THUỐC TRA MẮT HẠN CHẾ GIA TĂNG ĐỘ CẬN Ở TRẺ EM

16/06/2020

Tật khúc xạ ở trẻ nhỏ là một trong những vấn đề cần quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ, nhất là trong thời điểm tật cận thị học đường hiện đang gia tăng nhanh chóng tại nhiều nước trên thế giới. Cận thị không chỉ đơn thuần làm giảm thị lực mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt như gây nên các bệnh lý võng mạc do tăng độ cận nhanh. Đây chính là mối lo của những người mắc tật cận thị nói riêng và là thách thức đặt ra cho các chuyên gia nhãn khoa nói chung trong việc nghiên cứu ra các phương pháp hạn chế gia tăng độ cận thị.

Cận thị ở trẻ nhỏ thường đáng lo ngại hơn ở người lớn, do trẻ còn phát triển nên độ cận cũng sẽ tăng nhanh, đặc biệt vào giai đoạn dậy thì, bên cạnh đó trẻ cũng chưa có ý thức giữ gìn cho mắt để hạn chế việc độ cận. Trước thực trạng đó, các chuyên gia nhãn khoa Singapore đã nghiên cứu thực nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa Atropin có tác dụng hạn chế gia tăng độ cận ở trẻ em. Dưới đây là một số thông tin về loại thuốc này từ bài báo của các chuyên gia được đăng trên tạp chí của Viện Hàn Lâm Nhãn Khoa Hoa Kỳ:

1. Độ tuổi và đối tượng sử dụng thuốc

Thuốc tra mắt với thành phần Atropin 0.01% được sử dụng để hạn chế gia tăng độ cận ở trẻ em trong độ tuổi từ 6-12, có độ cận tối thiểu -0.50 Diop, với độ cận gia tăng tối thiểu -0.50 Diop trong vòng 6 tháng trước đó. Trẻ 5 tuổi đang được nghiên cứu. Trẻ dưới 5 tuổi hiện chưa có nghiên cứu.

Thuốc chỉ có hiệu quả đối với trẻ có độ cận thị tiến triển (có hoặc không kèm loạn thị). Tuyệt đối không dùng cho trẻ bị viễn thị vì atropine 0.01% ức chế sự phát triển chiều dài của trục nhãn cầu trong khi chiều dài trục nhãn cầu tăng sẽ giúp mắt bé giảm dần độ viễn thị. Còn các bé bị nhược thị thì phải thận trọng vì có thể làm giảm kết quả điều trị nhược thị.

2. Liều dùng

Thuốc chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tra mắt. Do đó khi trẻ bị cận thị, cha mẹ cần cho bé đi khám thị lực tại các cơ sở chuyên khoa uy tín và chú ý thăm khám định kỳ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để theo dõi được tình trạng mắt của trẻ một cách chính xác nhất.

Liều dùng thuốc: Nhỏ vào mỗi mắt bị cận thị liều 1 giọt 1 lần / ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ.

3. Tác dụng của thuốc

Dựa trên nghiên cứu thực tế (nghiên cứu ATOM1 và ATOM2 của Gs. Donald Tan), độ cận thị ở trẻ em từ 6-12 tuổi tăng chậm lại 50% so với tăng tự nhiên sau 2 năm điều trị, 100% trẻ trong nghiên cứu ghi nhận tác dụng. Các chuyên gia khuyến cáo tra mắt hàng ngày và liên tục trong tối thiểu 6 tháng rồi theo dõi hiệu quả và tác dụng phụ. Sau đó tra duy trì tới 2 năm hoặc tới tận năm 18 tuổi (khi chiều cao đã tăng chậm lại).

4. Tác dụng phụ

  • Tác dụng tại mắt: Bệnh nhân thường nhìn gần mờ vào buổi sáng do giãn đồng tử, tác dụng thay đổi theo màu mắt, tác dụng này sẽ hết khoảng 1-2 giờ sau khi thức dậy. Nguyên nhân là do atropin nồng độ thấp ảnh hưởng nhất định đến kích thước đồng tử, khả năng điều tiết và nhìn gần. Theo Gs. Donald Tan, mức độ giãn đồng tử trung bình trong nghiên cứu ATOM2 là 1mm, có nghĩa là hầu hết người sử dụng không cần phải dùng đến kính hai tròng hoặc kính râm để nhìn gần và giảm chói mắt. Thêm vào đó, khả năng điều tiết giảm khi sử dụng atropin 0.01% chỉ khoảng 4.0 Diop (trẻ con có thể điều tiết tới 14.0 Diop).
  • Chưa ghi nhận tác dụng phụ toàn thân và rất hiếm gặp phản ứng dị ứng.

Tuy atropin 0.01% có tác dụng rõ rệt trong việc hạn chế gia tăng độ cận thị ở trẻ nhưng việc sử dụng thuốc  cho chỉ định điều trị này vẫn chưa được phê duyệt chính thức (Off-label use) nên nếu cha mẹ có ý định sử dụng thuốc này cho con thì cần được khám và tư vấn từ các bác sỹ chuyên khoa trước khi dùng.