BỆNH TIỂU ĐƯỜNG ẢNH HƯỞNG TỚI THỊ LỰC NHƯ THẾ NÀO?
Bệnh tiểu đường là một trong những bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên toàn cơ thể, trong đó các bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2 có nguy cơ gặp các biến chứng ở mắt gây suy giảm thị lực nhanh chóng, nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể mất thị lực hoàn toàn.
Trong bài viết dưới đây, Bệnh viện mắt quốc tế Nhận Bản xin chỉ ra 4 vấn đề về thị lực gây ra bởi bệnh tiểu đường
1. Nhìn mờ
Việc thị lực trở nên mờ đi có thể là một trong những biến chứng ở mắt đầu tiên của bệnh tiểu đường. Giai đoạn ban đầu, việc nhìn mờ có thể là do lượng đường trong máu cao hơn dẫn tới thể thủy tinh phồng lên và làm thay đổi khả năng nhìn của người bệnh.
Để cải thiện tình trạng này, bệnh nhân cần phải điều chỉnh lượng đường trong máu trở lại ngưỡng cho phép ( 70-130 milligram mỗi deciliter, hoặc mg / dL, trước bữa ăn và dưới 180 mg / dL từ 1 đến 2 giờ sau bữa ăn). Có thể sẽ phải mất tới 3 tháng để thị lực được khôi phục lại như ban đầu. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần tới các cơ sở chuyên khoa mắt để thăm khám khi nhận thấy thị lực của mình suy giảm vì đây có thể là triệu chứng ban đầu của những bệnh lý nghiêm trọng hơn.
2. Đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể hình thành đi kèm bệnh tiểu đường thường xảy ra vì hàm lượng sorbitol dư thừa (một loại đường hình thành từ glucose), tạo thành cặn trong thủy tinh thể. Đặc biệt ở người mắc bệnh tiểu đường, tình trạng đục thủy tinh thể tiến triển rất nhanh chóng và gây suy giảm thị lực nghiêm trọng.
Người bệnh tiểu đường bị đục thủy tinh thể vẫn có thể điều trị khôi phục thị lực bằng cách phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo. Tuy nhiên, người bệnh chỉ có thể thực hiện phẫu thuật khi chỉ số đường huyết =< 10 để đảm bảo an toàn cho người bệnh và ca phẫu thuật đạt hiệu quả cao nhất.
3. Glocom
Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc bệnh lý glocom cao hơn người bình thường khoảng 40%. Trong hầu hết trường hợp, áp lực khiến hệ thống thoát dịch lỏng chậm khiến dịch tích tụ trong tiền phòng từ đó gây ra tổn thương cho các mạch máu, thần kinh thị giác, thị lực vì thế dần dần mất đi.
Đối với glocom góc mở, bệnh có thể điều trị bằng thuốc giúp giảm nhãn áp ở mắt và tăng tốc độ thoát thủy dịch. Ở giai đoạn đầu glocom góc mở có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng gì vậy nên việc kiểm tra mắt định kỳ là vô cùng quan trọng đối bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.
Bên cạnh đó, bệnh nhân tiểu đường có khả năng mắc bệnh tăng nhãn áp do mạch máu mới hình thành (glocom tân mạch). Ở thể này, mạch máu mới phát triển sẽ chặn dòng chảy bình thường của dịch ra khỏi mắt, làm tăng áp lực trong mắt. Tùy tình trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định tiêm nội nhãn hoặc thủ thuật làm laser để hạ nhãn áp, nếu không có tác dụng sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bè củng mạc hoặc đặt van Express để làm giảm nhãn áp cho bệnh nhân.
4. Bệnh võng mạc tiểu đường
Bệnh lý võng mạc là một biến chứng thường gặp trên người bệnh tiểu đường, gây ra do tình trạng tổn thương mạch máu ở võng mạc mắt. Bệnh có thể tiến triển nhanh và gây mất thị lực nếu không được phát hiện, điều trị và kiểm soát kịp thời.
- Giai đoạn sớm: Ở giai đoạn này thành mạch máu bị yếu, các chất trong máu và máu có thể thấm qua thành mạch gây ra các đốm xuất tiết. Khi bệnh tiến triển nặng hơn nữa các mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn, gây thiếu máu từng vùng ở võng mạc, có thể xuất hiện phù hoàng điểm.
- Giai đoạn muộn: Ở giai đoạn này các mạch mới (tăng sinh tăng mạch) được tạo ra do võng mạc bị thiếu máu và ảnh hưởng của tăng glucose huyết. Tuy nhiên, các mạch máu mới này thường phát triển không đúng vị trí, thành mạch cũng rất yếu dẫn tới chảy máu vào thể kính, các mô sẹo do tăng sinh tăng mạch cũng có thể dẫn tới bong võng mạc. Hơn nữa, các mạch máu mới tạo này phát triển vào đường dẫn lưu của dịch đi ra khỏi nhãn cầu, áp lực có thể tăng lên trong nhãn cầu gây ra tăng nhãn áp. Điều này có thể gây tổn thương dây thần kinh dẫn truyền hình ảnh từ mắt đến bộ não.
Phòng tránh biến chứng tiểu đường tại mắt:
Những lưu ý dưới đây sẽ giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát hiệu quả hơn bệnh của mình và chủ động trước những biến chứng do tiểu đường gây nên:
- Kiểm soát đường huyết, huyết áp và cholesterol máu.
- Thay đổi lối sống lành mạnh:
- Duy trì cân nặng và chế độ dinh dưỡng hợp lý
- Không nên hút thuốc lá
- Vận động và tập thể dục đều đặn, phù hợp với tình trạng sức khỏe
- Sử dụng các công cụ hỗ trợ thị lực như kính
- Chủ động kiểm tra thị lực:
- Khám mắt chuyên khoa định kỳ
- Liên hệ ngay với bác sĩ nếu cảm thấy thị lực có sự thay đổi bất thường.
- Kết hợp điều trị bệnh tiểu đường và bệnh tại mắt (nếu có)
- Nếu đang điều trị biến chứng tiểu đường tại mắt, cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Thay đổi lối sống lành mạnh hơn, kiểm soát tốt các chỉ số đường huyết cũng như chủ động trước các yếu tố nguy cơ gây biến chứng giúp làm chậm tiến triển ảnh hưởng thị lực của người bệnh tiểu đường. Trong trường hợp biến chứng tại mắt được chẩn đoán và điều trị sớm bằng các phương pháp phù hợp, thị lực người bệnh có thể được duy trì, thậm chí được cải thiện.
Đón đầu công nghệ nhãn khoa tiên tiến, với đội ngũ bác sĩ và chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm, JIEH đã áp dụng thành công các kỹ thuật hiện đại trong điều trị các bệnh về mắt do tiểu đường. Bên cạnh đó, các gói khám được thiết kế theo tiêu chuẩn Nhật Bản, cung cấp các bước thăm khám, kiểm tra tổng quát để đánh giá tình trạng của mắt, giúp phát hiện sớm các biến chứng ở mắt do tiểu đường từ đó nắm bắt thời điểm vàng trong điều trị.