TRA LIỆT ĐIỀU TIẾT TRONG KIỂM TRA THỊ LỰC CHO TRẺ
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trẻ em được tiếp xúc với các thiết bị điện tử như máy vi tính, điện thoại, tivi sớm hơn. Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử và thói quen sử dụng các thiết bị đó quá lâu khiến mắt trẻ dễ bị nhức mỏi, và mắc các tật khúc xạ. Bên cạnh đó, việc học tập căng thẳng cùng với các yếu tố như môi trường khói bụi, ánh sáng mặt trời, hóa chất cũng là lý do khiến cho đôi mắt trẻ yếu đi nhanh hơn. Tình trạng tăng nhanh tật khúc xạ ở lứa tuổi học đường trong những năm gần đây là minh chứng cho thực trạng này.
Theo ước tính của Viện Nhãn Khoa Mỹ, tới năm 2050 sẽ có hơn 4 tỷ người có thể mắc tật khúc xạ (chiếm 9,8% dân số thế giới). Tình hình thị lực của người dân Việt Nam cũng không khả quan hơn với khoảng 15-40% dân số tương ứng 14-36 triệu người mắc các tật về khúc xạ. Các tật cận thị, loạn thị và viễn thị không chỉ mang lại những bất tiện trong sinh hoạt và học tập cho trẻ mà cận thị nặng còn là có thể dẫn đến nhiều bệnh lý về võng mạc, gây suy giảm thị lực trầm trọng nếu không được phát hiện sớm.
Thị lực của trẻ em được phát triển đầy đủ là tình trạng hình ảnh hội tụ trên võng mạc (kích thích thị giác) kéo dài. Nếu trong quá trình sinh trưởng ở trẻ có sự bất thường thị giác như cận thị, viễn thị, loạn thị, thì thị lực sẽ không được phát triển bình thường.
Khi nói đến thị lưc, bình thường chúng ta thường nghĩ tới thị lực không kính. Tuy nhiên, trong nhãn khoa, khái niệm thị lực bao gồm “Thị lực không kính” và “Thị lực chỉnh kính” (khi kính gọng hoặc Contact lens). Khi cắt kính, cơ sở quyết định độ kính trong đơn là kết quả “Thị lực chỉnh kính tối đa” mà người bệnh đạt được khi kiểm tra thị lực với kính.
Khả năng điểu tiết là khả năng điều chỉnh tiêu cự của mắt giúp chúng ta nhìn rõ nét vật ở trước mắt. So với người lớn, khả năng điều tiết của trẻ lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt, trẻ em đang trong quá trình phát triển sẽ có khả năng điều tiết rất lớn nên rất khó xác định độ khúc xạ chính xác. Vì vậy, trẻ em viễn thị vẫn có khả năng nhìn gần tốt do sử dụng lực điều tiết của mắt. Tuy nhiên, do điều tiết quá nhiều nên các cơ hỗ trợ điều tiết bị co quắp, dẫn đến tình trạng co gắp điều tiết. Trong những trường hợp này, độ viễn thị đo được có thể thấp hơn độ viễn thị thực tế hoặc độ cận thị đo được cao hơn so với độ cận thực tế, và thị lực chỉnh kính có thể không cao.
Để giảm bớt ảnh hưởng của lực điều tiết này lên độ khúc xạ, các nhân viên y tế cần sử dụng 1 loại thuốc có tác dụng liệt điều tiết (LĐT) của mắt. Việc tra thuốc liệt điều tiết sẽ giúp nhân viên y tế xác định được chính xác độ khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) của mắt trẻ em.
Khi nào cần tra thuốc liệt điều tiết:
Trẻ sử dụng kính không phù hợp có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc như: suy giảm thị lực, nhược thị... Nếu không phát hiện sớm có thể không khắc phục được trong tương lai. Việc kiểm tra kỹ lưỡng là điều cực kỳ cần thiết. Những trường hợp sau đây cần được tra thuốc LĐT khi kiểm tra thị lực:
- Khi trẻ cắt kính lần đầu.
- Khi trẻ đã đeo kính nhưng độ khúc xạ mới chênh lệch nhiều so với kính cũ.
Thông thường, thuốc liệt điều tiết sẽ có tác dụng sau 45-60 phút, sau đó trẻ sẽ được kiểm tra thị lực để tìm được độ khúc xạ chính xác nhất và đeo thử kính phù hợp trước khi được cấp đơn kính. Khi thuốc LĐT phát huy tác dụng, trẻ sẽ khó nhìn gần, có thể ảnh hưởng đến việc học tập. Thời gian ảnh hưởng tùy thuộc vào loại thuốc từ 4-6 tiếng, có loại có tác dụng từ 2-3 ngày hoặc 14-15 ngày. Tùy vào tình trạng điều tiết của từng trẻ mà Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng 1 hoặc phối hợp 2, 3 thuốc liệt điều tiết. Trong trường hợp này có thể tác dụng của thuốc sẽ mạnh hơn, gây nhìn mờ lâu hơn.
Tác dụng gây mờ mắt sau tra thuốc là hoàn toàn bình thường, không có hại gì cho mắt. Khi đã nhỏ LĐT thì tầm nhìn sẽ không giống như bình thường nên kính cũ hoặc contact lens cũng tạm thời không còn phù hợp. Tùy vào loại thuốc LĐT được chỉ định mà đơn kính có thể được cấp trong ngày hoặc sẽ phải hẹn một ngày khác.
Quy trình thử thị lực và tra thuốc liệt điều tiết tại Bệnh viện mắt Quốc tế Nhật Bản:
- Đo khúc xạ trước tra LĐT
- Kiểm tra thị lực trước LĐT
- Thử đeo kính đi lại
- Nhỏ thuốc 3 lần , cách nhau từ 3-5 phút
- Ngồi đợi sau 45-60 phút các cháu được đo lại và có kết quả (khuyến khích trẻ ngồi nhắm mắt để thuốc nhanh phát huy tác tác dụng).
- Chụp khúc xạ sau LĐT (sau 45-60 phút).
- Kiểm tra lại thị lực sau LĐT (đối với trường hợp trước LĐT thị lực chỉnh kính tối đa không cao).
- Kết luận xem trẻ có cần đeo kính hay không.
Việc tra thuốc liệt điều tiết không có hại gì cho mắt, mọi tác dụng như mờ mắt chỉ là tạm thời. Trẻ em được tra thuốc LĐT khi thăm khám thị lực nhằm mục đích giúp Bác sĩ chẩn đoán đúng tật khúc xạ và chỉ số khúc xạ của trẻ, nhờ vậy trẻ sẽ được đeo kính đúng độ khúc xạ và phù hợp với thể trạng, hỗ trợ cải thiện thị lực và giúp tâm lý trẻ thoải mái khi đeo kính.