MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG CÓ THỂ GẶP SAU PHẪU THUẬT PHAKIC

23/06/2020

Phẫu thuật Phakic có rủi ro gì không là câu hỏi mà nhiều bệnh nhân quan tâm trước khi đưa ra quyết định thực hiện phẫu thuật. Là loại phẫu thuật có tỷ lệ thành công cao, tuy nhiên cũng như các phẫu thuật y khoa khác, sau phẫu thuật Phakic người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng, hiện tượng. Mặc dù hầu hết các hiện tượng này đều có thể được kiểm soát và xử trí để đảm bảo an toàn cho mắt, tuy nhiên việc có nhận thức đầy đủ về tất cả các khía cạnh của phẫu thuật cũng như hiểu rõ về các dấu hiệu sau phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân an tâm hơn cũng như chủ động hơn trong việc chăm sóc bảo vệ mắt. 

Trong bài viết này, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản sẽ chỉ ra một số dấu hiệu có thể gặp phải sau phẫu thuật Phakic. 

Phản ứng đào thải

Bản chất thấu kính nội nhãn đặt vào mắt là một dị vật đối với cơ thể, tùy thuộc vào cơ địa của người bệnh mà có thể xảy ra trường hợp cơ thể của người bệnh không tiếp nhận thấu kính, dẫn đến phản ứng đào thải. Tỷ lệ của hiện tượng này rất thấp, chỉ khoảng 1/5000. Nếu không thể dùng thuốc để điều trị thì bắt buộc bác sỹ phải lấy thấu kính ra khỏi mắt. Nguyên nhân dẫn đến phản ứng đào thải xuất phát chủ quan từ phía cơ địa của người bệnh và không thể tiên lượng được trước khi phẫu thuật.

rủi ro của phẫu thuật Phakic ICL

Tăng nhãn áp tạm thời

Đối với mắt thì thấu kính nội nhãn là một dị vật, nên trong một vài trường hợp sẽ gây tăng nhãn áp tạm thời sau phẫu thuật. Trong trường hợp xảy ra hiện tượng tăng nhãn áp, bác sỹ sẽ chỉ định sử dụng thuốc hoặc sử dụng thủ thuật để hạ nhãn áp. Nếu thấy triệu chứng đau đầu và buồn nôn, người bệnh cần báo ngay với bác sỹ để được xử lý kịp thời. Hiện tượng tăng nhãn áp nếu không xảy ra hoặc đã được kiểm soát thường sẽ không còn gây ảnh hưởng tới mắt. 

Nhạy cảm với ánh sáng

Mắt sau phẫu thuật Phakic có thể nhạy cảm với ánh sáng, cụ thể là nhìn lóa, mờ, chói xung quanh ánh sáng từ đèn. Hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ làm quen dần với hiện tượng này và không còn cảm thấy bất tiện hay khó khăn.

Khó khăn trong việc mở mí mắt

Trong quá trình phẫu thuật, bác sỹ sẽ sử dụng một loại dụng cụ chuyên dụng để cố định mí mắt. Do đó, sau ngày phẫu thuật, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu hoặc gặp khó khăn khi mở mí mắt. Hiện tượng này sẽ hết trong vài ngày sau phẫu thuật.

Nhiễm trùng

Tất cả các phẫu thuật nói chung và phẫu thuật khúc xạ nói riêng đều tác động lên cơ thể sống, đồng nghĩa với việc tồn tại nguy cơ nhiễm trùng. Mặc dù không phổ biến, nhưng điều quan trọng là người bệnh cần nhận thức được rằng nhiễm trùng có thể làm chậm quá trình hồi phục của mắt hoặc trong một số trường hợp có thể gây nên các tổn thương mắt nghiêm trọng. Để ngăn ngừa nhiễm trùng, đảm bảo an toàn cho mắt, người bệnh cần sử dụng thuốc kháng sinh và kháng viêm sau phẫu thuật theo chỉ dẫn của bác sỹ, tuân thủ các hướng dẫn về chăm sóc mắt sau phẫu thuật. 

Xuất huyết dưới kết mạc

Trường hợp máu tụ dưới kết mạc khiến cho tròng trắng trở thành màu đỏ có thể xảy ra sau phẫu thuật, tuy nhiên điều này sẽ không gây ảnh hưởng tới tầm nhìn của mắt. Trong vòng 02 tuần đến 01 tháng, tình trạng này sẽ dần được cải thiện.

Khó khăn khi nhìn gần

Đối với mắt bị cận thị, do có độ cận mà mắt không cần phải điều tiết cũng nhìn rõ ở khoảng nhìn gần. Sau phẫu thuật bỏ kính, mắt cần một thời gian để thích nghi và khôi phục chức năng điều tiết tự nhiên. Do vậy, trong một vài trường hợp bệnh nhân có thể cảm thấy thị lực nhìn gần chưa hồi phục 100% ngay sau phẫu thuật. Tùy thuộc vào cơ địa của từng mắt, tình trạng này sẽ cải thiện sau một khoảng thời gian.

Sự ổn định về thị lực

Phẫu thuật Phakic có thể giúp cho người mắc tật khúc xạ nhìn được tốt hơn mà không cần phụ thuộc vào kính gọng hoặc kính áp tròng. Thông thường, người bệnh sẽ hồi phục thị lực chỉ trong vài ngày sau phẫu thuật, tuy nhiên cũng có trường hợp người bệnh cần thời gian dài hơn để quen được với thể trạng mới của mắt. Bên cạnh đó, tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị nặng có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa, rách, bong võng mạc – những nguyên nhân gây suy giảm thị lực. Cũng như các phương pháp phẫu thuật bằng laser khác, việc thực hiện phẫu thuật Phakic để điều trị tật khúc xạ, nhưng không giúp võng mạc khỏe lên. Do vậy, người bệnh cần lưu ý tầm soát các bệnh võng mạc trước phẫu thuật cũng như định kỳ thăm khám sức khỏe võng mạc để đảm bảo phát hiện sớm các bệnh lý về võng mạc và nắm bắt thời điểm vàng trong điều trị nhằm duy trì tình trạng thị lực tốt nhất. 

Có thể thấy, hầu hết các triệu chứng xảy ra sau phẫu thuật Phakic đều có thể kiểm soát và xử trí, bởi vậy bệnh nhân được khuyến cáo tuân thủ các hướng dẫn về chăm sóc, bảo vệ mắt sau phẫu thuật của bác sỹ và giữ liên lạc với bệnh viện để trao đổi các thông tin về tình trạng mắt sau phẫu thuật và nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết.