ĐIỀU GÌ KHIẾN MẮT TĂNG ĐỘ CẬN THỊ NHANH?

18/04/2020

Trong sinh hoạt hàng ngày, đôi mắt luôn được sử dụng với tần suất liên tục không chỉ khi làm việc, học tập mà còn trong các hoạt động giải trí. Đôi mắt đóng vai trò quan trọng như vậy nhưng không phải ai cũng chăm sóc mắt đúng cách và đôi khi chính những thói quen vô tình thường gặp trong cách sử dụng mắt hàng ngày có thể khiến mắt yếu đi nhanh chóng hoặc làm tăng độ cận ở người cận thị.

1. Đeo kính không đúng số

Nhiều người có quan niệm cận thị nhẹ thì không cần đeo kính hoặc đeo kính thấp hơn so với độ cận thực tế sẽ khiến mắt không bị tăng độ nhanh. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Theo các Bác sỹ nhãn khoa, không đeo kính, đeo kính số thấp hay số cao quá cũng đều dẫn tới tình trạng mắt phải điều tiết để bù đắp phần thiếu hụt hoặc dư thừa so với tự nhiên, vô hình dung đã tạo áp lực liên tục lên đôi mắt. Bên cạnh đó, người dùng kính không đúng cách dễ gặp phải triệu chứng nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

2. Để mắt làm việc ở khoảng cách không hợp lý

Ngồi học cúi sát bàn, ngồi làm việc sát màn hình máy tính, nằm đọc sách báo hoặc nằm xem điện thoại là những thói quen rất có hại cho mắt. Nguyên nhân là bởi, mắt người ở trạng thái thư giãn nhất khi nhìn xa vô cực; khi tập trung nhìn các vật càng ở gần, mắt càng phải điều tiết mạnh, điều này khiến mắt nhanh mỏi và tăng độ nhanh. Khoảng cách phù hợp từ mắt đến sách báo là 25cm – 35cm; từ mắt đến màn hình máy tính là 50cm – 60cm; từ mắt đến màn hình ti vi 40 inch là 2m-3m, ti vi 50 inch là khoảng 2,5m – 4m (khoảng cách từ nhỏ đến lớn đối với học sinh tiểu học đến người trưởng thành).

3. Để mắt làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng

Trong điều kiện không đủ ánh sáng, mắt cũng phải điều tiết nhiều hơn để nhìn. Các thói quen như sử dụng đèn học, đèn làm việc không đủ tiêu chuẩn... có thể khiến mắt nhanh yếu hơn. Đặc biệt việc dùng điện thoại trước khi đi ngủ trong phòng tối là điều mà hầu như ai cũng từng trải qua, đây là thói quen vô cùng có hại cho mắt, khiến mắt căng thẳng mệt mỏi, thị lực giảm sút.

4. Sử dụng các thiết bị điện tử liên tục trong nhiều giờ

Các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, ti vi… đều phát ra ánh sáng xanh nhân tạo có hại cho mắt. Lượng ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị này có bước sóng cao, có khả năng xuyên qua các tế báo thần kinh thị giác tới võng mạc. Nếu để mắt tiếp xúc với ánh sáng xanh ở khoảng cách quá gần trong thời gian liên tục sẽ gây giảm thị lực và tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa mắt.  Giãn cách thời gian sử dụng để mắt được thư giãn, sử dụng kính chống ánh sáng xanh (bluecut) để giảm tác động của ánh sáng xanh tới mắt là cách để bảo vệ mắt trước các thiết bị điện tử.

5. Không thăm khám định kỳ

Khi đã hài lòng với thị lực nhìn qua kính, đa số người cận thị đều không thăm khám định kỳ và bỏ qua các dấu hiệu tưởng chừng bình thường như thỉnh thoảng nhìn mờ, hay chảy nước mắt, nhức mắt… Thực tế, việc thăm khám định kỳ 3-6 tháng/lần rất quan trọng để kiểm soát sự thay đổi của thị lực (từ đó cân nhắc việc thay mắt kính phù hợp), phát hiện sớm các bệnh lý khác nếu có để điều trị kịp thời cũng như nhân lời khuyên từ các bác sỹ chuyên khoa về cách chăm sóc mắt theo nhu cầu, thói quen sử dụng hàng ngày.

Đôi mắt cận thị rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương nếu không được bảo vệ và chăm sóc đúng cách. Để ý và thay đổi thói quen không tốt sẽ giúp ánh nhìn luôn rạng rỡ hơn.