BỐ MẸ CÓ ĐANG HIỂU ĐÚNG VỀ NHƯỢC THỊ?
Cứ 100 trẻ thì có đến 3 trẻ mắc bệnh nhược thị - một bệnh lý suy giảm thị lực không thể cải thiện nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Với khả năng diễn đạt còn hạn chế, nhận thức về những thay đổi hoặc khiếm khuyết thị lực chưa được đầy đủ, hầu hết trẻ không thể tự phát hiện hay thông báo với phụ huynh về vấn đề thị lực của bản thân, dẫn đến việc phát hiện bệnh quá trễ khi tình trạng nhược thị đã trở nên trầm trọng, để lại những ảnh hưởng vĩnh viễn lên thị lực. Trong bài viết ngày hôm nay, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản sẽ giúp các bố, các mẹ có được những thông tin cần thiết về bệnh lý nhược thị ở trẻ em, qua đó chủ động hơn trong việc nắm bắt các triệu chứng, phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời.
Nhược thị là gì?
Nhược thị (hay còn gọi là “bệnh mắt lười”) là tình trạng suy giảm thị lực không thể cải thiện được bằng cách đeo kính gọng hoặc kính áp tròng. Mắt được đánh giá là nhược thị khi thị lực chỉ đạt dưới 7/10 sau khi đã chỉnh kính tối đa hoặc có sự chênh lệch thị lực từ hai hàng trở lên giữa hai mắt trong bảng thị lực..
Bệnh nhược thị được chia làm hai loại:
Nhược thị chức năng: Tình trạng thị lực có thể được cải thiện nếu được điều trị phù hợp.
Nhược thị thực thể: Tình trạng thị lực không thể phục hồi để trở về trạng thái bình thường.
Nguyên nhân trẻ bị nhược thị
Chức năng thị giác ở trẻ hình thành từ khi mới sinh ra. Trong quá trình phát triển, đường dẫn truyền thị giác từ mắt đến não và vùng thị giác của não cũng tiếp tục phát triển, não bắt đầu học cách phân tích những tín hiệu được chuyển đến từ mắt. Sau 7-8 tuổi, các chức năng thị giác được hoàn thiện một cách đầy đủ và không thể thay đổi được. Nếu vì một lý do nào đó, trẻ không thể sử dụng một hoặc cả hai mắt một cách bình thường, lúc này chức năng thị giác của não cũng không được “học hỏi” đến nơi đến chốn, dẫn đến khả năng nhìn bị giảm sút và kết quả là trẻ bị nhược thị. Bởi vậy bản chất của nhược thị là bất thường diễn ra ở não bộ hơn là do chính bản thân mắt.
Có nhiều bệnh lý ở mắt gây ra nhược thị, trong đó có 3 nguyên nhân chính:
Lác mắt: Là tình trạng hai mắt không cùng nhìn về một hướng. Do đó, não sẽ bỏ qua những tín hiệu từ một trong hai mắt để tránh hiện tượng nhìn đôi, và chỉ còn một mắt được sử dụng để tập trung tiêu điểm vào vật thể.
Tật khúc xạ (cận thị - loạn thị - viễn thị) khiến cho mắt không nhận được hình ảnh rõ nét, gây ra sự phát triển thị giác bất thường, dẫn đến nhược thị. Lệch khúc xạ - độ khúc xạ hai bên chênh lệch nhiều, võng mạc không nhận được hình ảnh rõ nét làm cho thị lực phát triển bất thường gây nhược thị.
Những bất thường khác gây cản trở thị giác: Bất kỳ bất thường nào ở trẻ nhỏ gây cản trở thị giác có thể dẫn đến nhược thị do não không thể tạo lập được đường dẫn truyền thị giác. (đục thủy tinh thể ở một mắt hoặc giác mạc bị sẹo).
Tại sao phát hiện và điều trị nhược thị lại quan trọng như vậy?
Tình trạng nhược thị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của trẻ, cản trở quá trình học tập, sinh hoạt hằng ngày của con. Về lâu dài, mắt trẻ có thể bị lé, thậm chí mù lòa nếu không được điều trị đúng cách và hiệu quả.
Nhược thị có thể cải thiện được thông qua tập luyện với cơ chế là “huấn luyện lại” đường dẫn truyền thị giác từ mắt đến não và vùng thị giác của não để nhận biết được đầy đủ hình ảnh mà mắt truyền tới. Vì các vùng chức năng này đã hoàn thiện vào khoảng năm 7-8 tuổi, do vậy nhược thị chỉ có thể điều trị hiệu quả trước năm 8 tuổi, sau độ tuổi này quá trình điều trị sẽ không còn phát huy tác dụng như kỳ vọng.
Bởi vậy, cha mẹ cần quan tâm đến những biểu hiện về mắt của trẻ, nếu trẻ bị lé hoặc có những bất thường ở mắt như sụp mí, khó nhìn hoặc có các hành động như nheo mắt, chớp mắt, dụi mắt khi xem tivi, nghiêng đầu khi nhìn, khó khăn trong việc nhìn bảng, viết sai hàng...cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, nhược thị thường xảy ra ở một bên mắt, trẻ ít nhạy cảm để nhận thức được sự bất thường về thị lực. Do vậy, bố mẹ cần chủ động cho trẻ thăm khám, tầm soát các bệnh về mắt ngay khi trẻ chuẩn bị bước vào độ tuổi đến trường để phát hiện sớm và nắm bắt thời điểm vàng trong điều trị.