PHÒNG TRÁNH CHẤN THƯƠNG TẠI MẮT CÓ THỂ XẢY RA Ở NƠI LÀM VIỆC

20/12/2022

Chấn thương ở mắt do lao động là một trong những loại chấn thương thường gặp. Theo Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (NIOSH) tại Mỹ, mỗi ngày có khoảng 2.000 công nhân bị chấn thương mắt liên quan đến công việc cần được điều trị y tế. Tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, hàng ngày có không ít ca bệnh chấn thương nghiêm trọng tại mắt do dị vật bắn vào trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, các chuyên gia về an toàn và bác sĩ nhãn khoa tin rằng việc bảo vệ mắt phù hợp có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng hoặc thậm chí ngăn ngừa 90% các chấn thương mắt này.

Hóa chất hoặc dị vật bắn vào mắt hay trầy xước trên giác mạc là những chấn thương mắt phổ biến xảy ra do lao động. Ngoài ra, còn có các chấn thương tại mắt thông thường khác như chất lỏng văng vào mắt, bỏng do hơi nước và tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím hoặc tia hồng ngoại.

bao-ve-mat-trong-lao-dong

Bên cạnh đó, với các ngành nghề đặc thù như nhân viên y tế, nhân viên phòng thí nghiệm và những người lao động khác có thể có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khi một số bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền qua màng nhầy của mắt. Điều này có thể xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với máu bắn ra, giọt bắn từ đường hô hấp khi ho hoặc do chạm vào mắt bằng ngón tay bị nhiễm bẩn hoặc các vật khác.

Có hai nguyên nhân chính dẫn tới các chấn thương tại mắt do lao động: 

  • Người lao động không sử dụng các biện pháp bảo vệ mắt như đeo kính bảo hộ
  • Sử dụng chưa chính xác kính bảo hộ phù hợp với công tính chất công việc

Theo Cục thống kê lao động Mỹ (A Bureau of Labor Statistics) ⅗ người lao động bị chấn thương khi không đeo kính bảo vệ mắt vào thời điểm xảy ra tai nạn và họ cũng cho rằng việc bảo vệ mắt trong tình huống trước khi xảy ra tại nạn là không cần thiết.

Các nguy cơ tai nạn ở mắt có thể xảy ra tại nơi làm việc 

  • Hóa chất: Nếu người lao động làm việc trong môi trường có nhiều hóa chất, người lao động có thể có nguy cơ bị hóa chất bắn vào mắt, gây bỏng. Bỏng hóa chất có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng giác mạc, nghiêm trọng có thể gây nên mù lòa..
  • Chấn thương do tác động của dụng cụ lao động: Công trường công nghiệp và xây dựng là một trong những nơi thường xảy ra chấn thương mắt nhất. Chấn thương mắt cũng có thể xảy ra khi sử dụng một số dụng cụ tại nơi làm việc chẳng hạn như thiết bị hàn, các loại máy có công suất lớn,...
  • Dị vật trong mắt: Gỗ, vụn kim loại và các mảnh vụn khác trong không khí hoặc trên tay có thể lọt vào mắt. Chấn thương do dị vật có thể dẫn đến trầy xước giác mạc. Các mảnh vụn kim loại, vụn đá, vụn gỗ bắn ra trong quá trình cắt, hàn có thể bắn sâu vào mắt gây rách giác mạc, đục thủy tinh thể, nghiêm trọng có thể gây viêm nội nhãn, rách võng mạc.
  • Lây nhiễm bệnh qua máu: Nhân viên y tế, nhân viên cấp cứu và cảnh sát thường tiếp xúc với máu. Máu bắn vào mắt có thể truyền bệnh, chẳng hạn như viêm gan, HIV và nhiễm trùng tụ cầu khuẩn.
  • Phơi nhiễm bức xạ: Một số ngành nghề sẽ phải thường xuyên tiếp xúc với bức xạ (bức xạ cực tím, bức xạ nhiệt hoặc tia hồng ngoại và tia laser). Các nguồn bức xạ ánh sáng, tử ngoại, hồng ngoại đều có thể gây tổn thương cho mắt người lao động như là viêm giác mạc, làm đục thủy tinh thể, làm bỏng võng mạc, dẫn đến mất khả năng nhìn nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Ngăn ngừa chấn thương tại mắt do lao động bằng các biện pháp bảo vệ phù hợp

