Giác mạc hình chóp - Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Giác mạc là một màng trong suốt, không có mạch máu, có hình chỏm cầu và là phần cong nhất mà mắt thường có thể nhìn thấy khi nhìn vào con mắt. Giác mạc được nuôi dưỡng nhờ thẩm thấu từ các mạch máu quanh rìa, từ nước mắt và thuỷ dịch. Giác mạc là một bộ phận vô cùng quan trọng của đôi mắt, đóng vai trò như một thấu kính hội tụ hình ảnh lên võng mạc, giúp con người có thể nhìn thấy hình ảnh vật thể. Bên cạnh đó, giác mạc còn giúp bảo vệ mắt khỏi vi khuẩn, khói bụi, sàng lọc ra một số bước sóng cực tím gây hại (UV) trong ánh sáng mặt trời, bảo vệ thủy tinh thể và võng mạc khỏi những tổn thương.
Giác mạc hình chóp (hình nón) – Keratoconus là tình trạng giác mạc không có hình cầu mà lồi ra ngoài thành hình chóp. Tỷ lệ mắc giác mạc hình chóp là khoảng 1/2000, bệnh làm cho giác mạc phần phía dưới bị giãn phình ra và tiêu mỏng. Giác mạc hình chóp có thể khiến bệnh nhân suy giảm thị lực và nhạy cảm với ánh sáng. Giác mạc hình chóp thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và thường bắt đầu xuất hiện từ độ tuổi 10 đến 25. Tình trạng bệnh có thể tiến triển chậm trong 10 năm hoặc lâu hơn.
Các triệu chứng của giác mạc hình chóp khi bệnh tiến triển
- Tầm nhìn mờ hoặc méo mó
- Tăng độ nhạy cảm với ánh sáng
- Tật cận thị tiến triển nặng và nhanh hơn
- Nhức đầu, đỏ mắt, mỏi mắt
Nguyên nhân gây nên giác mạc hình chóp
Không có nguyên nhân chính xác gây nên bệnh giác mạc hình chóp, những nguyên nhân dưới đây được các nhà nghiên cứu cho rằng có khả năng liên quan đến bệnh.
- Di truyền: Một số khiếm khuyết di truyền khiến những sợi protein nhất định trong giác mạc trở nên suy yếu. Những sợi protein này giúp giác mạc có độ cong hoàn hảo, khi những sợi này bị yếu, giác mạc sẽ biến dạng và phình ra phía trước. Nếu trong gia đình từng có người bị giác mạc hình chóp thì khả năng thế hệ sau cũng bị bệnh là rất cao.
- Môi trường: Những người bị dị ứng nếu dụi mắt quá nhiều lần có thể gây tổn thương giác mạc, tạo cơ hội cho bệnh giác mạc hình chóp phát triển. Ngoài ra, việc tiếp xúc với chất phóng xạ trong thời gian dài dễ gây ra tình trạng sụt giảm chất chống oxy hóa trong giác mạc, khiến collagen trong giác mạc trở nên suy yếu, gây nên giác mạc chóp.
- Nội tiết tố: Bệnh giác mạc hình chóp thường phát triển sau tuổi dậy thì và ít phát triển sau tuổi 40. Bệnh cũng thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai.
Điều trị giác mạc hình chóp
Bệnh nhân có giác mạc hình chóp nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ bị sẹo giác mạc gây ảnh hưởng đến tầm nhìn và suy giảm thị lực. Các phương pháp điều trị bệnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh và bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ nhãn khoa.
Giai đoạn nhẹ đến trung bình
- Sử dụng kính: Các loại kính gọng, kính áp tròng mềm có thể điều chỉnh thị lực mờ hoặc méo trong giai đoạn đầu của bệnh. Ở giai đoạn tiếp theo, người bệnh nên sử dụng kính áp tròng cứng, được thiết kế riêng để phù hợp với giác mạc của từng người. Thời gian đầu đeo kính áp tròng cứng, bệnh nhân có thể cảm thấy hơi khó chịu, tuy nhiên những triệu chứng này sẽ biến mất trong một vài tuần. Đối với hầu hết người bệnh điều trị ở giai đoạn sớm, giác mạc sẽ trở nên ổn định sau một vài năm. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể sẽ không gặp phải vấn đề về thị lực nghiêm trọng hoặc cần điều trị thêm.
- Thủ thuật Crosslinking: Đây là phương pháp sử dụng kết hợp chất cảm quang Riboflavin (Vitamin B2) và tia UVA 370nm để tạo ra các liên kết ngang collagen giữa các sợi, từ đó gia tăng độ cứng cơ sinh học của giác mạc, và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh giác mạc chóp. Mục tiêu điều trị của thủ thuật này là làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, ngăn chặn bệnh tiến tới giai đoạn nặng hơn. Thủ thuật Crosslinking được các chuyên gia y tế đánh giá cao nhờ hiệu quả điều trị vượt trội, có tỷ lệ thành công cao và an toàn cho người bệnh.
Giai đoạn nặng
- Ghép giác mạc: Khi giác mạc đã tiến triển đến giai đoạn bị sẹo, khiến việc điều trị bằng các phương pháp đeo kính và thực hiện thủ thuật Crosslinking trở nên khó khăn, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên phẫu thuật ghép giác mạc. Đây là phương pháp thay thế giác mạc hình chóp của bệnh nhân bằng giác mạc khác của người hiến tặng, từ đó khôi phục lại thị lực cho người bệnh. Phẫu thuật có tỷ lệ thành công cao, tuy nhiên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bệnh lý khác tại mắt và sự tương thích của cơ thể với giác mạc mới.
Giác mạc hình chóp là một căn bệnh hiếm gặp và có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng cho đôi mắt. Người bệnh cần được thăm khám mắt định kỳ ít nhất 1 năm/ lần để kiểm tra tình trạng mắt và thị lực của mình, nhằm phát hiện và điều trị kịp thời.