KIỂM SOÁT ĐỘ CẬN Ở TRẺ EM – ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ?

21/11/2019

Cận thị là một trong những tật khúc xạ thường gặp nhất ở lứa tuổi học sinh, gây ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt, học tập và vui chơi của các em nhỏ. Theo thống kê mới nhất của Bệnh viện mắt trung ương năm 2017, Việt Nam có khoảng 5 triệu trẻ em trong độ tuổi 6 – 17 mắc các tật khúc xạ cận – viễn – loạn thị, trong đó trẻ cận thị chiếm hơn 40%. Không chỉ gia tăng về số lượng, tình trạng cận thị còn phát triển nhanh về mức độ ở các trẻ trong giai đoạn đi học do nhiều yếu tố như cường độ học tập căng thẳng, tần suất sử dụng mắt nhìn gần nhiều, trẻ chưa ý thức việc điều chỉnh tư thế và khoảng cách nhìn, đeo kính chưa đúng cách.v.v.

Do cận thị càng nặng dẫn đến càng nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác ở mắt, việc kiểm soát tốc độ cận thị học đường rất quan trọng. Tại Hội thảo chuyên đề phòng chống cận thị diễn ra ở Nhật Bản vào tháng 9/2019, các chuyên gia, bác sỹ đã đưa ra 6 phương pháp ngăn ngừa cận thị tiến triển được khuyến khích áp dụng trên thế giới như sau:

1. Tăng cường hoạt động ngoài trời

Các chuyên gia tin rằng việc dành ít nhất 2 giờ mỗi ngày để sinh hoạt ngoài trời, tăng cường nhìn xa, tắm nắng, nhìn trong điều kiện ánh sáng tự nhiên không chỉ giúp ức chế sự phát triển của cận thị mà còn ngăn ngừa cận thị trên những trẻ đang có đôi mắt khỏe mạnh.

- Ưu điểm: Mắt được làm việc linh hoạt ở các khoảng cách nhìn xa – gần – trung gian, hội tụ ánh sáng có lợi tự nhiên tốt cho võng mạc, tránh tình trạng co quắp điều tiết do nhìn gần nhiều

- Hạn chế: Khó thực hiện thường xuyên do chương trình học ở Việt Nam chưa chú trọng hoạt động ngoại khóa; cường độ học trong trường lớp cao; môi trường bên ngoài ô nhiễm;…

giu-mat-cho-tre

2. Đeo kính đúng số

Quan niệm trước đây cho rằng việc đeo kính thấp hơn một chút so với độ cận thực tế sẽ tốt hơn cho mắt do hạn chế việc mắt phải điều tiết khi nhìn gần, khiến mắt đỡ căng mỏi. Tuy nhiên, việc này lại không đảm bảo thị lực nhìn xa tốt cho trẻ, buộc mắt phải điều tiết bù trừ phần thiếu hụt để bắt nét hình ảnh khi muốn nhìn ra xa. Ngày nay, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc đeo kính đúng số mới mang lại hiệu quả tối đa, giúp mắt không phải điều tiết nhiều khi nhìn ở mọi khoảng cách, góp phần hạn chế tăng độ cận.

- Ưu điểm: Kính gọng phù hợp với mọi độ tuổi, phổ biến và dễ áp dụng

- Hạn chế: Các kính cận thông thường là kính đơn tròng, thị lực đạt tối ưu khi mắt nhìn qua tâm kính, hình ảnh càng về phía rìa kính càng không chân thực do hiện tượng nhiễu xạ, đặc biệt với kính có độ cận cao.

3. Sử dụng kính áp trong ban đêm Ortho-K

Ortho-K là phương pháp điều chỉnh độ khúc xạ tạm thời thông qua cơ chế định hình giác mạc bởi một thấu kính áp tròng cứng được đeo vào buổi đêm khi đi ngủ (trung bình 6 – 8 giờ mỗi đêm) và tháo ra khi thức dậy vào sáng hôm sau. Trẻ sẽ không cần đeo kính gọng hay kính áp tròng vào ban ngày, tầm nhìn rõ nét ở mọi khoảng cách. Đây là phương pháp có tác dụng ức chế quá trình tăng trưởng cận thị, có thể áp dụng cho các trường hợp tăng độ nhanh.

