GIẢI ĐÁP NHỮNG LO LẮNG LIÊN QUAN TỚI PHẪU THUẬT PHAKIC

29/04/2022

Phẫu thuật Phakic là giải pháp tối ưu để giải phóng những đôi mắt cận, hoặc viễn, loạn thị nặng và giác mạc mỏng khỏi cặp kính dày vướng víu, khôi phục lại thị lực nhanh chóng. Hàng triệu mắt trên khắp thế giới đã khôi phục thị lực thành công với phương pháp phẫu thuật Phakic, tuy nhiên vẫn có rất nhiều bệnh nhân mắc tật khúc xạ chưa thực sự hiểu rõ về phương pháp này. Hãy cùng Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản giải đáp những lo lắng liên quan tới phẫu thuật Phakic. 

Thấu kính có dễ vỡ, xê dịch? 

Thấu kính được chế tạo từ vật liệu mềm dẻo do vậy không thể bị vỡ dưới tác động của lực. Bên cạnh đó, thấu kính nội nhãn sẽ được đặt sâu bên trong mắt và 4 góc thấu kính được cố định chắc chắn vào mặt sau của mống mắt nên kính không thể rơi ra hay xê dịch. Đường mổ nhỏ 2mm trên rìa giác mạc sẽ liền lại nhanh chóng, do vậy không còn “lối thoát” cho chiếc kính nhỏ xíu này. Tất nhiên, những va chạm cực mạnh, gây hại cho cả nhãn cầu nói chung cũng sẽ ảnh hưởng tới thấu kính nội nhãn.

Thấu kính ICL và IPCL có khác biệt không? 

Phẫu thuật Phakic đã được công nhận ở châu  u từ năm 1997 và được Mỹ công nhận vào năm 2005. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều loại kính nội nhãn khác nhau đã được ra đời, trong đó thấu kính Visian ICL do hãng Staar Surgical của Thụy Sĩ sản xuất và thấu kính IPCL do hãng EyeOL của Anh sản xuất là hai loại thấu kính hiện đang được Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản sử dụng trong phẫu thuật Phakic. Visian ICL và IPCL có hai điểm khác biệt lớn nhất là phổ điều trị và thiết kế kính: 

1. Phổ điều trị 

  • Thấu kính Visian ICL: có thể điều trị lên tới 18 độ cận, hoặc 10 diop viễn thị, đi kèm 6 diop loạn thị
  • Thấu kính IPCL: có thể điều trị lên tới 30 độ cận hoặc 15 độ viễn, đi kèm 10 độ loạn thị

2. Chất liệu

  • Thấu kính Visian ICL: Visian ICL được làm từ vật liệu Collamer Hydrophilic. Hợp chất collamer này đặc biệt phù hợp với cơ thể con người: bên ngoài là lớp collagen, bên trong là polymer có độ tương thích sinh học cao, rất mềm dẻo và trong suốt, mỏng khoảng hơn 100 micron. EVO+ Visian ICL thế hệ mới nhất có thiết kế với 5 lỗ lưu thông thủy dịch, hạn chế hiện tượng tăng nhãn áp sau khi phẫu thuật. Vật liệu Collamer tạo nên thấu kính ICL được tích hợp đặc tính chống tia UV giúp tạo nên một hàng rào chống tia UV và bảo vệ mắt tối đa.

thau-kinh-noi-nhan-ICL
ICL được tích hợp đặc tính chống tia UV
  • Thấu kính IPCL: Thấu kính IPCL được chế tạo từ chất liệu tương thích sinh học - Acrylic Copolymer ngậm nước với kết quả an toàn lâu dài đã được chứng minh. IPCL có thiết kế với 7 lỗ lưu thông thủy dịch giúp giảm nguy cơ tăng nhãn áp, tránh phản xạ ánh sáng hoặc tán xạ. IPCL V2.0 sẽ được định cỡ chính xác với đường kính giác mạc, góc quang học đảm bảo khoảng cách tối ưu đối với thủy tinh thể, phù hợp với các bệnh nhân có độ sâu tiền phòng hẹp.

thau-kinh-noi-nhan-IPCL
Thấu kính IPCL với thiết kể 7 lỗ lưu thông thủy dịch

Liệu có bị đục thủy tinh thể sau phẫu thuật? 

Thủy tinh thể tự nhiên là phần trong suốt và nằm phía sau mống mắt, được cấu tạo từ protein và nước. Dưới sự tác động của nhiều yếu tố làm rối loại thành phần protein khiến chúng co cụm và tụ lại thành những vẩn đục mờ dẫn đến đục thủy tinh thể. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 50 tuổi. Theo nghiên cứu nhãn khoa, người bị cận thị có thể có nguy cơ đục thủy tinh thể sớm hơn so với những người có đôi mắt khỏe mạnh bình thường, cho dù trước đó có thực hiện phẫu thuật điều trị tật cận thị hay không. Bệnh đục thủy tinh thể hoàn toàn có thể điều trị triệt để và khôi phục thị lực nhờ phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo hiện đại.

Thấu kính nội nhãn được sử dụng trong phẫu thuật Phakic có kích thước rất nhỏ, mềm, dẻo, khi đưa vào mắt sẽ được đặt ở vị trí là khoảng trống giữa mống mắt và thủy tinh thể mà không hề tác động gì đến thủy tinh thể tự nhiên hay cấu trúc nhãn cầu. Bên cạnh đó, thấu kính còn có các lỗ hỗ trợ lưu thông thủy dịch tốt ( 5 lỗ lưu thông đối với thấu kính Visian ICL và 7 lỗ lưu thông với thấu kính IPCL), hạn chế biến chứng tăng nhãn áp sau phẫu thuật.

