PHẪU THUẬT LÃO THỊ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

18/08/2020

Hiện tượng lão thị là hiện tượng lão hóa tự nhiên của mắt và thường bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 40 và sẽ tăng dần cho đến độ tuổi khoảng 65. Lão thị xảy ra do tuổi tác lớn dần, thể thủy tinh bên trong mắt phồng lên, xơ cứng, đàn hồi kém hơn và dần mất đi tính linh hoạt vốn có dẫn đến khả năng điều tiết của mắt giảm, làm mắt khó khăn khi đọc, nhìn gần.

Lão thị là bệnh lý do tuổi tác, có thể xuất hiện ở bất cứ ai khi bước vào độ tuổi xế chiều và gây nên nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là những hoạt động cần nhìn gần như đọc sách, xem tivi, đồng thời gây nên các hiện tượng nhức đầu, mỏi mắt… Người bị lão thị sẽ phải đeo kính lão để cải thiện thị lực ở tầm nhìn gần tốt hơn. Trong trường hợp lão thị nặng, kèm theo viễn thị, không chỉ thị lực nhìn gần mà thị lực nhìn xa và nhìn trung gian cũng bị suy giảm. Người bị viễn - lão thị sẽ phải sử dụng các loại kính đeo khác nhau cho các khoảng cách khác nhau, hoặc sử dụng kính hai tròng, đa tròng, gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh.

lão thị

Lão thị là tật khúc xạ gây ra suy giảm thị lực nhìn gần, thường bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 40

Giải pháp điều trị lão thị

Để giúp người mắc tật lão thị có thể giải phóng cặp kính, thuận lợi hơn trong công việc và sinh hoạt, phẫu thuật điều trị lão thị LBV (Laser Blended Vision) Presbyond kết hợp phần mềm tiên tiến CRS-Master của hãng Carl Zeiss (CHLB Đức) đã ra đời nhằm cải thiện thị lực cho người bệnh một cách hiệu quả nhất.

Tuy phẫu thuật lão thị LBV Presbyond cũng sử dụng tia laser để điều chỉnh độ khúc xạ trên mắt người bệnh như phẫu thuật cận thị bằng tia laser, nhưng cơ chế điều trị lại khác nhau. Phẫu thuật cận thị thông thường chỉ triệt tiêu toàn bộ độ khúc xạ ở trên mắt, nhưng không thể tác động được tới yếu tố lão hóa ở mắt. Do vậy, nếu thực hiện phương pháp phẫu thuật cận thị thông thường, việc nhìn gần ở mắt bị lão thị vẫn sẽ kém.

Với phẫu thuật lão thị, một mắt sẽ được triệt tiêu hết độ cận để nhìn xa tốt, mắt còn lại sẽ điều trị nhưng giữ lại một phần độ cận để nhìn gần tốt. Hai mắt hợp thị với nhau sẽ giúp bệnh nhân nhìn tốt ở các khoảng nhìn mà ko cần sự hỗ trợ của kính.

2 loại phẫu thuật LBV Presbyond

1. SBK Presbyond: Phương án này sử dụng dao siêu vi tự động để tạo vạt trên bề mặt giác mạc, sau đó sử dụng dụng cụ phẫu thuật lật vạt giác mạc lên để chiếu laser đa điểm điều chỉnh độ khúc xạ. Cuối cùng đậy lại vạt giác mạc về vị trí ban đầu và kết thúc phẫu thuật.

  •  Ưu điểm: Dao siêu vi tự động Moria SBK mỏng nhất giúp tiết kiệm mô giác mạc trong quá trình tạo vạt. Tia laser có độ chính xác tuyệt đối khi thực hiện phẫu thuật. Chi phí hợp lý.
  •  Nhược điểm: Do tác dụng phụ của lật vạt giác mạc nên sau phẫu thuật bệnh nhân có cảm giác khô mắt kéo dài, hơi cộm vướng trong khoảng 3 ngày đầu sau mổ.

2. Femtosecond Presbyond: Không dùng dao mà sử dụng tia laser chiếu lên bề mặt giác mạc để tạo vạt giác mạc, lật vạt giác mạc và chiếu laser đa điểm điều chỉnh độ khúc xạ, đậy lại vạt về vị trí ban đầu và kết thúc phẫu thuật. 

