những biện pháp can thiệp kịp thời.
👉 Đăng ký thăm khám mắt tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản: https://jieh.vn/dat-lich-kham