KHÔNG NÊN XEM NHẸ VIỆC KHÁM MẮT ĐỊNH KỲ
Đôi mắt là giác quan đóng vai trò hết sức quan trọng đối với chúng ta. Thế nhưng, có không ít người chủ quan và cho rằng chỉ khi mắt có các triệu chứng rõ ràng, thị lực suy giảm mới cần thăm khám.
Lý do nào khiến khám mắt định kỳ quan trọng?
Hiện nay số lượng người mắc các bệnh lý về đáy mắt như võng mạc đái tháo đường, võng mạc cao huyết áp, tắc động tĩnh mạch võng mạc, bong võng mạc, thoái hóa hoàng điểm… hay các bệnh lý nghiêm trọng ở mắt khác như đục thủy tinh thể, glôcôm đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên những bệnh lý này thường không có dấu hiệu cụ thể, diễn ra âm thầm khiến người bệnh dễ dàng bỏ qua mà không biết được những nguy cơ tiềm ẩn. Việc khám mắt định kỳ sẽ giúp phát hiện kịp thời các bệnh lý hay các nguy cơ mắc bệnh về mắt, từ đó giúp ngăn chặn và tìm được phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời
Bên cạnh đó, đôi mắt cũng là “cửa sổ” cho sức khỏe tổng thể. Trên thực tế, đã có rất nhiều bệnh nhân lần đầu phát hiện bản thân đang có những vấn đề về sức khỏe như đái tháo đường, tăng huyết áp, cholesterol cao và thậm chí là ung thư tại buổi khám mắt định kỳ. Trong các buổi khám mắt này, bác sĩ nhãn khoa có thể quan sát và đánh giá sức khỏe cũng như tình trạng của các mạch máu trong võng mạc. Nhiều tình trạng sức khỏe như đái tháo đường, tăng huyết áp và tăng cholesterol trong máu đều có thể nhìn thấy bởi những thay đổi trong các mạch máu này.
Đối tượng nào nên được khám mắt định kỳ?
Bệnh lý ở mắt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, vậy nên việc thăm khám mắt định kỳ nên được thực hiện đối với mọi đối tượng, trong đó đặc biệt có những nhóm cần chú trọng việc thăm khám mắt thường xuyên:
- Người lớn tuổi (trên 40 tuổi)
- Người mắc các bệnh về mắt như các tật khúc xạ mắt, đục thủy tinh thể, glôcôm…
- Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh về mắt
- Người mắc các bệnh toàn thân như bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, đột quỵ…
- Người sử dụng nhiều thuốc có thể gây ảnh hưởng đến mắt như corticosteroid
Bao lâu thì nên khám mắt một lần?
Đối với trẻ em
Theo khuyến nghị, trẻ em nên được khám mắt lần đầu tiên trước khi được 6 tháng tuổi. Sau đó trẻ nên được khám mắt định kỳ lúc 3 tuổi, 5 tuổi và mỗi năm sau đó. Ngoài ra, đối với trẻ có nguy cơ gia tăng các bệnh về mắt thì trẻ cần được kiểm tra mắt thường xuyên hơn trong suốt thời thơ ấu của mình. Một số các yếu tố khiến trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về mắt bao gồm:
- Gia đình có tiền sử mắc các bệnh về mắt như cận thị, lác, nhược thị, u nguyên bào võng mạc hoặc bệnh di truyền khác có thể ảnh hưởng tới sức khỏe mắt
- Trẻ đẻ non hoặc thiếu cân nặng
- Trẻ nhiễm trùng sơ sinh trong thai kỳ
- Trẻ chậm phát triển
- Trẻ phải sử dụng một số loại thuốc nhất định
Đối với người lớn
Trong trường hợp không có các bệnh lý tại mắt hoặc không có triệu chứng bất thường, người trưởng thành có thể cân nhắc lịch khám định kỳ như sau:
- 20-39 tuổi: Hầu hết người lớn từ 20 đến 39 tuổi nên khám mắt định kỳ và toàn diện từ 2-4 năm/1 lần do thời điểm này thị lực thường ít thay đổi
- 40-64 tuổi: Người từ 40-64 tuổi nên được khám mắt từ 1 – 3 năm/1 lần. Đây là nhóm tuổi mà thị lực bắt đầu có nhiều sự thay đổi hơn trước đây. Khi bắt đầu bước sang tuổi 35, cùng với lão hóa tự nhiên của cơ thể, thể thủy tinh bên trong mắt dần xơ cứng, khả năng đàn hồi kém hơn và dần mất đi tính linh hoạt vốn có dẫn đến khả năng điều tiết của mắt giảm, làm mắt khó khăn khi nhìn gần. Bên cạnh đó, người ở độ tuổi 45-64 cũng thường phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh lý khác có thể ảnh hưởng tới thị lực như tiểu đường, huyết áp cao,....
