LOẠN THỊ CÓ TĂNG ĐỘ KHÔNG?
Loạn thị là một tật khúc xạ phổ biến, ảnh hưởng đến khả năng nhìn rõ hình ảnh và vật thể. Đối với những người bị loạn thị, hình ảnh họ nhìn thấy thường bị mờ nhòe hoặc méo mó ở cả khoảng cách xa và gần. Một trong những lo ngại phổ biến của bệnh nhân loạn thị đó là liệu tình trạng này có thể tiến triển nặng theo thời gian hay không. Bài viết này sẽ cung cấp cho bệnh nhân thông tin chi tiết về tật loạn thị, các yếu tố ảnh hưởng tới độ loạn thị, cũng như những biện pháp kiểm soát và điều trị hiệu quả tình trạng này.
Tật loạn thị là gì?
Loạn thị xảy ra khi giác mạc có hình dạng cầu không đều, khiến ánh sáng khi đi vào mắt không được hội tụ tại một điểm trên võng mạc, mà hội tụ tại nhiều điểm, dẫn đến sự biến dạng của hình ảnh.
Loạn thị có thể được phân loại theo các tiêu chí sau:
- Hình thái của giác mạc:
- Loạn thị đứng: Khi độ cong của giác mạc theo phương đứng lớn hơn theo phương ngang.
- Loạn thị ngang: Khi độ cong của giác mạc theo phương ngang lớn hơn theo phương đứng.
- Nguyên nhân gây loạn thị:
- Loạn thị giác mạc: Do giác mạc bị biến dạng hoặc cong không đều, gây ra rối loạn trong quá trình khúc xạ ánh sáng.
- Loạn thị thấu kính: Do sự bất thường trong hình dạng hoặc độ cong của thủy tinh thể tự nhiên, làm ảnh hưởng đến khả năng hội tụ ánh sáng vào võng mạc.
- Mức độ nghiêm trọng:
- Loạn thị nhẹ: Dưới 1 diop (độ).
- Loạn thị vừa: Từ 1 đến 2 diop.
- Loạn thị nặng: Từ 2 đến 3 diop.
- Loạn thị rất nặng: Trên 3 diop.
Loạn thị có tăng độ không?
Giống với các tật khúc xạ khác như cận thị và viễn thị, loạn thị cũng có khả năng tăng độ theo thời gian. Mức độ loạn thị có thể thay đổi và tiến triển, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
- Tuổi tác: Người trên 50 tuổi có nguy cơ tăng độ loạn thị, do tình trạng đục thủy tinh thể tiến triển theo sự lão hóa tự nhiên của cơ thể. Khi thủy tinh thể bị đục, nó có thể làm thay đổi khả năng khúc xạ của mắt, dẫn đến sự thay đổi độ loạn thị.
- Chấn thương, biến chứng sau phẫu thuật: Các tai nạn va đập vào nhãn cầu hay biến chứng phẫu thuật tại mắt có thể làm thay đổi hình dạng giác mạc, từ đó làm gia tăng nguy độ loạn thị.
- Tiến triển cận thị: Theo nghiên cứu về mắt trẻ em Hồng Kông (2022), tật loạn thị có thể tiến triển song song với sự gia tăng của tật cận thị. Khi cận thị nặng lên, chiều dài trục nhãn cầu dài ra, làm thay đổi hình dạng giác mạc và có thể dẫn đến tăng độ loạn thị.
- Bệnh lý khác tại mắt: Các bệnh lý tại mắt như giác mạc hình nón (giác mạc chóp), sẹo giác mạc, thoái hóa giác mạc có thể khiến hình dạng giác mạc dần bị biến dạng, làm tăng mức độ loạn thị theo thời gian.
- Thói quen sử dụng mắt chưa khoa học: Việc sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài, làm việc quá tải, không cho mắt nghỉ ngơi, sử dụng mắt trong môi trường thiếu ánh sáng,... có thể làm cho mắt căng thẳng, tạm thời làm trầm trọng thêm các triệu chứng liên quan đến loạn thị.
Dấu hiệu nhận biết tăng độ loạn thị
Khi độ loạn thị tăng, bệnh nhân có thể gặp phải một số dấu hiệu như sau:
- Tầm nhìn thay đổi: Bệnh nhân có thể cảm thấy hình ảnh trở nên mờ hơn, biến dạng hoặc méo mó, không rõ nét ở cả khoảng cách xa và gần, thấy ánh sáng chói hoặc quầng sáng xung quanh đèn.
