Viêm màng bồ đào – Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm màng bồ đào là gì?

Màng bồ đào được cấu tạo bởi ba thành phần: mống mắt phía trước, thể mi ở giữa và hắc mạc (màng mạch). Bệnh lý viêm của ít nhất một trong ba vị trí trên gọi là bệnh viêm màng bồ đào.

viem-mang-bo-dao

Viêm màng bồ đào là một bệnh mắt khá phổ biến trên thế giới thường gặp ở mọi lứa tuổi, bênh có căn nguyên phức tạp, thường gây ra những tổn thương nặng nề, nhiều biến chứng, hay tái phát và có thể dẫn đến mù loà nếu không được điều trị kịp thời hoặc không kiên trì trong quá trình điều trị. 

Phân loại viêm màng bồ đào

 Viêm màng bồ đào được phân loại về mặt giải phẫu thành

•    Viêm màng bồ đào trước:Khu trú ở tiền phòng bao gồm viêm mống mắt (phản ứng viêm trong tiền phòng) và viêm mống mắt thể mi (phản ứng viêm trong tiền phòng và dịch kính trước)
•    Viêm màng bồ đào trung gian: Được khu trú vào khoang dịch kính và / hoặc phần sau thể mi.
•    Viêm màng bồ đào sau: Bất kỳ hình thái viêm võng mạc, viêm hắc mạc, hoặc viêm gai thị
•    Viêm màng bồ đào lan tỏa: Viêm màng bồ đào trước, trung gian và sau
Viêm màng bồ đào cũng được phân loại theo tính chất khởi phát (đột ngột hoặc từ từ), thời gian (giới hạn hoặc kéo dài), và diễn biến (cấp tính, tái phát, hoặc mãn tính)

Nguyên nhân của viêm màng bồ đào

 Viêm màng bồ đào là một bệnh do nhiều nguyên nhân phức tạp gây nên. Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm màng bồ đào như sau:

•    Do viêm nhiễm: Viêm nhiễm có thể do vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng, nhiễm trùng sau phẫu thật nhãn khoa
•    Do nhiễm độc: từ thức ăn, hóa chất…
•    Do bệnh tự miễn
•    Do chấn thương vào mắt
•    Thứ phát từ các bệnh toàn thân: Bệnh da liễu, bệnh nhiễm trùng huyết, bệnh viêm khớp liên quan đến cột sống, viêm khớp thiếu niên vô căn…
•    Viêm màng bồ đào chưa rõ nguyên nhân.

Triệu chứng của viêm màng bồ đào

Triệu chứng của bệnh viêm màng bồ đào có thể kín đáo và khác nhau tùy thuộc vào vị trí và mức độ nặng của viêm.

Viêm màng bồ đào trước có xu hướng có biểu hiện triệu chứng rõ nhất (đặc biệt ở giai đoạn cấp tính), thường biểu hiện bằng:
•    Đau (đau mắt)
•    Đỏ mắt
•    Sợ ánh sáng
•    Giảm thị lực (ở nhiều mức độ)

Viêm màng bồ đào mạn tính có thể ít có các triệu chứng rầm rộ hơn và biểu hiện kích ứng hoặc giảm thị lực.

Viêm màng bồ đào trung gian thường không đau và biểu hiện với
•    Ruồi bay
•    Giảm thị lực

Viêm màng bồ đào sau có thể gây ra các triệu chứng khác nhau nhưng phổ biến nhất là vẩn đục dịch kính và thị lực giảm như trong viêm màng bồ đào trung gian.

Viêm màng bồ đào lan tỏa có thể biểu hiện bất cứ triệu chứng cơ năng và thực thể nào của các hình thái phía trước.

Điều trị viêm màng bồ đào

Điều trị viêm màng bồ đào sẽ phụ thuộc nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh của từng người bệnh

•    Điều trị bằng nội khoa:

Với viêm màng bồ đào trước: cho nhỏ thuốc làm dãn đồng tử, chống dính đồng tử
Với viêm màng bồ đào nói chung, việc sử dụng thuốc sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Một số thuốc có thể được lựa chọn như: thuốc chống viêm steroid dạng thuốc uống, nhỏ mắt, tiêm; thuốc điều trị nhiễm trùng (chủ yếu là các loại kháng sinh); thuốc kháng virus; thuốc chống viêm.