  • Ưu điểm: Đối với phương pháp này vết cắt sẽ mềm mịn hơn, tiết kiệm mô giác mạc hơn so với phương pháp SBK và cũng hạn chế cảm giác bị cộm mắt vì tia laser sẽ cắt vạt giác mạc tuân theo độ cong sinh lý của mắt. An toàn, chính xác.
  • Nhược điểm: Do vẫn tạo vạt giác mạc cho nên bệnh nhân vẫn có thể bị khô mắt.

Tìm hiểu thêm về điều trị lão thị tại đây.

Phương pháp phẫu thuật lão thị
Bệnh nhân thăm khám tật lão thị tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản

 

Lưu ý khi phẫu thuật điều trị lão thị

Tuy phẫu thuật lão thị giúp bệnh nhân có thể nhìn tốt ở các khoảng nhìn mà ko cần sử dụng tới hai loại kính như trước đây nhưng sau phẫu thuật bệnh nhân có thể gặp một vài hiện tượng cần lưu ý như sau:

  • Chất lượng thị giác sau phẫu thuật phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hợp thị trên mắt của bệnh nhân. Mắt và các tuyến thần kinh thị giác sẽ cần một khoảng thời gian để thích nghi với thể trạng mới (với khoảng cách gần, chủ động lấy hình ảnh ở mắt được điều trị để nhìn gần, và với khoảng cách xa, lấy thông tin hình ảnh ở mắt được điều chỉnh để nhìn xa). Có những bệnh nhân sẽ cảm thấy ổn định sau vài ngày, nhưng có những người do cơ địa nên có thể phải sau vài tháng mới ổn định. Ở thời gian đầu, BN có thể cảm thấy chếnh choáng khó chịu với một số khoảng nhìn.
  • Chất lượng hình ảnh ở các khoảng nhìn sau phẫu thuật có thể kém hơn với mắt có sự hỗ trợ của kính trước phẫu thuật. Nguyên nhân là trước phẫu thuật, cả hai mắt nhìn gần và nhìn xa đều tốt nhờ sự hỗ trợ của kính. Tuy nhiên, với mục tiêu bỏ kính và khắc phục sự suy giảm thị lực nhìn gần do lão thị. Bệnh nhân sẽ phải hi sinh khả năng nhìn gần của một mắt và khả năng nhìn xa của một mắt. Nên sau phẫu thuật lão thị, không có sự hỗ trợ của kính, sẽ chỉ có 1 mắt nhìn xa tốt và 1 mắt nhìn gần tốt. Do vậy, chất lượng hình ảnh sẽ không thể bằng trước phẫu thuật khi cả 2 mắt đều có kính hỗ trợ. Đối với những bệnh nhân thường lái xe vào ban đêm ở tốc độ nhanh, có thể phải đeo bổ sung một chiếc kính để hỗ trợ cả 2 mắt nhìn xa đều tốt giúp việc điều khiển phương tiện trong điều kiện thiếu sáng được chính xác và an toàn.

Bên cạnh đó, thời gian tác dụng của phẫu thuật điều trị lão thị chỉ được khoảng 7-10 năm, tùy thuộc tốc độ lão hóa của cơ thể. Phẫu thuật lão thị chỉ giải quyết nhu cầu bỏ kính ở thời điểm phẫu thuật với các thông số tại thời điểm đó. Tuy nhiên, quá trình lão hóa ở mắt là vấn đề mà phương pháp phẫu thuật này không thể can thiệp được. Quá trình đó vẫn sẽ tiếp diễn và đến một thời điểm, các thông số điều trị ở mắt nhìn gần sẽ ko còn phù hợp nữa, và khả năng nhìn gần cũng kém đi. Lúc này người bệnh có thể lựa chọn 1 trong 2 giải pháp: 1 là tiếp tục tái điều trị bằng laser với điều kiện độ dày giác mạc đảm bảo, 2 là đeo kính nhìn gần bổ sung để hỗ trợ.

Hiệu quả và công dụng của phẫu thuật có thể khác nhau tùy theo thể trạng/cơ địa mỗi người. Do đó, bệnh nhân cần thăm khám để nhận tư vấn và chỉ định trực tiếp từ Bác sĩ trước khi ra quyết định thực hiện bất cứ phẫu thuật, thủ thuật nào.