PHÁT HIỆN BỆNH VỀ MẮT Ở TRẺ NHỎ TỪ NHỮNG BỨC ẢNH ?
Những bức ảnh giúp chúng ta ghi lại những kỉ niệm, những khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc sống. Thế nhưng bạn có biết rằng, những bức ảnh này còn có thể giúp bạn phát hiện sớm các bệnh lý về mắt ở trẻ nhỏ ?
Vậy bạn phát hiện những bệnh lý này thông qua điều gì trong bức ảnh ? Câu trả lời đó là sự xuất hiện của những đốm sáng màu trắng hoặc vàng ở một bên mắt của trẻ.
Các bác sĩ gọi đây là phản xạ ánh sáng đỏ bất thường (abnormal red reflex) và hiện tượng này xuất hiện khi ánh đèn flash từ máy ảnh tạo ra hình ảnh cho thấy một vật không đúng vị trí hoặc vật lạ trong mắt (chẳng hạn như khối u) đang chặn hoặc cản trở đường quang học của trẻ. Ngược lại với phản xạ ánh sáng đỏ bình thường ( normal red flex), khi chụp ảnh với ánh sáng đèn flash thì lòng đen của cả hai mắt sẽ có đốm đỏ trong ảnh, mà chúng ta hay gọi là hiện tượng "mắt đỏ (red-eye)
Kiểm tra mắt của trẻ qua hình ảnh được chụp bởi camera máy ảnh
Tiến sĩ Jane Edmond, MD, Bệnh viện Baylor College of Medicine and Texas Children's Hospital, chỉ ra rằng điều quan trọng cần lưu ý khi sử dụng cách chụp ảnh để kiểm tra mắt của trẻ em đó là phải đảm bảo là bức ảnh có được chụp trong điều kiện tối ưu nhất từ đó có thể phát hiện ra được phản xạ ánh sáng đỏ bất thường:
Trẻ đang nhìn thẳng vào ống kính máy ảnh
Đèn flash máy ảnh đang bật và ảnh được chụp với nền tối
Tắt tính năng “khử” mắt đỏ của máy.
Phản xạ ánh sáng màu đỏ bất thường trong ảnh của con bạn
Theo Tiến sĩ Aaron Miller, bác sĩ nhãn khoa nhi ở Houston và là phát ngôn viên lâm sàng của Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO) nếu bạn chụp một bức ảnh của con mình và sau đó nhận thấy một bên mắt của trẻ có ánh đồng tử màu trắng hoặc vàng thì bạn đừng nên quá hoảng sợ. Hiện tượng này có thể xảy ra do độ khúc xạ khác nhau ở hai mắt và có thể được chữa trị bằng việc đeo kính hoặc đơn giản hơn là do góc chụp của máy ảnh.
Thay vào đó, theo tiến sĩ Miller, các bậc phụ huynh nên chú ý xem hiện tượng này chỉ xuất hiện một lần hay nó xảy ra thường xuyên và liên tục. Nếu hiện tượng chỉ xuất hiện một lần duy nhất thì cha mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu cha mẹ phát hiện ra mắt của con mình có hiện tượng ánh đồng tử trắng trong nhiều bức ảnh khác nhau thì đây là lúc cha mẹ cần đưa con tới các cơ sở chuyên khoa mắt. Tại đây các bác sĩ sẽ sử dụng kính soi đáy mắt (ophthalmoscope) hoặc kính soi màng lưới (retinoscope) để tìm phản xạ đỏ trong đôi mắt – mỗi mắt mỗi lần và sau đó là cả hai mắt cùng lúc. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bác sĩ nhãn khoa sẽ có những chỉ định phù hợp đối với từng trường hợp.
Một số bệnh về mắt có thể phát hiện được thông qua hiện tượng ánh đồng tử trắng
Ung thư nguyên bào võng mạc: U nguyên bào võng mạc là một khối u ung thư trên một phần mắt của trẻ được gọi là võng mạc. Tỉ lệ gặp u nguyên bào võng mạc là 1/15,000 đến 1/30,000 trẻ sinh sống và chiếm khoảng 3% ung thư trẻ em. Bệnh có thể chữa trị được nếu phát hiện sớm và có phương án điều trị kịp thời.
Đục thủy tinh thể: Đục thể thủy tinh ở trẻ em là một bệnh mắt khá phổ biến. Bệnh có thể ở một hoặc hai mắt, có ngay từ khi sinh ra hoặc xuất hiện muộn hơn.
Bệnh coats (còn gọi là viêm võng mạc xuất tiết hay dãn các mạch máu nhỏ của võng mạc) là một bệnh bẩm sinh rất hiếm. Bệnh có thể tiến triển thành bong võng mạc, đục thủy tinh thể, glocom hoặc viêm màng bồ đào gây mù lòa.
Lác mắt: Bệnh coats, u nguyên bào võng mạc hay đục thủy tinh thể đều có thể gây ra bệnh lác, nhưng bệnh lác không nhất thiết là dấu hiệu của các bệnh lý khác. Thông thường lác có thể được điều trị bằng việc sử dụng kính hoặc phẫu thuật.
Việc sử dụng ánh đèn flash từ máy ảnh chỉ là một trong các cách để phát hiện được bệnh lý ở mắt của trẻ. Tuy nhiên không phải bệnh lý nào cũng để lại những biểu hiện rõ ràng và trẻ nhỏ khó có thể cảm nhận được những sự thay đổi bất thường về mặt thị giác của mình, vì vậy việc cha mẹ cho trẻ đi khám mắt định kỳ cho trẻ 3-6 tháng/ lần tại cơ sở nhãn khoa uy tín là vô cùng cần thiết để nắm bắt được tình trạng mắt của trẻ cũng như nắm bắt được thời điểm vàng trong điều trị.