BIẾN CHỨNG TIỂU ĐƯỜNG TẠI MẮT – NGUY CƠ SUY GIẢM THỊ LỰC NHANH CHÓNG

05/11/2019

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là nhóm bệnh lý nội khoa, do rối loạn chuyển hóa insulin trong cơ thể, dẫn đến lượng đường trong máu cao.  Dự tính đến năm 2030, cả thế giới sẽ có hơn 500 triệu người mắc đái tháo đường và chiếm đến 80% gánh nặng y tế ở các nước thu nhập trung bình – thấp. Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể, bao gồm cả mắt, thận, thần kinh và tim.

Bệnh tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên toàn cơ thể khiến người bệnh có thể phải chạy thận nhân tạo, đoạn chi, các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2 là nhóm có nguy cơ cao mắc biến chứng tại mắt, khiến cho bệnh nhân suy giảm thị lực nhanh chóng, nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời có thể mất thị lực hoàn toàn.

Biến chứng tiểu đường (BCTĐ) tại mắt được ghi nhận bao gồm tăng nhãn áp cao, đục thủy tinh thể và bệnh lý võng mạc. Các bệnh này cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời, ngăn chặn mù lòa. Người bệnh tiểu đường cần lưu ý những sự thay đổi bất thường tại mắt để đi thăm khám.

Các biến chứng tiểu đường tại mắt thường gặp:

biến chứng tiểu đường

1. Tăng nhãn áp

Bệnh nhân tiểu đường tăng 40% nguy cơ bị tăng nhãn áp hơn so với những người không bị tiểu đường. Thời gian mắc bệnh tiểu đường càng lâu, khả năng bị tăng nhãn áp càng nhiều. Bệnh tăng nhãn áp xảy ra khi áp lực tích tụ trong mắt. Trong hầu hết trường hợp, áp lực khiến hệ thống thoát dịch lỏng chậm khiến dịch tích tụ trong tiền phòng. Áp lực chèn ép các mạch máu mang máu đến võng mạc và thần kinh thị giác. Thị lực dần mất đi vì võng mạc và dây thần kinh bị tổn thương.

Bệnh nhân tiểu đường có khả năng mắc bệnh tăng nhãn áp tân mạch. Ở thể này, mạch máu mới phát triển sẽ chặn dòng chảy bình thường của dịch ra khỏi mắt, làm tăng áp lực trong mắt. Bệnh không điều trị triệt để, mà chỉ có thể điều trị làm hạ nhãn áp để ngăn chặn nhãn áp tăng cao, bệnh nhân cũng cần thường xuyên để ý theo dõi nhãn áp của bản thân. Tùy tình trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hoặc thủ thuật làm laser để hạ nhãn áp, nếu không có tác dụng sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bè củng mạc hoặc đặt van Express để làm giảm nhãn áp cho bệnh nhân.

2. Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể hình thành đi kèm bệnh tiểu đường thường xảy ra vì hàm lượng sorbitol dư thừa (một loại đường hình thành từ glucose), tạo thành cặn trong thủy tinh thể. Tình trạng thủy tinh thể đục tiến triển nhanh chóng, gây suy giảm thị lực, nhòa, chói sáng.

Người bệnh tiểu đường bị đục thủy tinh thể vẫn có thể điều trị khôi phục thị lực bằng cách phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo. Tuy nhiên, người bệnh chỉ có thể thực hiện phẫu thuật khi chỉ số đường huyết =< 9 để đảm bảo an toàn cho người bệnh và ca phẫu thuật đạt hiệu quả cao nhất.

3. Bệnh võng mạc tiểu đường

 Võng mạc tiểu đường xảy ra do tình trạng tổn thương mạch máu ở võng mạc mắt. Biến chứng này nguy hiểm và tiến triển phức tạp gây nên các bệnh lý như phù hoàng điểm, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc.

  • Giai đoạn mạch máu chưa tăng sinh: Mắt chưa có triệu chứng rõ rệt, bác sĩ phải chụp đáy mắt để phát hiện bệnh. Tuy nhiên, giai đoạn này có thể xuất hiện chứng phù hoàng điểm với các triệu chứng là mờ mắt, tầm nhìn bị thu hẹp hay hình ảnh nhìn thấy biến đổi khác nhau với hai mắt.
  • Giai đoạn mạch máu tăng sinh: Giai đoạn này tầm nhìn của người bệnh sẽ bị hạn chế đáng kể, mắt có thể bị đau, đỏ, nhức hốc mắt. Nếu nặng hơn sẽ xuất hiện những vệt máu và đốm đỏ trôi nổi trong tầm nhìn thậm chí có thể bị xuất huyết.

biến chứng tiểu đường

Để phòng ngừa bệnh, cần kiểm soát đường máu và phối hợp điều trị bệnh tiểu đường. Thăm khám mắt định kỳ 3-6 tháng/ lần để phát hiện sớm các dấu hiện của bệnh và điều trị kịp thời trước khi thị lực bị ảnh hưởng, điều này giúp bảo vệ thị lực ngăn ngừa mù lòa. Hiện nay có ba phương pháp chính để điều trị hiệu quả bệnh võng mạc tiểu đường, là điều trị bằng laser, tiêm Anti-VEGF nội nhãn, và phẫu thuật cắt dịch kính.

Cách tốt nhất để phòng, chống các biến chứng về mắt, đặc biệt là bệnh lý võng mạc là người bệnh cần kiểm soát tốt và tích cực đường huyết ngay từ khi mới phát hiện bệnh tiểu đường và thay đổi lối sống sao cho phù hợp với bệnh lý và sức khỏe cơ thể.

Những lưu ý dưới đây sẽ giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát bệnh hiệu quả hơn và chủ động trước những biến chứng do tiểu đường gây nên:

  • Kiểm soát đường huyết, huyết áp và cholesterol máu.
  • Thực hiện lối sống lành mạnh:

+ Duy trì cân nặng và chế độ dinh dưỡng hợp lý

+ Không nên hút thuốc lá

+ Vận động và tập thể dục đều đặn, phù hợp với tình trạng sức khỏe

  • Sử dụng các công cụ hỗ trợ thị lực như kính
  • Chủ động thăm khám và kiểm tra tình trạng thị lực:

+ Khám mắt chuyên khoa định kỳ

+ Liên hệ ngay với bác sĩ nếu cảm thất thị lực có sự thay đổi bất thường.

+ Kết hợp điều trị bệnh tiểu đường và bệnh tại mắt (nếu có)

+ Nếu đang điều trị biến chứng tiểu đường tại mắt, cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Thay đổi lối sống lành mạnh hơn, kiểm soát tốt các chỉ số đường huyết cũng như chủ động trước các yếu tố nguy cơ gây biến chứng giúp làm chậm tiến triển ảnh hưởng thị lực của người bệnh tiểu đường. Trong trường hợp biến chứng tại mắt được chẩn đoán và điều trị sớm bằng các phương pháp phù hợp, thị lực người bệnh có thể được duy trì, thậm chí được cải thiện.