Glôcôm góc đóng nguyên phát
Glocom góc đóng nguyên phát là gì?
Bệnh Glocom góc đóng là một loại bệnh ngăn chặn hệ thống thoát dịch nội nhãn qua lưới sợi mô liên kết. Glocom góc đóng nguyên phát gặp nhiều ở người châu Á do cấu trúc giải phẫu nhãn cầu của người châu Á nhỏ hơn người châu âu. Bệnh thường xuất hiện ở người 35 tuổi trở lên, tuổi càng cao khả năng bị glocom càng lớn. Ở Việt Nam, glôcôm được biết đến trong dân gian dưới tên “thiên đầu thống”. Glocom là bệnh lý nguy hiểm và phức tạp trong nhãn khoa, nguyên nhân gây mù lòa thứ 2 trên thế giới. Những tổn thương của bệnh Glocom không có khả năng hồi phục, vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Nguyên nhân của bệnh Glocom góc đóng nguyên phát
Glôcôm góc đóng nguyên phát thường xảy ra do hai cơ chế chính là nghẽn đồng tử và nghẽn góc tiền phòng.
- Nghẽn đồng tử: do mống mắt bị kéo trước/đẩy sau dẫn tới mống mắt áp sát mặt sau thể thuỷ tinh làm nghẽn đường lưu thông thủy dịch và tăng nhãn áp. Bình thường thủy dịch - một chất lỏng tự nhiên được sản xuất liên tục ở mặt trước của mắt - ra khỏi mắt thông qua hệ thống thoát ở mống mắt. Khi hệ thống này không hoạt động, thủy dịch không thể thoát ra bình thường, gây tăng áp lực trong mắt.
- Nghẽn góc tiền phòng: Do hiện tượng nghẽn đồng tử, thủy dịch bị cản trở không lưu thông được từ hậu phòng ra tiền phòng sẽ ứ lại và làm tăng áp lực hậu phòng, chân mống mắt sẽ bị đẩy ra trước và áp vào vùng bè củng giác mạc, gây đóng góc và tăng nhãn áp. Lúc đầu góc tiền phòng chỉ đóng mà chưa dính góc (đóng cơ năng), quá trình đóng góc kéo dài sẽ dẫn đến dính góc (đóng thực thể)... Ở giai đoạn này góc tiền phòng sẽ không mở ra được cho dù có can thiệp bằng thuốc, bằng Laser hay bằng phẫu thuật.
Triệu chứng lâm sàng
Đôi khi, bệnh tăng nhãn áp góc đóng nguyên phát không có triệu chứng, các triệu chứng chủ quan thường rõ rệt khi bệnh khởi phát. Cơn đau nhức thường xuất hiện về chiều tối, sau khi làm việc mệt mỏi, sau lo âu hoặc những chấn động về thần kinh, tình cảm… Cơn đau xuất hiện ở cung lông mày, vùng hốc mắt lan sang thái dương, vùng trán hoặc đỉnh đầu. Khi nhức mắt, thị lực thường giảm, nhìn như có sương mù trước mắt, nhìn đèn có quầng xanh đỏ như cầu vồng. Đôi khi, sau khi được nghỉ ngơi hay ngủ, triệu chứng đau nhức qua đi, thị lực trở lại bình th nhưng bệnh thường tiến triển theo xu hướng tăng dần lên đau nhức dữ dội, nôn mửa khiến người bệnh phải tìm đến ngay các cơ sở nhãn khoa. Nếu được điều trị kịp thời thì trong hầu hết trường hợp, thị lực sẽ được phục hồi hoàn toàn.
Điều trị Glocom góc đóng nguyên phát
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý mà bác sỹ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm:
- Điều trị thuốc: Bệnh nhân có thể được chỉ định các loại thuốc kết hợp theo liều lượng cụ thể để điều trị tùy thuộc tình trạng bệnh
- Laser: Bác sĩ sẽ tiến hành cắt thủng phần cạnh ngoài của mống mắt bằng laser. Mắt còn lại cũng nên điều trị phòng ngừa bằng laser, vì con mắt còn lại cũng có nguy cơ cao bị mắc bệnh.
- Phẫu thuật: Khi điều trị bằng thuốc và laser không hiệu quả cần chỉ định phẫu thuật để hạ nhãn áp giữ cho mắt glocom được ổn định lâu dài.
Tiến triển và biến chứng của Glocom góc đóng nguyên pháp
Tiến triển
Glôcôm góc đóng nếu không được điều trị, nhãn áp tiếp tục tăng cao kéo dài sẽ dẫn đến mù lòa và không có khả năng hồi phục. Tiên lượng tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh, giai đoạn bệnh khi bệnh nhân đến khám và điều trị. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, điều trị đúng và theo dõi thường xuyên, bệnh nhân có thể tránh được việc mất thị lực.
Biến chứng
Biến chứng nặng thường gặp sau điều trị bằng phẫu thuật là
- Tăng nhãn áp tái phát: điều trị bằng các thuốc tra hạ nhãn áp và theo dõi định kỳ. Nếu nhãn áp không điều chỉnh có thể xem xét mổ lần 2
- Biến chứng khác như sẹo bọng thấm quá mỏng hoặc rò, vỡ bọng thấm: tuỳ tình trạng bệnh lý có thể điều trị nội khoa bằng thuốc ức chế tiết thuỷ dịch, tiêm máu tự thân hoặc phẫu thuật sửa lại sẹo bọng.
Phòng bệnh
Cho đến nay, chưa có biện pháp nào có thể phòng được bệnh Glôcôm. Vì vậy, việc phát hiện sớm, điều trị sớm và theo dõi thường xuyên là rất quan trọng.
Để kiểm soát được bệnh, người bệnh cần:
- Khám mắt định kỳ và đo nhãn áp ít nhất 1 năm một lần khi ở độ tuổi 40 tuổi trở lên.
- Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, thuốc có chứa thành phần Corticoid khi không có sự chỉ định của bác sĩ.
- Nếu được bác sĩ chẩn đoán bệnh Glôcôm, bệnh nhân cần phải được theo dõi thường xuyên và tuân thủ phác đồ điều trị. Bệnh Glôcôm thường làm giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa không hồi phục ở giai đoạn muộn, vì vậy, được chẩn đoán và điều trị càng sớm thì thị lực của người bệnh càng được bảo vệ.