PHÁT HIỆN SỚM VÀ ĐIỀU TRỊ KỊP THỜI BỆNH LÝ GLÔCÔM - NGĂN NGỪA NGUY CƠ MÙ LÒA

06/04/2022

Nhức mắt, nặng mắt, mờ mắt…là tình trạng ai cũng có thể gặp nhưng lại nghĩ đó chỉ là tình trạng thoáng qua, không mấy để tâm. Tuy nhiên, đôi khi những triệu chứng này có thể là dấu hiệu sớm của bệnh glôcôm (còn gọi là bệnh cườm nước hay thiên đầu thống) - một bệnh lý có nguy cơ gây mù lòa cao thứ 3 chỉ sau đục thủy tinh thể và các bệnh đáy mắt.

Phân loại bệnh Glôcôm

Glocom góc mở nguyên phát
Glôcôm góc mở nguyên phát là một tình trạng bệnh lý của thị thần kinh, tiến triển mãn tính, đặc trưng bởi sự tổn hại của tế bào hạch võng mạc và lớp sợi thần kinh, teo lõm đĩa thị giác, tổn thương thị trường điển hình của glôcôm, thường có liên quan với nhãn áp cao.
Glôcôm góc mở thường gặp hơn ở người da trắng. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi, tuổi càng cao nguy cơ bị glôcôm góc mở càng lớn.

Glocom góc đóng nguyên phát
Glôcôm góc đóng nguyên phát thường gặp ở người châu Á hơn là glôcôm góc mở nguyên phát do cấu trúc giải phẫu nhãn cầu của người châu Á nhỏ hơn người châu âu. Bệnh thường xuất hiện ở người 35 tuổi trở lên, tuổi càng cao khả năng bị glocom càng lớn. 

Triệu chứng có thể sớm nhận biết sớm Glôcôm

Bệnh Glôcôm có nhiều thể bệnh và nhiều nguyên nhân khác nhau, do vậy triệu chứng biểu hiện cũng rất khác nhau tùy thể loại bệnh. Điều đáng nói, ở giai đoạn sớm của các thể bệnh này, triệu chứng biểu hiện của bệnh không rõ ràng và thường bị bỏ qua, dẫn đến tình trạng bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến mù lòa.

  • Nhức mắt, nặng mắt thoáng qua: bệnh Glôcôm xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm trong thời gian dài, nhiều bệnh nhân không cảm thấy đau nhức mắt, một số trường hợp đôi khi thấy mắt căng tức nhẹ thoáng qua hoặc nhức quanh hốc mắt.

  • Mờ mắt thoáng qua: ở giai đoạn sớm khi tình trạng nhãn áp tăng lên có thể làm nhìn mờ như sương mù hoặc nhìn nhòe trong 1 thời gian ngắn. Sau đó, khi áp lực mắt giảm xuống, bệnh nhân nhìn rõ trở lại, triệu chứng này có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhưng mờ mắt thoáng qua xảy ra cùng lúc với nhức mắt là dấu hiệu nghi ngờ rõ nhất của bệnh Glôcôm.
  • Nhìn thấy hào quang: khi nhãn áp tăng, bệnh nhân đôi khi sẽ thấy quầng sáng xanh đỏ khi nhìn vào đèn. Tình trạng này có thể kéo dài cả buổi và lập đi lập lại trong một khoảng thời gian.
  • Nhức đầu: nhức đầu là triệu chứng của rất nhiều bệnh trong đó cao huyết áp là bệnh thường hay nghĩ đến hơn là bệnh Glôcôm. Vì vậy, khi các triệu chứng nhức đầu kèm theo nhức mắt, mờ mắt thì cần phải đi khám thêm bác sĩ chuyên khoa mắt để kiểm tra có bệnh Glôcôm kèm theo hay không.