- Đau đầu, mỏi mắt: Khi độ loạn thị tăng, mắt phải điều tiết nhiều hơn để nhìn rõ hình ảnh bị méo, dẫn đến căng thẳng, đau đầu và mỏi mắt thường xuyên.
- Khó tập trung: Loạn thị tăng độ khiến bệnh nhân khó tập trung khi vào một vật thể trong thời gian dài, thường xuyên phải nheo mắt để nhìn rõ.
Phương pháp chẩn đoán tăng độ loạn thị
Khi gặp các dấu hiệu bất thường như trên, bệnh nhân nên thăm khám mắt cùng bác sĩ để đánh giá chính xác tình trạng loạn thị và có các điều chỉnh kịp thời. Các phương pháp chẩn đoán để đánh giá độ loạn thị bao gồm:
- Kiểm tra thị lực, kiểm tra khúc xạ giúp phát hiện độ loạn thị trên mắt.
- Đo bản đồ giác mạc, soi kính hiển vi để kiểm tra các bất thường trong hình dạng giác mạc.
Tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, người bệnh sẽ được đảm bảo kết quả kiểm tra thị lực chính xác và toàn diện nhờ vào các yếu tố sau đây:
- Quy trình thăm khám tiêu chuẩn Nhật Bản
Bệnh nhân được thăm khám theo quy trình chặt chẽ, đánh giá toàn diện tình trạng mắt bằng nhiều hình thức kiểm tra khác nhau như:
- Thị lực không kính.
- Thị lực với kính cũ (nếu có).
- Thị lực chỉnh kính tối đa thông qua 6 bài kiểm tra chuyên sâu, giúp xác định chính xác mức độ loạn thị.
- Hệ thống máy móc hỗ trợ chẩn đoán hiện đại
Bệnh viện sử dụng các thiết bị thăm khám và chẩn đoán hàng đầu Đông Nam Á bao gồm:
- Máy chụp khúc xạ tự động TRK-2P (Topcon - Nhật Bản).
- Hệ thống thử thị lực 3D (Topcon - Nhật Bản).
- Đội ngũ nhân viên y tế tận tâm
Bệnh viện có đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thường xuyên được đào tạo và trao đổi chuyên môn cùng các chuyên gia nhãn khoa đến từ Nhật Bản, đem đến cho bệnh nhân sự tư vấn chính xác và sự chăm sóc tận tình.
👉 Đăng ký khám mắt tại đây.
Cách hạn chế tăng độ loạn thị
Để kiểm soát và hạn chế sự tiến triển của loạn thị, bệnh nhân có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Thăm khám mắt định kỳ 6 tháng 1 lần để theo dõi sức khỏe, kịp thời phát hiện các bệnh lý gây tăng độ loạn thị và có phương án điều trị kịp thời.
- Đeo kính râm khi ra ngoài trời và sử dụng kính bảo hộ để bảo vệ mắt khỏi vật thể lạ và chấn thương đặc biệt khi phải di chuyển trong khu vực đang thi công hay làm việc trong môi trường có nguy cơ tai nạn cao.
- Cho mắt nghỉ ngơi sau mỗi 20 phút làm việc liên tục, thường xuyên thực hiện các bài tập cho mắt, sử dụng các thiết bị điện tử với tần suất vừa phải, học tập và làm việc trong môi trường đủ ánh sáng.
- Điều trị các bệnh lý gây loạn thị tại mắt, điều trị bổ sung nếu gặp biến chứng sau mổ mắt, lựa chọn các cơ sở nhãn khoa uy tín để thực hiện phẫu thuật.
- Kiểm soát tiến triển cận thị thông qua các phương pháp như sử dụng kính đa tròng, tra thuốc nhỏ mắt Atropin 0.01% theo chỉ định của bác sĩ, đeo kính áp tròng cứng ban đêm Ortho-K.
Loạn thị là một tật khúc xạ phổ biến và có khả năng tăng độ theo thời gian nếu không được kiểm soát tốt. Việc thăm khám mắt định kỳ, chăm sóc mắt khoa học và bảo vệ mắt khỏi những chấn thương là những yếu tố quan trọng giúp duy trì thị lực ổn định.
Nếu bệnh nhân gặp phải bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến tật loạn thị như nhìn mờ và méo mó hình ảnh, hãy tìm đến sự tư vấn từ các chuyên gia y tế để có giải pháp điều trị kịp thời.