Bệnh lác mắt – Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Bệnh lác (lé) là tật ở mắt thường gặp ở mọi lứa tuổi. Hiện nay, tật lác xuất hiện ở trẻ em ngày càng nhiều và có tới 4% trẻ sinh ra đã bị lác bẩm sinh. Vậy lác là gì và bệnh lý này ảnh hưởng như thế nào đến thị lực của con người?
Lác mắt, hay còn gọi là lé mắt, là bệnh mà mắt không di chuyển theo hướng giống nhau khi ta nhìn vào một vật. Mắt lác xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các cơ vận nhãn, tùy theo cơ vận nhãn bị ảnh hưởng mà dẫn đến:
• Mắt lệch vào trong gọi là lác trong
• Mắt lệch ra ngoài gọi là lác ngoài
• Mắt lệch lên trên gọi là lác trên
• Mắt lệch xuống dưới gọi là lác dưới.
Nguyên nhân gây lác mắt
Mắt có 6 cơ vận nhãn: 4 cơ trực và 2 cơ chéo bám xung quanh giúp mắt nhìn sang các hướng. Nếu một trong các cơ này không còn phối hợp đồng bộ sẽ dẫn đến hiện tượng mắt lác.
• Lác bẩm sinh là khi trẻ sinh ra đã thấy lác hay lác xuất hiện trong giai đoạn từ 6 tháng tuổi.
• Lác thứ phát thường xảy ra ở người lớn do bệnh lý toàn thân (Basedow,…), tại mắt (bất đồng khúc xạ, bệnh lý đáy mắt..), chấn thương vùng đầu mặt
• Lác do yếu tố điều tiết quy tụ, xảy ra trong độ tuổi đi học do tật khúc xạ viễn thị hay cận thị
Lác rất dễ nhận biết khi tự soi gương hay người xung quanh phát hiện thấy mắt lệch. Đối với những trường hợp lác ẩn thì cần khám chuyên khoa mới phát hiện được.
• Mỏi mắt thường xuyên, khả năng tập trung kém
• Hậu đậu, làm việc không chính xác
• Mắt lác thường xuyên có thể mờ hơn mắt không lác. Tư thế nghiêng đầu thích nghi với tình trạng lác
• Ở người có chức năng thị giác đã hoàn thiện khi lác đột ngột sẽ xảy ra hiện tượng song thị (hai hình)
Đối với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển: lác làm cho thị giác kém phát triển, gây ra nhược thị mất khả năng nhìn bằng hai mắt.
Đối với người lớn, lác mắt làm mất thẩm mỹ và là trở ngại rất lớn cho việc giao tiếp trong cuộc sống.
Ở người lớn tuổi, lác mắt đột ngột có thể là báo hiệu một bệnh lý cấp tính ở hệ thần kinh vận động, do đó cần phải khám và tìm nguyên nhân để điều trị
Tùy theo từng loại lác mắt và ở từng độ tuổi sẽ có các hướng điều trị khác nhau.
• Ở trẻ < 6 tuổi & trẻ đi học : đeo kính và kiểm tra thị lực định kỳ để bảo toàn chức năng hợp thị hai mắt và ngăn ngừa suy giảm thị lực mắt lác
• Ở người trưởng thành: Tiến hành phẫu thuật chỉnh lác để khắc phục vấn đề về thẩm mỹ thẩm mĩ.
• Một số trường hợp lác cấp sẽ cần phục hồi chức năng hợp thị thông qua các bài tập về mắt.
Trong một vài trường hợp, điều trị không can thiệp y khoa (như: đeo kính và tập luyện cho mắt) là thích hợp hơn, trong khi đối với những trường hợp khác, phẫu thuật sớm là cần thiết. Đôi khi, khi lác mắt có liên quan đến các vấn đề ở mắt hay ở não, điều đầu tiên cần gặp bác sĩ để kiểm tra kỹ, khám lâm sàng và các xét nghiệm để đảm bảo rằng các vấn đề ở trên không tồn tại.