- Trên 65 tuổi: Người trên 65 tuổi được khuyến nghị khám mắt toàn diện 1 năm/ 1 lần vì đây là độ tuổi có khả năng cao mắc bệnh đục thủy tinh thể cũng như các vấn đề khác liên quan tới sức khỏe mắt do ảnh hưởng của các bệnh lý nền.
Khám mắt định kỳ sẽ bao gồm những gì?
Có khá nhiều người nghĩ rằng khám mắt định kỳ sẽ giống như các buổi kiểm tra thị lực để đo kính thông thường. Tuy nhiên, khám mắt định kỳ sẽ bao gồm nhiều bài kiểm tra khác nhau và tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mắt cũng như yếu tố nguy cơ, người bệnh sẽ được chỉ định thêm các bài kiểm tra bổ sung. Nhìn chung, quy trình khám mắt định kỳ toàn diện thường gồm:
- Đo khúc xạ, nhãn áp tự động
- Kiểm tra thị lực: đánh giá tình trạng thị lực, khả năng nhìn màu sắc, khả năng hợp thị của mắt
- Kiểm tra thị trường
- Khám bán phần sau của mắt (võng mạc )
- Kiểm tra mắt bằng máy sinh hiển vi
Khi nào cần đi kiểm tra mắt ngay?
Việc khám mắt định kỳ là vô cùng quan trọng, thế nhưng nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, người bệnh cần thược thăm khám ngay:
- Mắt mờ, mỏi, thị lực suy giảm: Vấn đề này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, do tiếp xúc thường xuyên với máy tính hay điện thoại, do mắt có thể mắc tật khúc xạ, thủy tinh thể có vấn đề.
- Ngứa mắt có thể là do hiện tượng khô mắt gây nên cũng có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm tại mắt như viêm bờ mi, chắp lẹo sắp mọc.
- Kết mạc mắt có màu đỏ: kết mạc là phần bên trong mí mắt và phần màu trắng của mắt. Nếu kết mạc có màu đỏ thường là dấu hiệu của bệnh viêm kết mạc. Nhiều người bệnh thường tự ý mua thuốc tra mà chưa biết nguyên nhân gây bệnh, khiến cho bệnh lâu khỏi hơn. Khi kết mạc có màu đỏ hãy đến ngay các bệnh viện mắt gần nhất để bác sĩ khám và chẩn đoán.
- Nhìn lóa hay nhìn một thành hai là những dấu hiệu của nhiều bệnh tiềm ẩn như đục thủy tinh thể, võng mạc tiểu đường, lác… do vậy nếu có 1 trong 2 hiện tượng trên thì nên đi khám để nắm bắt chính xác tình trạng bệnh của mắt, tránh để lâu, bệnh sẽ trở nặng và khó kiểm soát.
Kiểm tra mắt định kỳ hàng năm là điều quan trọng nhất có thể làm để ngăn ngừa hoặc điều trị các vấn đề về mắt kịp thời. Thị lực là món quà vô giá, vậy nên đừng chần chừ, hãy bắt đầu tạo cho mình thói quen khám mắt định kỳ để bảo vệ sức khỏe đôi mắt.