KIỂM SOÁT CẬN THỊ TRẺ EM HIỆU QUẢ NHỜ KẾT HỢP SỬ DỤNG KÍNH ORTHO-K VÀ TRA THUỐC ATROPINE 0.01%

27/05/2022

Những năm gần đây, cận thị ở lứa tuổi học đường ngày càng bùng phát với số lượng trẻ cần đeo kính để cải thiện thị lực gia tăng nhanh chóng. Cận thị ở trẻ nhỏ thường đáng lo ngại hơn ở người lớn, do độ khúc xạ có thể tăng nhanh trong quá trình phát triển, đặc biệt vào giai đoạn dậy thì. Không những vậy, ở lứa tuổi của mình, trẻ cũng chưa có ý thức giữ gìn cho mắt để hạn chế việc tăng độ cận.

Do vậy, các biện pháp kiểm soát cận thị là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ cũng như các chuyên gia trong ngành nhãn khoa. Các phương pháp làm chậm mức độ tiến triển cận thị ở trẻ nhỏ có hiệu quả thường được các bác sĩ chỉ định là đeo kính áp tròng ban đêm Ortho-K và tra thuốc nhỏ mắt Atropine nồng độ thấp.

Kính áp tròng cứng Ortho-K

Ortho-K (Orthokeratology) là phương pháp điều chỉnh độ khúc xạ tạm thời thông qua cơ chế định hình giác mạc bởi một thấu kính áp tròng cứng thấm khí được đeo vào buổi đêm khi đi ngủ (trung bình 6 – 8 giờ mỗi đêm) và tháo ra khi thức dậy vào sáng hôm sau. 

ortho-k-co-che

Ortho-K hoạt động bằng cách làm phẳng trung tâm giác mạc trong khi ngủ, điều chỉnh độ cận thị và loạn thị từ mức độ thấp đến trung bình. Cấu tạo của Ortho-k cũng giống như cấu trúc của kính tiếp xúc mềm. Tuy nhiên với Ortho-K, đường kính của kính thường nhỏ hơn đường kính giác mạc. Nhờ có sự khác biệt này trong thiết kế mà Ortho-K có thể dễ dàng định hình lại giác mạc. Việc định hình này cho phép các tia sáng tập trung chính xác vào võng mạc, làm giảm sự mất nét của ánh sáng ngoại vi trong mắt (hyperopic defocus & peripheral blur) từ đó có thể làm chậm sự tiến triển của cận thị và ổn định sự phát triển của trục nhãn cầu.

Thuốc Atropine nồng độ thấp 0.01%

Phương pháp nhỏ Atropine 0.01% hàng ngày thường được bác sỹ chỉ định cho những trẻ em cận thị trong độ tuổi từ 6 – 15, độ cận tối thiểu 0,5 đi-ốp và có tốc độ cận thị gia tăng nhanh. Thuốc atropine nồng độ thấp có hiệu quả làm chậm quá trình tiến triển cận thị khoảng 30-50% so với ở trẻ em không sử dụng thuốc. Tuy nhiên, đây là loại thuốc khuyến cáo sử dụng theo đơn, liều lượng, thời gian và cách nhỏ thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.

Kết hợp giữa Ortho-K và thuốc Atropine nồng độ thấp 0.01%

Một số nghiên cứu đã chứng minh Ortho-K có thể làm làm giảm sự tiến triển của cận thị bằng cách làm chậm sự phát triển của chiều dài trục nhãn cầu từ 40-45% cũng như chỉ ra sự hiệu quả của Ortho-K trong việc hạn chế tăng độ cận ở trẻ em là cao nhất và cao hơn khi sử dụng Atropine 0,01%. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp sử dụng Ortho-K hay hoặc sử dụng Atropine 0,01% đơn lẻ không đạt được hiệu quả kiểm soát tăng độ như mong đợi. Một trong những lý do là trẻ sử dụng hai phương pháp này có độ khúc xạ vượt ngưỡng điều trị của kính Ortho-K (thông thường hiệu quả nhất với trẻ có độ cận không quá 6 độ và độ loạn không quá 1 độ) hoặc nằm ngoài độ tuổi tối ưu điều trị (thông thường là từ 6-12 tuổi) của Atropine 0,01%. 

tre-su-dung-kinh-ortho-k

Do đó, để tăng thêm sự hiệu quả trong kiểm soát tiến triển cận thị ở những trường hợp kể trên, các chuyên gia khuyến cáo sử dụng kết hợp cả hai phương pháp. Theo kết quả nghiên cứu của chuyên gia nhãn khoa Nhật Bản, kết hợp điều trị bằng kính Ortho-K và tra thuốc Atropine 0,01% hàng ngày trong vòng 2 năm điều trị trên 80 trẻ em Nhật Bản có hiệu quả hơn 28% trong việc làm chậm quá trình kéo dài trục nhãn cầu so với việc chỉ sử dụng 1 phương pháp kiểm soát cận thị. Một nghiên cứu khác vào tháng 2 năm 2021 của một nhóm tác giả Hong Kong trên 341 trẻ cũng cho thấy việc kết hợp sử dụng kính Ortho-K và Atropine 0.01% sẽ cho hiệu quả kiểm soát tiến triển cận thị tốt hơn so với dùng một trong hai phương pháp riêng lẻ. Cụ thể, ở nhóm sử dụng kết hợp Ortho-K và Atropine 0.01%, chiều dài trục nhãn cầu phát triển thêm 0.25 mm, ít hơn so với mức 0.35 mm ở nhóm chỉ sử dụng phương pháp Ortho-K đơn độc sau 12 tháng sử dụng. Cần lưu ý là cả hai nhóm bệnh nhân này có tốc độ tăng độ cận nhanh.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc kết hợp giữa hai phương pháp Ortho-K và Atropine 0,01% vẫn sẽ cần phụ thuộc và tình trạng mắt của từng bệnh nhân, trước khi quyết định xem trẻ có nên sử dụng kính áp tròng cứng Ortho-K và Atropine 0,01% hay không phụ huynh nên đưa trẻ thăm khám và tư vấn với bác sỹ nhãn khoa để được tư vấn chi tiết. Bên cạnh đó để theo dõi và kiểm soát tiến triển cận thị của trẻ, bố mẹ nên đưa các con đến thăm khám định kỳ 3 đến 6 tháng một lần tại các cơ sở nhãn khoa uy tín để đôi mắt của con được chăm sóc tốt nhất, đồng thời phát hiện và điều trị kịp thời những thay đổi hoặc bất thường.

Tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản gói khám chuyên sâu về kính chỉnh hình giác mạc Ortho-K cũng như “Gói khám khúc xạ học đường” sẽ giúp kiểm tra tổng quát sức khỏe mắt và đo đạc cấu trúc bề mặt giác mạc để từ đó có thể đưa ra thông số chính xác nhất, giúp trẻ lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất.