THẮC MẮC THƯỜNG GẶP VỀ PHẪU THUẬT PHAKIC ICL?
Phẫu thuật Phakic ICL là phương pháp phẫu thuật đặt thấu kính nội nhãn để điều trị tật khúc xạ. Thấu kính nội nhãn với thông số được cá nhân hóa theo độ khúc xạ và kích thước bên trong mắt của người bệnh sẽ được đặt vào vị trí sau mống mắt, trước thủy tinh thể. Đây là phương pháp phẫu thuật tối ưu dành cho những bệnh nhân bị cận loạn cao từ 8-9 diop trở lên và/hoặc giác mạc mỏng.
Phẫu thuật Phakic đã được công nhận ở châu Âu từ năm 1997 và được Mỹ công nhận vào năm 2005. Phương pháp này đã được áp dụng tại Việt Nam được hơn 10 năm. Tuy vậy đối với nhiều người, Phakic vẫn là một phương án phẫu thuật mới, do vậy vẫn có nhiều thắc mắc xoay quanh phương pháp này.
Dưới đây, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản sẽ giải đáp những thắc mắc phổ biến nhất về phẫu thuật Phakic của người bệnh
1. Phẫu thuật Phakic điều trị được bao nhiêu độ cận loạn?
Phẫu thuật Phakic có ngưỡng điều trị tới 18 diop cận thị hoặc 10 diop viễn thị, đi kèm 6 diop loạn thị với thấu kính ICL hoặc 30 độ cận hoặc 15 độ viễn, đi kèm 10 độ loạn thị với thấu kính IPCL. Đối với trường hợp độ khúc xạ quá cao, vượt mức kính ICL hay kính IPCL có thể điều chỉnh được, thì người bệnh cần sử dụng thêm kính gọng hoặc thực hiện thêm phẫu thuật Lasik để cải thiện thị lực.
2. Có bị tái cận sau phẫu thuật Phakic không?
Phẫu thuật Phakic không tác động vào cấu trúc của mắt, không làm mỏng giác mạc, độ khúc xạ của người bệnh cũng không bị thay đổi, do vậy không có khái niệm “tái cận” đối với mổ Phakic. Bên cạnh đó, thấu kính Phakic có tác dụng giúp ổn định độ khúc xạ của người bệnh, giúp mắt không phải điều tiết quá nhiều như khi đeo kính gọng. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân thực hiện phẫu thuật khi chưa đủ tuổi hay khi độ khúc xạ chưa ổn định (tăng khoảng 0.75 - 1 diop trong vòng 6 tháng) thì khả năng độ khúc xạ có thể tiếp tục thay đổi
3. Kính Phakic khi đặt vào trong mắt có khiến mắt cộm vướng hay nhức mắt không?
Thấu kính EVO+ Visian ICL (Implantable Collamer Lens) được làm từ vật liệu Collamer Hydrophilic - Hợp chất này bao gồm: lớp collagen bên ngoài và bên trong là polymer có độ tương thích sinh học cao với cơ thể con người. Trong khi đó, Thấu kính IPCL được sản xuất bởi hãng EyeOL được chế tạo từ chất liệu tương thích sinh học - Acrylic ngậm nước với kết quả an toàn lâu dài đã được chứng minh. Cả hai thấu kính đều rất nhỏ, mềm dẻo và trong suốt, mỏng, được đặt vào vị trí trống sau mống mắt và nằm trước thuỷ tinh thể tự nhiên. Do vậy, người bệnh hoàn toàn không cảm thấy cộm vướng hay đau nhức trước, trong, sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân cũng thường đặt câu hỏi mổ phakic có đau không? Trên thực tế, mắt sẽ được nhỏ tê bề mặt trước và trong quá trình phẫu thuật, do vậy dù hoàn toàn tỉnh táo, bệnh nhân sẽ không có cảm giác đau.
4. Kính Phakic có bị vỡ được không?
Vì thấu kính ICL hay thấu kính IPCL đều làm từ chất liệu mềm mỏng, dẻo, cho nên không thể bị vỡ dù có bất cứ tác động gì.
5. Thị lực sau mổ phakic sẽ ra sao?
Thị lực tối đa mà mắt bệnh nhân đạt được khi đeo kính đúng độ trước phẫu thuật sẽ là thị lực mà bệnh nhân sẽ đạt được sau phẫu thuật bỏ kính. Đa số các trường hợp bệnh nhân đều đạt thị lực 10/10 nếu trước phẫu thuật mắt bệnh nhân đạt được chỉ số đó khi chỉnh kính tối đa. Tuy nhiên, một số bệnh nhân bên cạnh tật cận thị, bệnh nhân có thể kèm theo chứng nhược thị khiến mắt không thể đạt thị lực tối đa 10/10 kể cả khi đeo kính đúng độ. Trong trường hợp này, các phẫu thuật cận thị chỉ can thiệp để mắt đạt được thị lực tối đa như khi chỉnh kính trước phẫu thuật.
6. Có biến chứng sau phẫu thuật Phakic không?
Biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật Phakic là hiện tượng tăng nhãn áp ngay sau phẫu thuật. Đối với một số trường hợp mắt nhạy cảm, người bệnh có thể bị tăng nhãn áp, biểu hiện là đau đầu, buồn nôn. Người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ phẫu thuật để được dùng thuốc hoặc tiến hành thủ thuật để hạ nhãn áp.
7. Trường hợp nào không thể phẫu thuật Phakic?
Những trường hợp người bệnh khi khám chuyên sâu trước phẫu thuật không đủ điều kiện để phẫu thuật Phakic như sau:
- Độ sâu tiền phòng (ACD) dưới 3.0mm, góc tiền phòng dưới grade III
- Phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi
- Người có số lượng tế bào nội mô quá thấp hoặc bất thường, loạn dưỡng nội mô
- Người có giác mạc hình chóp hoặc bệnh lý khác về giác mạc.
- Người bị nhược thị hoặc mù 1 mắt
- Người bị tăng nhãn áp
- Người bị đục thủy tinh thể và cần phẫu thuật đục thủy tinh thể
8. Người khác nhìn vào mắt đã mổ Phakic có thấy thấu kính không?
Thấu kính ICLhay thấu kính IPCL đều được thiết kế như một phần tự nhiên của đôi mắt con người, vừa nhỏ, vừa trong suốt, lại được đặt sâu trong mắt, do vậy người bình thường hay kỹ thuật viên khúc xạ khi nhìn vào mắt người đã phẫu thuật Phakic sẽ không nhận thấy thấu kính ICL/IPCL.
Hy vọng những giải đáp trên đây của Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản có thể giúp người bệnh tháo gỡ được những băn khoăn trong quyết định giải phóng đôi mắt khỏi cặp kính cận
Để được thăm khám, tư vấn 1-1 với bác sĩ nhãn khoa cũng như giải đáp trực tiếp các câu hỏi về phẫu thuật Phakic, đừng bỏ lỡ Gói khám chuyên sâu miễn phí trước phẫu thuật khúc xạ vào thứ 4, thứ 7, Chủ Nhật tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản. Đăng ký ngay TẠI ĐÂY