LOẠN THỊ - NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU, CÁCH PHÒNG TRÁNH VÀ ĐIỀU TRỊ
Loạn thị là một tật khúc xạ phổ biến, gây ra những biến dạng hình ảnh trong tầm nhìn của người bệnh. Hãy bảo vệ đôi mắt của bạn trước tật loạn thị bằng cách hiểu nguyên nhân gây bệnh, nhận biết triệu chứng và thực hiện phương pháp điều trị hợp lý theo những khuyến cáo sau đây.
Loạn thị là gì?
Loạn thị là tật khúc xạ ở mắt, do giác mạc có hình dạng cầu không đều, khiến các tia sáng khi đi vào mắt hội tụ tại nhiều điểm trên võng mạc thay vì một điểm như mắt chính thị, từ đó hình ảnh trở nên mờ nhòe và biến dạng. Người mắc loạn thị thường đồng thời mắc tật cận thị hoặc viễn thị.
Loạn thị có thể được phân loại dựa trên hình thái:
- Loạn thị đứng.
- Loạn thị ngang.
Hoặc phân loại theo nguyên nhân:
- Loạn thị giác mạc: do giác mạc của có hình dạng không đều.
- Loạn thị thấu kính: do thủy tinh thể trong mắt có hình dạng không đều.
Loạn thị cũng có thể phân loại theo mức độ nghiêm trọng:
- Loạn thị nhẹ: dưới 1.00 diop.
- Loạn thị vừa: 1.00 – 2.00 diop.
- Loạn thị nặng: 2.00 – 3.00 diop.
- Loạn thị rất nặng: hơn 3.00 diop.
Dấu hiệu loạn thị
Hình ảnh bị mờ nhòe, biến dạng hoặc bị bóp méo là những triệu chứng phổ biến nhất của loạn thị.
Các dấu hiệu loạn thị khác bao gồm:
- Nhìn thấy ánh sáng chói hoặc quầng sáng xung quanh đèn.
- Nheo mắt để nhìn rõ hoặc khó chịu ở mắt
- Nhức đầu.
- Mỏi mắt.
Đối với trẻ nhỏ, ngay cả khi đang gặp phải các triệu chứng nêu trên, khả năng nhận biết và diễn đạt hạn chế có thể khiến trẻ không biết mình đang mắc loạn thị. Do đó, hãy đến gặp chuyên gia nhãn khoa nếu nhận thấy trẻ nheo mắt, dụi mắt hoặc thường xuyên bị đau đầu.
Nguyên nhân loạn thị
Loạn thị thông thường là do di truyền từ bố mẹ sang con cái. Một số nguyên nhân khác có thể gây nên loạn thị gồm:
- Chấn thương tại mắt.
- Sau phẫu thuật tại mắt.
- Biến chứng của một số bệnh lý như giác mạc chóp, sẹo giác mạc, thoái hóa giác mạc,…
Cách phòng tránh loạn thị
Hiện nay, chưa có biện pháp nào được chứng minh tính hiệu quả trong việc phòng tránh tật loạn thị. Loạn thị do yếu tố di truyền là không thể phòng tránh. Loạn thị do chấn thương có thể được phòng ngừa bằng việc sử dụng kính bảo hộ, kính râm nếu làm việc trong môi trường nhiều bụi hoặc có nguy cơ tai nạn ở mắt. Việc thăm khám mắt định kỳ sẽ giúp theo dõi sức khỏe mắt, phát hiện sớm để điều trị loạn thị (nếu có).
Điều trị loạn thị
Sử dụng kính
Người bệnh có thể đeo kính để điều chỉnh tật loạn thị tạm thời. Một số loại kính phổ biến mà người bệnh có thể tham khảo đó là:
- Kính gọng: Người bệnh có thể sử dụng tròng kính có độ loạn thích hợp, giúp cho ánh sáng đi vào mắt đúng cách, từ đó thu nhận lại hình ảnh rõ nét trong quá trình đeo kính.
- Kính áp tròng mềm: Tương tự kính gọng, kính áp tròng mềm có khả năng điều chỉnh hầu hết chứng loạn thị. Tuy nhiên theo ý kiến từ một số chuyên gia y tế, kính áp tròng mềm điều chỉnh loạn thị thường phức tạp hơn trong khâu sản xuất, người bệnh cần được thăm khám kỹ lưỡng trước khi mua kính.
- Kính áp tròng cứng Ortho-K (orthokeratology): Để không phụ thuộc vào kính gọng/kính áp tròng mềm trong hoạt động hằng ngày, người bệnh có thể tham khảo phương pháp kính áp tròng cứng Ortho-K, được đeo vào ban đêm khi đi ngủ trong 6-8 tiếng, với cơ chế định hình lại giác mạc, từ đó triệt tiêu độ loạn thị tạm thời vào ban ngày. Ortho-K thường chỉ có tác dụng đối với mắt có độ loạn thị nhẹ.
Để tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho bản thân, người bệnh hãy thăm khám và nhận lời khuyên từ bác sĩ nhãn khoa bằng cách đăng ký gói khám đo thị lực và kiểm tra mắt tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản (chi phí chỉ từ 180.000 VND): https://jieh.vn/dich-vu/do-thi-luc-kiem-tra-mat.
Phẫu thuật điều trị loạn thị
Khi đủ tuổi trưởng thành (18 tuổi), người bệnh có thể cân nhắc phẫu thuật để triệt tiêu hoàn toàn tật loạn thị, cải thiện thị lực và giảm sự phụ thuộc vào kính gọng/kính áp tròng trong sinh hoạt hằng ngày. Người bệnh có thể tham khảo 2 giải pháp dưới đây:
- Sử dụng laser tác động lên giác mạc, điều chỉnh cho hình dạng giác mạc trở nên đồng đều, đưa mắt trở về chính thị. Một số phương pháp sử dụng laser an toàn và hiệu quả là phẫu thuật ReLEx SMILE, phẫu thuật Femtosecond Lasik, phẫu thuật SBK Lasik. Đối với những bệnh nhân có nền giác mạc yếu, bác sĩ nhãn khoa có thể chỉ định thực hiện thêm thủ thuật Crosslinking để làm bền vững thêm cấu trúc giác mạc.
- Sử dụng thấu kính nội nhãn được thiết kế cá nhân hóa dành riêng cho mắt người bệnh, đặt trực tiếp vào sau mống mắt và trước thủy tinh thể để điều chỉnh tật loạn thị. Người bệnh có thể tham khảo phẫu thuật Phakic với loại thấu kính nội nhãn ICL hoặc IPCL.
Những người bị đục thủy tinh thể và loạn thị có thể được điều trị cùng lúc trong quá trình phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Để kiểm tra sức khỏe mắt và tìm được phương pháp phù hợp với bản thân, hãy đăng ký khám mắt chuyên sâu miễn phí cùng Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản (Thứ 4, Thứ 7, Chủ Nhật hằng tuần): https://jieh.vn/dien-dan-lasik-and-phakic.
Tật loạn thị không chỉ ảnh hưởng tới thị lực mà còn gây nên nhiều bất tiện trong quá trình học tập và làm việc hằng ngày của người bệnh. Bằng cách nhận biết kịp thời dấu hiệu và tìm kiếm giải pháp điều trị phù hợp, người bệnh có thể kiểm soát độ loạn trên mắt, cũng như cải thiện thị lực và chất lượng cuộc sống của mình. Hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ nhãn khoa khi gặp các vấn đề về thị lực để chăm sóc và bảo vệ đôi mắt đúng cách.