•    Điều trị bằng ngoại khoa:

Với một số trường hợp diễn biến bệnh xấu hơn, hoặc viêm nhiễm nặng, tái đi tái lại nhiều lần làm ảnh hưởng đến thị lực, sử dụng thuốc không có hiệu quả thì cần phải can thiệp bằng laze quang đông, lạnh đông xuyên củng mạc cho võng mạc chu biên, hoặc phẫu thuật cắt dịch kính.

Phẫu thuật chủ yếu để điều trị biến chứng viêm màng bồ đào (tùy từng tình trạng bệnh)
•    Phẫu thuật thay thuỷ tinh: đối với biến chứng đục thủy tinh thể
•    Phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp: đối với biến chứng tăng nhãn áp
•    Phẫu thuật cắt dịch kính: Đối với biến chứng về võng mạc
•    Phẫu thuật bong võng mạc: Đối với biến chứng về võng mạc

Biến chứng của viêm màng bồ đào

Viêm màng bồ đào là một bệnh không lây, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì biến chứng để lại vô cùng nghiêm trọng; nó có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, thậm chí teo nhãn cầu, nguy cơ mù lòa rất lớn.

•    Tăng nhãn áp: Tăng nhãn áp là biến chứng khá phổ biến của viêm màng bồ đào trước, tăng nhãn áp trong đợt viêm cấp là do nghẽn đồng tử, nghẽn góc tiền phòng. Tăng nhãn áp trong viêm màng bồ đào cũ là do dính góc tiền phòng hoặc dính bít đồng tử hoặc do tân mạch mống mắt (Glaucoma tân mạch). Ngoài ra cũng phải kể đến tăng nhãn áp do dùng kéo dài thuốc Corticoid trong điều trị bệnh viêm màng bồ đào.
•    Hạ nhãn áp (áp lực nội nhãn quá thấp để duy trì áp lực nội nhãn)
•    Đục thể thuỷ tinh: Đục thể thuỷ tinh thường gặp trong viêm mống mắt thể mi mạn tính hoặc tái phát, là biến chứng của chính quá trình viêm hoặc do điều trị Corticoid kéo dài.
•    Phù hoàng điểm dạng nang: Viêm màng bồ đào trung gian hoặc viêm hắc mạc có thể gây biến chứng phù hoàng điểm dạng nang làm giảm thị lực.
•    Teo nhãn cầu: Trong viêm mống mắt thể mi nặng, thể mi giảm tiết thuỷ dịch vĩnh viễn dẫn đến teo nhãn cầu.
•    Tổ chức hoá dịch kính: Dịch kính đục, tổ chức hoá làm giảm thị lực; bong dịch kính sau có thể co kéo gây thoái hoá, bong võng mạc.
•    Bong võng mạc: Viêm màng bồ đào sau có thể gây bong võng mạc do xơ dịch kính, co kéo
•    Biến chứng khác: Màng trước võng mạc, Tân mạch dưới võng mạc.

Cách phòng ngừa

•    Bệnh viêm màng bồ đào do tự miễn không phòng ngừa được
•    Bệnh viêm màng bồ đào do nhiễm ký sinh trùng phòng ngừa bằng cách: chú ý giữ vệ sinh tay sạch sẽ , chỉ ăn chín, uống sôi, tránh ăn các món gỏi để tránh nhiễm ấu trùng giun, sán. Ngoài ra, không rửa mặt bằng nguồn nước ô nhiễm, bảo vệ mắt bằng kính khi tiếp xúc với môi trường khói bụi. Khi có các dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời.
•    Nếu phát hiện bị viêm màng bồ đào, người bệnh cần kiên trì điều trị vì bệnh này dễ hay tái phát nên người bệnh cần gắn bó với cơ sở nhãn khoa lâu dài.