TĂNG NHÃN ÁP LÀ GÌ? CÓ PHẢI TĂNG NHÃN ÁP LÀ BỊ GLÔCÔM (CƯỜM NƯỚC)? HỎI ĐÁP CÙNG CHUYÊN GIA ĐẦU NGÀNH TS. BS VŨ ANH TUẤN
Glôcôm (cườm nước) là một căn bệnh gây tổn hại thần kinh và mất thị trường, âm thầm làm suy giảm thị lực, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến mù lòa. Chính vì đặc trưng thủy dịch (chất lỏng trong mắt) bị tắc nghẽn, mà bệnh Glôcôm thường được nhắc đến cùng với hiện tượng tăng nhãn áp (áp lực bên trong mắt tăng). Để hiểu rõ về mối liên hệ giữa tăng nhãn áp và bệnh Glôcôm, hãy cùng lắng nghe chia sẻ từ TS. BS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản - Chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điều trị Glôcôm tại Việt Nam.
Tăng nhãn áp là gì?
TS. BS Vũ Anh Tuấn cho biết, tăng nhãn áp là hiện tượng áp suất bên trong nhãn cầu cao hơn mức bình thường. Áp suất này được tạo nên bởi lượng thủy dịch có trong mắt và khả năng thoát thủy dịch ra ngoài. Nếu thủy dịch bị tắc nghẽn hoặc có số lượng quá lớn, áp suất trong mắt sẽ tăng (tăng nhãn áp), từ đó gây tổn thương dây thần kinh thị giác và các cấu trúc khác của mắt.
Mức nhãn áp bình thường dao động từ 8 - 21 mmHg. Khi nhãn áp liên tục vượt quá ngưỡng này, người bệnh được coi là bị tăng nhãn áp.
Khi bị tăng nhãn áp, người bệnh sẽ có một số biểu hiện như:
- Đau mắt dữ dội, có thể lan lên vùng đầu.
- Mắt đỏ, căng tức.
- Nhạy cảm với ánh sáng, nhìn thấy quầng sáng.
- Buồn nôn.
- Thị lực giảm đột ngột.
Có phải tăng nhãn áp là bị Glôcôm (cườm nước)?
Một số người thường lầm tưởng rằng tình trạng tăng nhãn áp đồng nghĩa với việc mắc bệnh Glôcôm. Trên thực tế, tăng nhãn áp có thể là dấu hiệu của bệnh Glôcôm hoặc có nguy cơ cao phát triển thành bệnh Glôcôm.
Tuy nhiên, theo TS. BS Vũ Anh Tuấn, không phải tất cả bệnh nhân tăng nhãn áp đều mắc Glôcôm. Do đây là một bệnh lý phức tạp, một số trường hợp Glôcôm xảy ra ở người có nhãn áp bình thường, đặc biệt là thể bệnh Glôcôm mãn tính.
Làm thế nào để phân biệt bệnh Glôcôm với tình trạng tăng nhãn áp?
Bệnh nhân cần phân biệt được điểm khác nhau giữa tình trạng tăng nhãn áp và bệnh Glôcôm như sau:
- Tăng nhãn áp: Triệu chứng có thể xuất hiện độc lập, hoặc đi kèm với nhiều bệnh lý mắt khác (chấn thương mắt, viêm màng bồ đào, tác dụng phụ của thuốc corticosteroid, biến chứng sau mổ mắt,...), không chỉ bao gồm Glôcôm.
- Glôcôm: Bệnh lý gây ra những tổn thương không thể hồi phục ở mắt, được chẩn đoán dựa trên 3 yếu tố là nhãn áp, tình trạng đầu thị thần kinh và thị trường.
Do vậy nhãn áp chỉ được coi là một yếu tố tham khảo khi chẩn đoán bệnh Glôcôm. Khi có dấu hiệu tăng nhãn áp, bệnh nhân cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt, để được kiểm tra kỹ lưỡng, chẩn đoán tình trạng bệnh chính xác và có phương án điều trị kịp thời.
>>> Đăng ký khám mắt cùng TS. BS Vũ Anh Tuấn (chỉ từ 500.000đ) tại đây.
Để chẩn đoán bệnh Glôcôm chính xác và phân biệt với tình trạng tăng nhãn áp, TS. BS Vũ Anh Tuấn cho biết người bệnh cần thực hiện một số bài kiểm tra như sau:
- Đo nhãn áp không tiếp xúc bằng hệ thống máy móc hiện đại, đánh giá tình trạng nhãn áp tại thời điểm thăm khám.
- Kiểm tra thị lực nhằm đánh giá sức nhìn tối đa của mắt và mức độ ảnh hưởng của bệnh Glôcôm (nếu có).
- Kiểm tra đầu dây thần kinh thị giác bằng phương pháp soi đáy mắt hoặc chẩn đoán hình ảnh.
- Kiểm tra thị trường nhằm phát hiện các tổn thương thị trường và theo dõi tiến triển của bệnh Glôcôm.
Cần làm gì để xử lý và phòng tránh tình trạng tăng nhãn áp?
Để xử lý tình trạng tăng nhãn áp, bảo vệ thị lực và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ thực hiện một số biện pháp như tra thuốc nhỏ mắt, sử dụng thủ thuật để hạ nhãn áp. Đặc biệt, TS. BS Vũ Anh Tuấn khuyến khích những người từng bị tăng nhãn áp nên duy trì việc thăm khám thường xuyên, tối thiểu 1 năm 1 lần, để tầm soát bệnh Glôcôm và bảo vệ thị lực hiệu quả.
Để phòng tránh tăng nhãn áp, bệnh nhân có thể tham khảo một số cách như:
- Tránh căng thẳng và mệt mỏi kéo dài.
- Không lạm dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticosteroid.
- Kiểm soát các bệnh lý liên quan như viêm nhiễm mắt.
- Đeo kính bảo hộ khi cần thiết.
Tăng nhãn áp không chỉ là một hiện tượng đơn thuần, mà còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý khác tại mắt, trong đó có bệnh Glôcôm. Việc hiểu rõ về tình trạng này sẽ giúp bệnh nhân phát hiện và điều trị bệnh kịp thời (nếu có), từ đó bảo vệ đôi mắt tốt hơn.