PHẪU THUẬT ĐỤC THỦY TINH THỂ NÊN CHỌN NHÂN ĐƠN TIÊU HAY ĐA TIÊU?

20/05/2022

Đục thủy tinh thể là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi và là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu trên thế giới. Bệnh có diễn biến từ từ và tốc độ tiến triển không thể dự đoán trước.

Đục thủy tinh thể là gì?

Đục thủy tinh thể (có tên gọi khác là cườm khô, cườm đá) là hiện tượng protein tập trung thành đám, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể, làm ánh sáng đi qua bị tán xạ, cản trở ánh sáng đến võng mạc. Đục thủy tinh thể làm cho thị lực của bệnh nhân suy giảm, tầm nhìn mờ và nếu không kịp thời chữa trị có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, đục thủy tinh thể đến độ chín có thể gây tăng nhãn áp, đỏ mắt, đau nhức mắt và đau đầu. Cho đến nay, phương pháp điều trị có hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo.

Thủy tinh thể nhân tạo là gì?

Thủy tinh thể nhân tạo (hay intraocular lens – IOL) là 1 thấu kính nội nhãn rất nhỏ, trong suốt, có độ khúc xạ, được chế tạo phù hợp với mắt người. Nó thay thế thủy tinh thể tự nhiên bị loại bỏ trong quá trình phẫu thuật đục thủy tinh thể để hỗ trợ cải thiện thị lực cho người bệnh. Hầu hết các loại IOL được làm bằng silicone, acrylic hoặc nhựa PMMA. Chúng cũng được phủ một lớp vật liệu đặc biệt để giúp bảo vệ mắt khỏi tia cực tím (UV) có hại của mặt trời. Thủy tinh thể nhân tạo được chia làm 2 loại là thủy tinh thể đơn tiêu cự và thủy tinh thể đa tiêu cự.

thuy-tinh-the-nhan-tao

Các loại thủy tinh thể này đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) phê duyệt về tính an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân đục thủy tinh thể vào năm 1981. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng thị giác của bệnh nhân sau phẫu thuật đục thủy tinh thể.

Thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu và thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu có gì khác biệt? 

Thủy tinh thể đơn tiêu cự là loại thấu kính phổ biến nhất được sử dụng trong phẫu thuật đục thủy tinh thể. Đây là loại thủy tinh thể nhân tạo chỉ có một tiêu cự duy nhất và thường là tiêu cự ở khoảng nhìn xa, nghĩa là sau khi phẫu thuật thay thủy tinh thể người bệnh sẽ có tầm nhìn xa tốt. Đối với thủy tinh thể đơn tiêu, ánh sáng sẽ tập trung hoàn toàn vào một điểm lấy nét cụ thể và rơi đúng vào tiêu cự mà bệnh nhân lựa chọn (xa, trung bình hoặc gần). Do đó, nếu bệnh nhân lựa chọn ưu tiên khoảng nhìn xa, đối với cách khoảng nhìn gần và trung bình, người bệnh thường thấy mờ và có thể sẽ phải đeo kính để hỗ trợ cho các khoảng nhìn này. 

Thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu là thủy tinh thể nhân tạo được thiết kế tối ưu cho tất cả các khoảng nhìn gần, xa và trung gian mà không cần sự hỗ trợ của kính. Loại thủy tinh thể này sử dụng các vòng đồng tâm có độ dày khác nhau, để cho phép mắt tập trung hình ảnh từ mọi khoảng cách vào võng mạc. Bệnh nhân sẽ thường mất một thời gian để có thể làm quen với thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu. 

thuy-tinh-the-da-tieu

Mặc dù thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu có ưu điểm lớn nhất là giúp cải thiện thị lực của bệnh nhân ở nhiều khoảng nhìn, có một số nhược điểm của kính có thể người bệnh sẽ cần cân nhắc trước khi quyết định lựa chọn loại thủy tinh thể nhân tạo này. Những nhược điểm này bao gồm hiện tượng chói lóa, nhìn thấy các quầng sáng xung quanh ánh đèn. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, bệnh nhân sẽ làm quen dần với các hiện tượng này. Bên cạnh đó, thủy tinh thể đa tiêu cự cũng thường không được chỉ định cho các bệnh có bệnh lý về đáy mắt như bong võng mạc, xuất huyết đáy mắt, màng trước võng mạc, glaucoma. Thủy tinh thể đa tiêu cự thường cho phép ít ánh sáng vào mắt hơn, do vậy đối với người bệnh có thị lực bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý trên, sử dụng thủy tinh thể đa tiêu có thể khiến tầm nhìn không đạt được tối đa.

Lựa chọn thủy tinh thể đơn tiêu hay đa tiêu? 

Giống như bất kỳ loại phẫu thuật nào khác, việc cân nhắc lựa chọn thủy tinh thể nhân tạo phù hợp với đôi mắt là điều quan trọng trong phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể. Thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu và đa tiêu đều có những ưu nhược điểm riêng biệt. Thủy tinh thể đơn tiêu sẽ giúp cho phép người bệnh nhìn rõ nét tối ưu ở một khoảng nhìn, tuy nhiên, vẫn cần dùng kính gọng để hỗ trợ thị lực ở các khoảng nhìn khác. Trong khi đó, thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu có thể giúp cải thiện thị lực ở cả ba khoảng nhìn: xa, trung bình và gần ở bệnh nhân đục thủy tinh thể, lão thị hoặc viễn thị. Tuy nhiên, kính đa tiêu sẽ cần nhiều thời gian để thích nghi và thường có chi phí cao hơn. Do vậy, tùy thuộc vào nhu cầu của từng bệnh nhân mà họ sẽ được bác sĩ tư vấn và lựa chọn loại thủy tinh thể nhân tạo phù hợp với sức khỏe của đôi mắt cũng như yêu cầu công việc

Để biết mình phù hợp với loại thấu kính nào, người bệnh cần đến các bệnh viện mắt chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn cụ thể nhất.