SỰ KHÁC NHAU GIỮA ĐỤC THỦY TINH THỂ VÀ GLÔCÔM
Khi chúng ta già đi, mắt của chúng ta, giống như bất kỳ bộ phận nào khác của cơ thể, trở nên dễ mắc bệnh. Các vấn đề liên quan đến thị lực phổ biến nhất ở người lớn tuổi là bệnh glôcôm và đục thủy tinh thể. Trên thực tế, đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng bệnh đục thủy tinh thể chiếm tới 51% nguyên nhân gây mất thị lực trên thế giới. Trong khi đó, có khoảng 80 triệu người trên thế giới vào năm 2020 mắc bệnh glôcôm và con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 111 triệu vào năm 2040.
Mặc dù glôcôm và đục thủy tinh thể là hai bệnh lý phổ biến, tuy nhiên nhân thức về hai bệnh lý này vẫn còn rất ít. Cùng tìm hiểu kĩ hơn về điểm giống và khác nhau cũng như những ảnh hưởng từ hai bệnh lý này tới thị lực trong bài viết dưới đây.
Glôcôm là bệnh lý như thế nào?
Glôcôm (dân gian còn gọi là bệnh cườm nước) là một bệnh lý do tổn thương tiến triển các tế bào hạch võng mạc, đặc trưng bởi tổn thương thị trường và đầu dây thần kinh thị giác, thường liên quan đến tình trạng nhãn áp (áp lực bên trong mắt) tăng. Glôcôm thường được phân loại thành 2 thể là glôcôm góc mở và glôcôm góc đóng. Glôcôm đóng thường xảy ra do tượng nghẽn đồng tử, khiến thủy dịch (một chất lỏng tự nhiên được sản xuất liên tục ở mặt trước của mắt) bị cản trở không lưu thông, gây nên tình trạng nhãn áp trong mắt tăng cao. Trong khi đó, glôcôm góc mở thường do quá trình xơ hóa vùng bè hoặc do sự chênh lệch áp lực tiền phòng, khiến thủy dịch không thể lưu thông.
Đục thủy tinh thể là bệnh lý như thế nào?
Đục thủy tinh thể (có tên gọi khác là cườm khô, cườm đá) là hiện tượng protein tập trung thành đám, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể, làm ánh sáng đi qua bị tán xạ, cản trở ánh sáng đến võng mạc. Hầu hết các trường hợp mắc đục thủy tinh thể là do lão hóa hoặc các chấn thương làm thay đổi cấu trúc thủy tinh thể. Một số nguyên nhân tiềm ẩn gây khác cũng có thể gây ra đục thủy tinh thể bao gồm: hút thuốc lá, tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím, sử dụng lâu dài các loại thuốc (thuốc nhóm steroid…), một số bệnh lý toàn thân (đái tháo đường, béo phì…), xạ trị, phẫu thuật hoặc chấn thương mắt.
Phân biệt Glôcôm (cườm nước) và đục thủy tinh thể (cườm khô)
Điểm giống nhau giữa glôcôm và đục thủy tinh thể là đây đều là hai bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi, có thể gây suy giảm thị lực nghiêm trọng và là hai nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực.
Điểm khác biệt giữa glôcôm và đục thủy tinh thể đó là dù đều ảnh hưởng đến thị lực nhưng glôcôm và đục thủy tinh lại có những dấu hiệu và mức độ ảnh hưởng đến thị lực khác nhau.
Glôcôm ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng, bệnh tiến triển một cách từ từ. Tùy thuộc vào thể bệnh, khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng đau nhức vùng mắt, đau nửa đầu, nhìn thấy quầng xanh đỏ, chói sáng, nhìn mờ thoáng qua…. Ở giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân glôcôm có thể bị suy giảm đáng kể thị lực, mất một phần thị trường hoặc mất hoàn toàn thị lực. Phát hiện và điều trị sớm glôcôm là điều cần thiết để ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn.
Đục thủy tinh thể có các triệu chứng ban đầu như hình ảnh mờ nhòe, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn kém vào ban đêm, màu sắc bị sai khác… Bệnh tiến triển tương đối chậm. Ở giai đoạn nặng hơn, thủy tinh thể đục chín có thể gây tăng nhãn áp, đỏ mắt, đau nhức mắt và đau đầu và có thể gây mất thị lực nếu không được điều trị kịp thời. Ở giai đoạn sớm, đục thủy tinh thể có thể chưa cần điều trị, đục thủy tinh thể thường được chỉ định phẫu thuât khi ảnh hưởng đáng kể đến thị lực.
Bệnh đục thủy tinh thể có thể dẫn tới bệnh glôcôm không?