Theo Hiệp hội nhãn khoa Hoa kỳ (American Association of Ophthalmology, AAO), khoảng 90 phần trăm các chấn thương ở mắt tại nơi làm việc có thể được ngăn chặn bằng cách đeo kính bảo vệ thích hợp. Để lựa chọn loại kính phù hợp cần căn cứ dựa trên: cấu tạo cơ bản của kính là mắt kính và khung kính kết hợp với việc xác định nguồn các nguy cơ gây tổn thương cho mắt.

  • Kính bảo hộ (Goggles): Kính bảo hộ là một lựa chọn để bảo vệ mắt có thể đặc biệt hữu ích nếu người lao động làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với các loại hóa chất.

kinh-bao-ho

  • Tấm che mặt: Tấm che mặt cũng bảo vệ mắt khỏi các giọt bắn và thường được sử dụng trong môi trường bệnh viện để bảo vệ người lao động khỏi bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, tấm che mặt không bảo vệ mắt khỏi các chấn thương do va đập. Nếu có nguy cơ chấn thương do va đập, người lao động sẽ cần phải đeo kính bảo hộ.
  • Mặt nạ hàn (Welding helmets): Mặt nạ hàn là đồ bảo hộ lao động được yêu cầu sử dụng đối với người lao động làm việc trong môi trường có nhiều vật liệu nguy hiểm.
  • Kính bảo vệ (Safety glasses): Kính bảo vệ có thể là một lựa chọn tốt nếu người lao động đang làm việc trong môi trường có nhiều các mảnh vụn hoặc bụi. Kính bảo vệ được thiết kế để chống va đập. Kính phải có lớp bảo vệ hai bên để hạn chế chấn thương từ các góc độ khác nhau.

Lưu ý kính bảo vệ không bao gồm kính gọng thông thường hoặc kính râm. Bạn có thể cần kính điều chỉnh để nhìn rõ và chống tia cực tím khi làm việc bên ngoài, nhưng không loại kính nào sẽ bảo vệ mắt bạn khỏi chấn thương hoặc bị bắn nước. Trên thực tế, nếu bạn đeo kính mắt thông thường hoặc kính râm mà không có kính bảo vệ thích hợp, những chiếc kính đó thực sự có thể gây hại cho mắt bạn nhiều hơn nếu chúng bị vỡ trong trường hợp tai nạn thương tâm.

Phòng ngừa chấn thương mắt

Bên cạnh việc sử dụng kính bảo vệ thích hợp để bảo vệ mắt khi làm việc, người lao động cũng nên lưu ý: 

  • Sử dụng kính bảo hộ vừa vặn để đảm bảo kính cung cấp độ che phủ và bảo vệ mắt đầy đủ
  • Đảm bảo kính bảo vệ cho phép tầm nhìn ngoại vi tốt và thoải mái. 
  • Biết những nguy cơ có thể gây mất an toàn cho sức khỏe mắt. Đánh giá môi trường làm việc một cách cẩn thận để xác định điều gì có thể gây rủi ro, từ đó người lao động thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết. 
  • Nếu người lao động làm việc với hoặc xung quanh các hóa chất, bên cạnh việc sử dụng kính bảo hộ hãy chú ý tới vị trí của bồn rửa mắt khẩn cấp. Trong trường hợp bị hóa chất bắn vào, người lao động cần rửa mắt ngay lập tức trong ít nhất 15 phút và tới ngay các cơ sở nhãn khoa uy tín để được thăm khám và điều trị ngay lập tức.