Ngoài ra, người mắc bệnh Glôcôm có thể có thêm một số triệu chứng như:

  • Nhìn đèn có quầng xanh đỏ, nhìn có đom đóm bay trước mắt.
  • Thích nghi sáng tối kém, khó nhìn theo vật đang chuyển động.
  • Nhìn khuyết góc hoặc nhìn bị che lấp một phần.
  • Đau nhức hốc mắt.
  • Mất dần tầm nhìn ngoại vi: người bệnh có cảm giác như nhìn qua đường hầm.
  • Mắt sưng đỏ, khi lấy tay di vào phần mí mắt trên thấy cứng như hòn bi.
  • Nôn hoặc buồn nôn.

Thường thì trong giai đoạn đầu, các triệu chứng xuất hiện ít và khó phát hiện. Theo thời gian bệnh có thể tiến triển nặng lên gây suy giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí mù lòa.

Tầm soát và điều trị bệnh glôcôm

Với tính chất nghiêm trọng của bệnh, việc thăm khám, tầm soát định kỳ để phát hiện sớm và nắm bắt thời điểm vàng trong điều trị là hết sức cần thiết.Gói khám Glocom tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản với các bước thăm khám toàn diện và chuyên sâu sẽ giúp bệnh nhân tầm soát nguy cơ mắc bệnh và nhận chỉ định điều trị kịp thời.

Bác sỹ nhãn khoa dựa vào 3 yếu tố chính là nhãn áp, tình trạng đầu thị thần kinh và thị trường để đánh giá nguy cơ mắc bệnh Glocom, mức độ bệnh và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Glocom không thể hoàn toàn điều trị dứt điểm, nhưng hầu hết đều có thể được kiểm soát thành công. 

Thuốc hạ nhãn áp

Tình trạng tăng nhãn áp thường được kiểm soát bằng thuốc nhỏ mắt dùng hàng ngày. Sử dụng thuốc nhỏ mắt để kiểm soát tình trạng tăng nhãn áp là một trong những phương pháp điều trị glôcôm phổ biến, đặc biệt là trong việc điều trị glôcôm góc mở. Các thuốc nhỏ mắt được dùng sẽ giúp hạ nhãn áp bằng cách tăng dẫn lưu thủy dịch ra ngoài mắt hoặc giảm lượng thủy dịch mắt tiết ra. Tuy nhiên, thuốc nhỏ mắt hạ nhãn áp có thể gây ra một số tác dụng phụ như kích ứng ở mắt, châm chích, mẩn đỏ, khô mắt. Vậy nên bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ nếu có bất kỳ vấn đề gì trong quá trình sử dụng thuốc. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kê một số loại thuốc uống để giúp làm giảm tiết dịch (nước) trong mắt. Bệnh nhân cũng cần tuân thủ đúng liều lượng sử dụng, việc tự ý ngưng sử dụng mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ có thể ảnh hưởng tới kết quả điều trị.

Laser và phẫu thuật
Trong trường hợp điều trị glôcôm bằng việc sử dụng thuốc không đạt được hiệu quả như mong muốn, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật hoặc điều trị bằng laser. Tùy thuộc vào tình trạng cũng như thể bệnh mà sẽ có những phương pháp laser khác nhau bao gồm: 

  • Laser cắt mống mắt chu biên
  • Laser tạo hình vùng bè
  • Laser tạo hình góc tiền phòng 

Nếu các phương pháp điều trị trên không có hiệu quả, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật dựa vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân: 

  • Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc
  • Phẫu thuật cắt củng mạc sâu không xuyên thủng
  • Phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền phòng 
  • Phẫu thuật quang đông thể mi

Sau khi điều trị bằng laser hay phẫu thuật, người bệnh đều cần tuân thủ đúng các lịch tái khám để có thể theo dõi được thường xuyên thị lực và nhãn áp của mình. Khi thấy có bất cứ biểu hiện gì bất thường, thị lực suy giảm người bệnh cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được can thiệp kịp thời.