Glôcôm có thể xuất hiện như một biến chứng của đục thủy tinh thể, hay còn được gọi là glôcôm thứ phát. Khi người bệnh mắc bệnh đục thủy tinh thể, thủy tinh thể trong mắt không những bị đục mà còn tăng kích thước, phồng lên, từ đó gây cản trở sự lưu thông thủy dịch trong mắt. Từ đó có thể dẫn tới tăng nhãn áp trong mắt, ảnh hưởng tới các các dây thần kinh thị giác. Vì vậy, nên điều trị đục thủy tinh thể kịp thời để tránh tình trạng tiến triển thành bệnh lý glôcôm.
Glôcôm có dẫn đến đục thủy tinh thể hay không?
Bản thân bệnh glôcôm không gây ra đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị glôcôm có thể đẩy nhanh quá trình hình thành đục thủy tinh thể. Các nghiên cứu cho thấy phẫu thuật cắt bè củng giác mạc hoặc một số loại thuốc điều trị glôcôm, một số trường hợp can thiệp laser chưa đúng kỹ thuật … sẽ làm trầm trọng thêm sự tiến triển của đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, việc điều trị glôcôm vẫn là ưu tiên hàng đầu so với nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể từ các phương pháp này.
Điều trị đục thủy tinh thể và Glôcôm
Đục thủy tinh thể:
Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn chớm, bệnh nhân có thể cải thiện tầm nhìn bằng cách sử dụng kính gọng. Bên cạnh đó. bệnh nhân cần khám và kiểm tra mắt định kỳ tại cơ sở chuyên khoa để theo dõi diễn tiến của bệnh. Thủy tinh thể đã bị đục không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Ở giai đoạn nặng hơn, giải pháp điều trị triệt để là thực hiện phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo. Hai phương pháp phẫu thuật được sử dụng trong điều trị đục thủy tinh thể hiện nay gồm:
➡Phẫu thuật Phaco: Phẫu thuật thay thủy tinh thể Phaco (Phacoemulsification) là quá trình tán nhuyễn thủy tinh thể đã bị đục bằng sóng siêu âm tần số cao và hút ra ngoài. Sau đó thay thế bằng một thủy tinh thể nhân tạo phù hợp để phục hồi thị lực.
➡ Phẫu thuật Laser Cataract: Phẫu thuật thay thủy tinh thể sử dụng tia laser – Laser Cataract có cùng cơ chế tán nhuyễn nhân thủy tinh thể đã bị đục để đưa ra ngoài và thay thế bằng một thủy tinh thể nhân tạo phù hợp với mắt của người bệnh như phương pháp Phaco. Điểm khác biệt là, tia Femtosecond Laser được đưa vào sử dụng và thay thế một số thao tác bằng tay như tạo đường mổ, tạo đường xé bao trước thủy tinh thể, hỗ trợ chẻ nhỏ thủy tinh thể đã bị đục giúp gia tăng độ chính xác, giảm thời gian.
Glôcôm
Glocom không thể hoàn toàn điều trị dứt điểm, nhưng hầu hết đều có thể được kiểm soát thành công. Tùy vào tình trạng bệnh mà người bệnh sẽ được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như:
- Sử dụng thuốc hạ nhãn áp: Tình trạng tăng nhãn áp thường được kiểm soát bằng thuốc nhỏ mắt dùng hàng ngày. Sử dụng thuốc nhỏ mắt để kiểm soát tình trạng tăng nhãn áp là một trong những phương pháp điều trị glôcôm phổ biến, đặc biệt là trong việc điều trị glôcôm góc mở. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kê một số loại thuốc uống để giúp làm giảm tiết dịch (nước) trong mắt. Bệnh nhân cần tuân thủ đúng liều lượng sử dụng, việc tự ý ngưng sử dụng mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ có thể ảnh hưởng tới kết quả điều trị.
- Laser và phẫu thuật: Trong trường hợp điều trị glôcôm bằng việc sử dụng thuốc không đạt được hiệu quả như mong muốn, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnhđiều trị bằng laser hoặc thực hiện phẫu thuật.
Glôcôm và đục thủy tinh thể là hai bệnh lý nghiêm trọng có thể gây nên những tổn thương đáng kể tới thị lực của người bệnh. Vì vậy việc thăm khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề ở mắt là điều vô cùng quan trọng. Theo lời khuyên của chuyên gia, với người từ 40 tuổi trở lên nên đi thăm khám mắt với tần suất 1 năm/ lần, với người có người thân hoặc nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh glôcôm nên thăm khám định kỳ 6 tháng/lần.