DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BONG VÕNG MẠC

10/12/2021

Bong võng mạc là một trong những bệnh lý nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới mù lòa. Vậy làm thế nào để nhận biết những dấu hiệu của bong, rách võng mạc? Trong bài viết dưới đây, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản sẽ chỉ ra những triệu chứng của bệnh, cách phòng tránh cũng như các phương pháp điều trị bong, rách võng mạc hiệu quả hiện nay.

Võng mạc là gì? 

Võng mạc (đáy mắt) là lớp màng thần kinh ở phía trong cùng của nhãn cầu, dày khoảng 0.4mm, có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng từ giác mạc và thủy tinh thể hội tụ lại. Thông qua các phản ứng sinh-hoá học, võng mạc sẽ chuyển năng lượng ánh sáng thành tín hiệu thị lực và gửi về trung khu phân tích ở não, não bộ sẽ cho chúng ta ý thức về hình ảnh chúng ta đang nhìn thấy.

Bong võng mạc là gì? 

Bong võng mạc là hiện tượng lớp võng mạc thần kinh bị tách ra khỏi lớp mô nuôi dưỡng phía bên dưới khiến việc cung cấp dinh dưỡng bị gián đoạn. Bong võng mạc xảy ra khi trên võng mạc xuất hiện một hay nhiều vết rách. Khi đó, phần dịch kính bên trong mắt sẽ chảy qua vào lỗ rách và tràn xuống phía dưới võng mạc, tách dần võng mạc ra khỏi lớp mô phía sau. 

bong vong mac

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng bong võng mạc 

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng bong võng mạc, trong đó những nhóm đối tượng dưới đây là những nhóm có nguy cơ cao bị bong mạc vạc: 

  • Cận thị: Những người bị cận thị nặng là nhóm có nguy cơ cao bị bong võng mạc bởi vì ở nhóm bệnh nhân này nhãn cầu có xu hướng lồi ra phía trước kéo căng võng mạc, khiến vùng chu biên võng mạc trở nên mỏng hơn, thoái hóa dần và dễ bị kéo rách dẫn tới bong võng mạc. Vậy nên, bệnh nhân có tật cật thị cao cần được tầm soát, soi đáy mắt đặc biệt là vùng võng mạc chu biên ít nhất 1 lần/ 1 năm để theo dõi tình trạng của mắt cũng như có những biện pháp phòng ngừa bong võng mạc kịp thời.

  • Người mắc bệnh tiểu đường: Ở người mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ xảy ra bong võng mạc cũng cao hơn người bình thường do các biến chứng của tiểu đường lên võng mạc. Người bệnh cần kiểm soát tốt các chỉ số đường huyết cũng như chủ động trước các yếu tố nguy cơ gây biến chứng. 
  • Tuổi tác: Yếu tố nguy cơ phổ biến khác của bong võng mạc là tuổi tác. Bệnh nhân ở độ tuổi trên 40 có nguy cơ bong võng mạc cao hơn các bệnh nhân trẻ tuổi. Điều này không loại trừ việc bong võng mạc cũng có thể xảy ra ở các bệnh nhân trẻ tuổi.
  • Các yếu tố khác: Chấn thương ở mắt hay di truyền cũng là những yếu tố nguy cơ cao dẫn tới tình trạng bong võng mạc ở mắt. 

Dấu hiệu nhận biết

4.1. Trước khi bong võng mạc xảy ra

Phần lớn thời gian, bệnh võng mạc thường xảy ra âm thần, không gây đau đớn nên thường khó có thể nhận ra triệu chứng của bệnh. Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường sẽ thấy thị lực ngoại vi của họ dần dần giảm đi. Điều này có thể xảy ra trong vài ngày hoặc vài tuần. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác như hiện tượng ruồi bay trước mắt xảy ra nhiều hơn, nhìn thấy chớp sáng và nhìn mờ. Khi thấy những dấu hiệu này, người bệnh nên tới các cơ sở chuyên khoa mắt để được thăm khám và tầm soát bệnh võng mạc kịp thời. 

hien-tuong-ruoi-bay
Hiện tượng ruồi bay trước mắt xảy ra nhiều hơn

4.2. Khi bong võng mạc xảy ra

Dấu hiệu lớn nhất cho thấy bong võng mạc đã xảy ra là người bệnh sẽ thấy một phần tầm nhìn của mình trông giống như màu xám hoặc tối đen, một số bệnh nhân có thể miêu tả tình trạng này giống như có tấm màn che trước mắt. 

Làm gì khi tình trạng bong võng mạc xảy ra và cách ngăn ngừa

Nếu cho rằng mình có các dấu hiệu của bong võng mạc, hãy tới các cơ sở chuyên khoa mắt để được thăm khám càng sớm càng tốt. Việc điều trị sớm và kịp thời sẽ giúp người bệnh duy trì được thị lực của mình.  

Để ngăn ngừa nguy cơ rách và bong võng mạc cần lưu ý:

  • Hiểu và nhận biết được các dấu hiệu của bong võng mạc 
  • Nếu người bệnh nhận thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào, người bệnh cần được thăm khám và tầm soát võng mạc.
  • Người bị cận thị nặng, người có tiền sử chấn thương ở mắt, người có tiền sử gia đình về các vấn đề ở võng mạc cần khám mắt định kỳ để nắm được tình trạng mắt và võng mạc của mình.
  • Nên đeo kính bảo vệ khi chơi các môn thể thao hoặc khi tham gia vào các hoạt động mạo hiểm khác. 

Các phương pháp điều trị bong võng mạc hiện nay 

Khi bong rách võng mạc đã xảy ra, tùy thuộc vào tình trạng bong rách, bác sỹ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp: 

  • Laser quang đông võng mạc: Thủ thuật laser quang đông được chỉ định trong các trường hợp thoái hóa võng mạc hoặc có các vết rách võng mạc mạc ở giai đoạn đầu. Mục tiêu của phương pháp này là giúp hàn gia cố vùng võng mạc bị thoái hóa/rách để tránh cho tình trạng đó trầm trọng hơn gây nên bong võng mạc. 
  • Phẫu thuật độn đai: Phẫu thuật độn đai Silicon củng mạc là phương pháp điều trị bong võng mạc với cơ chế tháo dịch bong, gây viêm dính vết rách võng mạc, ấn củng mạc lồi về phía buồng dịch kính để bịt kín và gây phản ứng viêm dính tạo sẹo cho vết rách võng mạc làm cho võng mạc áp phẳng vào thành nhãn cầu. Phương pháp được chỉ định cho các bệnh nhân bong võng mạc có vết rách ở võng mạc chu biên.
  • Phẫu thuật cắt dịch kính: Ở giai đoạn nặng hơn, bác sĩ sẽ áp dụng phẫu thuật cắt dịch kính để điều trị tình trạng bong võng mạc hoặc xuất huyết võng mạc để áp võng mạc lại thành nhãn cầu, tránh tình trạng bong võng mạc toàn bộ nhằm giữ được thị lực cho người bệnh.