- Ưu điểm: Giảm phụ thuộc vào kính trong sinh hoạt ban ngày, kiểm soát tốc độ cận thị tốt. Ngưỡng điều trị tối đa đến 10 độ cận kèm 4 độ loạn thị.

- Hạn chế: Việc sử dụng kính yêu cầu vệ sinh sạch sẽ, tháo tác cẩn thận khi tháo lắp nên thường được tư vấn cho trẻ từ 10 tuổi trở lên.

4. Sử dụng thuốc nhỏ mắt Atropine 0.01% theo chỉ định của bác sỹ

Phương pháp nhỏ Atropine 0.01% hàng ngày thường được bác sỹ chỉ định cho những trẻ em cận thị trong độ tuổi từ 6 – 15, độ cận tối thiểu 0,5 đi-ốp và có tốc độ cận thị gia tăng nhanh. Thuốc atropine nồng độ thấp có hiệu quả làm chậm quá trình tiến triển cận thị khoảng 30-50% so với ở trẻ em không sử dụng thuốc. Tuy nhiên, đây là loại thuốc khuyến cáo sử dụng theo đơn, liều lượng, thời gian và cách nhỏ thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. Các vị phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc cho con, tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.

- Ưu điểm: Sử dụng thuốc đúng cách và thăm khám theo dõi định kỳ giúp đạt hiệu quả ức chế cận thị cao.

- Hạn chế: Thuốc không có tác dụng triệt tiêu độ cận nên trẻ vẫn cần sử dụng kính cận thường xuyên để bảo đảm thị lực hàng ngày. Một số ít trường hợp có dị ứng với thành phần của thuốc.

5. Dùng kính gọng đa tròng kiểm soát độ cận

 Kính gọng đa tròng được thiết kế từ 2 vùng nhìn trở lên trên một mắt kính với số độ khúc xạ khác nhau ở các vùng để phù hợp với từng khoảng cách nhìn và hầu như không có đường phân tách giữa các vùng này. Kính có tác dụng giảm bớt điều tiết của mắt khi thay đổi các khoảng nhìn xa – gần – trung gian, theo đó kiểm soát sự tăng độ cận gây ra khi mắt phải làm việc quá căng thẳng.

- Ưu điểm: Hiệu quả làm chậm tiến trình phát triển cận thị vượt trội hơn so với phương pháp đeo kính gọng đơn tròng thông thường.

- Hạn chế: Kính chưa được bán phổ biến ở Việt Nam. Việc sử dụng kính đúng cách yêu cầu trẻ phải có thời gian làm quen, tập đưa mắt theo các vùng nhìn xác định trên kính.

kiem-soat-tien-trien-can-thi-o-tre-em

6. Dùng kính áp tròng đa tròng kiểm soát độ cận

Cũng giống như kính gọng đa tròng, kính áp tròng này có thiết kế phục vụ nhu cầu nhìn ở mọi khoảng cách nhưng được đeo áp sát trên bề mặt nhãn cầu, giúp đem đến dải nhìn liên tục và chất lượng hình ảnh chân thực do không có khoảng cách giữa kính và mắt. 

- Ưu điểm: Hiệu quả làm chậm tiến trình phát triển cận thị vượt trội hơn so với phương pháp đeo kính gọng đơn tròng thông thường.

- Hạn chế: Kính chưa được phổ biến ở Việt Nam, chưa có các hướng dẫn cụ thể về thời gian sử dụng, độ tuổi phù hợp…

Mặc dù những can thiệp kiểm soát tăng trưởng cận thị trên đây đã được áp dụng và mang lại hiệu quả đáng kể, chúng không có tác dụng tuyệt đối. Để giảm thiểu tối đa tốc độ phát triển cận thị, trẻ em cần có một chế độ sinh hoạt lành mạnh và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Việc thức khuya, dành nhiều giờ liền bên các thiết bị điện tử, nhìn gần quá lâu, dành ít thời gian hoạt động ngoài trời… là những tác nhân trực tiếp khiến độ cận thị gia tăng nhanh chóng.

Việc khám mắt định kỳ cho trẻ 3-6 tháng/ lần tại cơ sở nhãn khoa uy tín là cần thiết để nắm bắt được tình trạng mắt và có hướng điều trị phù hợp nhằm hạn chế gia tăng độ cận thị nói riêng và bảo vệ mắt nói chung.