Phẫu thuật Phakic đã có mặt trên thế giới hơn 35 năm và được thực hiện ở Việt Nam hơn 10 năm. Nhưng cho đến nay, chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh đục thủy tinh thể là biến chứng của phẫu thuật Phakic. Do vậy, lo lắng việc đục thủy tinh thể do phẫu thuật Phakic là không có căn cứ.

Hiện tượng tăng nhãn áp sau phẫu thuật Phakic có đáng lo ngại?  

Tăng nhãn áp là hiện tượng áp lực bên trong nhãn cầu tăng cao hơn mức bình thường. Có nhiều nguyên nhân có thể gây nên tình trạng tăng nhãn áp, trong đó có thể kể đến nguyên nhân đường đi của thủy dịch bị nghẽn hoặc bị hạn chế, hoặc do thủy dịch sản sinh ra quá nhiều.

Trong phẫu thuật Phakic, thấu kính được đặt vào khoảng trống giữa mặt sau của mống mắt và mặt trước của thủy tinh thể. Trước phẫu thuật, đồng tử được nhỏ giãn hết cỡ phục vụ cho việc phẫu thuật, điều này khiến cho góc tiền phòng tạm thời hẹp hơn lúc mắt bình thường. Bên cạnh đó, trong quá trình phẫu thuật, các chất nhầy sẽ được sử dụng để giúp thuận lợi cho quá trình đẩy thấu kính vào trong mắt. Góc tiền phòng bị hẹp lại, cùng với tác động của kính và các chất nhầy có thể gây cản trở tuần hoàn của thủy dịch, từ đó có thể gây tăng nhãn áp tạm thời sau phẫu thuật. Sau phẫu thuật, các chất nhầy sẽ dần được đào thải ra bên ngoài, đồng tử sẽ co lại và góc tiền phòng sẽ trở lại trạng thái bình thường.

Thấu kính nội nhãn được đặt vào khoảng trống giữa mặt sau của mống mắt và mặt trước của thủy tinh thể

Bệnh nhân có thể cảm thấy đau đầu, buồn nôn hoặc căng tức mắt trong trường hợp bị tăng nhãn áp. Tỷ lệ bệnh nhân gặp phải tình trạng này không cao, và hoàn toàn có thể xử trí được bằng cách sử dụng thuốc hoặc sử dụng thủ thuật để hạ nhãn áp. Nguy cơ tăng nhãn áp thường chỉ xảy ra trong vòng 24h sau phẫu thuật, sau khi được xử lý, tình trạng nhãn áp sẽ ổn định và không gây bất cứ trở ngại gì trong sinh hoạt hàng ngày cho bệnh nhân.

Tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ ở lại bệnh viện từ 3-4 tiếng, hoặc có thể nhiều hơn để theo dõi tình trạng nhãn áp, đảm bảo mắt được ổn định trước khi xuất viện. Bên cạnh đó, lịch tái khám 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm sau phẫu thuật sẽ giúp theo dõi sát sao sức khỏe đôi mắt.

Khả năng tái cận? Nếu tái cận thì giải pháp là gì? 

Phẫu thuật điều trị cận thị có tác dụng triệt tiêu hoàn toàn độ cận của mắt người bệnh tại thời điểm khi bệnh nhân quyết định phẫu thuật, sau khi phẫu thuật xong, mắt bệnh nhân vẫn có thể bị tái cận - mắt bị tăng độ cận trở lại vì nhiều lý do.

Đối với phẫu thuật Phakic, độ cận của người bệnh được xử lý nhờ việc đặt thấu kính nội nhãn có độ khúc xạ phù hợp vào mắt, do vậy người bệnh thay vì đeo kính gọng để nhìn rõ thì sẽ được thay thế bởi cặp thấu kính nội nhãn đặt ẩn sau mống mắt và trước thủy tinh thể. Khi tháo thấu kính ra, mắt người bệnh sẽ trở lại trạng thái cận thị ban đầu, do vậy nếu sau phẫu thuật Phakic, mắt người bệnh tăng độ cận thì sẽ không gọi là tái cận mà đó là tình trạng tiến triển độ cận. Trường hợp có thể tiến triển độ cận sau Phẫu thuật Phakic:

  • Phẫu thuật cận thị trong thời gian chưa đủ tuổi trưởng thành (<18 tuổi) - thời điểm độ cận chưa ổn định.

  • Sử dụng mắt sau phẫu thuật quá tải: Bệnh nhân vẫn duy trì những thói quen xấu dành cho mắt như sử dụng các thiết bị điện tử, làm việc với máy tính hay đọc sách nhiều giờ liền không nghỉ - không cho mắt nghỉ ngơi, thức khuya thường xuyên...

  • Chiều dài trục nhãn cầu thay đổi (dài hơn) hoặc độ cong giác mạc thay đổi sau phẫu thuật do sinh lý của người bệnh hoặc do các bệnh lý khác ở mắt.

  • Mắt tiến triển độ cận sau phẫu thuật Phakic có thể tiếp tục điều trị bằng cách phẫu thuật laser hoặc thay thấu kính khác nếu độ cận cao.

Nếu vẫn còn những băn khoăn cần tháo gỡ, hãy thăm khám trực tiếp tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản để được giải đáp và tư vấn chi tiết hơn. Đăng ký khám chuyên sâu miễn phí trước phẫu thuật khúc xạ vào thứ 4 và thứ 7 hàng tuần TẠI ĐÂY