NHỮNG TIẾN BỘ CÔNG NGHỆ ĐÁNG MONG CHỜ NHẤT NGÀNH NHÃN KHOA 2020
Thời đại công nghệ 4.0 đã và đang thay đổi cuộc sống của chúng ta một cách toàn diện. Đối với ngành nhãn khoa thế giới, năm 2019 đã khép lại với nhiều thành tựu và sự phát triển trong công nghệ điều trị bệnh về mắt. Năm 2020 đã đến và mở ra nhiều mong đợi với những bước tiên công nghệ vượt trội đã và đang được nghiên cứu và triển khai.
Phẫu thuật Phakic ICL EVO+ được biết đến là phương án phẫu thuật tối ưu nhất cho bệnh nhân cận loạn thị nặng, đã được tin dùng tại 75 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, thấu kính nội nhãn sử dụng trong phẫu thuật Phakic ICL được làm từ vật liệu có độ tương thích sinh học cao với cơ thể con người, điều trị được độ cận lên tới 18 diop, loạn lên đến 6 diop với chất lượng thị giác sau phẫu thuật cao, hạn chế được tối đa các nhược điểm của phẫu thuật Lasik như khô mắt, côm vướng…..
Kế thừa sự phát triển và ổn định của thấu kính Visian ICL EVO+, Hãng STAAR – Hãng sản xuất và phân phối thấu kính ICL đã thử nghiệm lâm sàng thành công thấu kính có chức năng điều trị cho bệnh nhân lão thị áp dụng công nghệ mở rộng độ sâu trường nhìn EDOF (Extend Deepth of Field) tại thị trường Châu Âu với tên gọi EDOF Collamer Lens.
Với kết quả 75% người bệnh lão thị được phẫu thuật thấu kính EDOF Collamer Lens cho kết quả thị lực sau 6 tháng tầm nhìn xa và trung gian tốt, nhìn gần đọc sách, báo không cần sử dụng kính. Theo kế hoạch, thấu kính hỗ trợ điều trị lão thị sẽ có mặt trên thị trường vào quý II năm 2020, áp dụng cho người bệnh trong độ tuổi từ 45 – 60 tuổi, mở rộng đối tượng người bệnh của phẫu thuật Phakic ICL, mang lại nhiều cơ hội tháo kính hơn cho người bệnh.
Hiện nay, căn bệnh đục thủy tinh thể đã được kiểm soát và đẩy lùi bởi phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo theo phương pháp Phaco và Laser Cataract. Thủy tinh thể nhân tạo (IOL) phù hợp khi được thay thế vào mắt sẽ mang lại cho người bệnh 1 tầm nhìn tốt.
Tại hội nghị APAO 2019, các hãng đang thử nghiệm loại thủy tinh thể có giá đỡ hỗ trợ người bệnh trong việc thay thế thủy tinh thể nhiều hơn 2 lần nếu có sự thay đổi về khúc xạ hay các vấn đề liên quan. Hiện nay, việc thay thủy tinh thể nhiều lần trên mắt dường như là rất khó khăn, vì bao thể thủy tinh sẽ gặp các tình trạng như bị dính IOL hoặc rách ảnh hưởng đến chất lượng tầm nhìn. Tuy nhiên công nghệ này có cơ chế là đặt giá đỡ vào trong bao thủy tinh thể, sau đó cố định IOL lên giá đỡ. Trong tương lai nếu cần thay thế chỉ cần rút IOL cũ và thay IOL mới vào, bảo vệ và giữ vững được bao thủy tinh thể trong mắt bệnh nhân. Loại thủy tinh thể này hiện đã đang được áp dụng trên nhiều người bệnh ở nước ngoài và kết quả đáp ứng từ phía người bệnh được đánh giá tốt.
Kính áp tròng thông minh theo dõi bệnh lý mắt
Trung tâm nghiên cứu, đổi mới công nghệ điện tử và kỹ thuật số - IMEC, Bỉ , đã công bố một loại kính áp tròng thông minh làm từ vật liệu hydrogel mềm, mỏng, kết hợp với vi mạch silicon, tích hợp đèn LED và ăng ten tần số vô tuyến (RF) để truyền năng lượng không dây. Loại kính áp tròng tích hợp cảm biến này có khả năng liên tục theo dõi các dấu hiệu của bệnh mắt đang được điều trị để truyền dữ liệu về một thiết bị (máy tính, smartphone) cho người bệnh hoặc bác sĩ của họ phân tích.
Đại học Ghent và công ty sản xuất kính áp tròng Nhật Bản SEED, đang hợp tác với Imec để phát triển thiết bị kính áp tròng thông minh này. Các chuyên gia cho biết, việc thiết kế các linh kiện điện tử linh hoạt và tích hợp liền mạch chúng vào kính hydrogel mềm là những thách thức lớn trong việc tạo ra chiếc kính áp tròng đặc biệt này. Thấu kính cần phải thấm oxy, không nhăn, mỏng và tạo cảm giác thoải mái khi đeo cho người dùng, trong khi vẫn duy trì chức năng điện tử của nó. Hiện các nhà nghiên cứu đang tiến hành tối ưu hóa đáng kể các thiết kể và thử nghiệm để cho ra mắt loại kính áp tròng thông minh ưu việt này trong năm 2020.
Viêc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong thu thập và phân tích dữ liệu bệnh lý, cũng như áp dụng chế tạo các sản phẩm thông minh để hỗ trợ điều trị bệnh, mang lại nhiều hy vọng cho người bệnh cũng như các bác sĩ trong công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Liệu pháp Gen điều trị bệnh mắt
Eyevensys - một công ty công nghệ sinh học tại Pháp, đã phát triển một phương pháp để thực hiện liệu pháp gen không virus ở mắt, với mục đích điều trị các bệnh lý về mắt. Các chuyên gia sẽ sử dụng phương pháp điện di để đưa gen điều trị vào mắt. Hệ thống dùng để điều trị bao gồm một máy phát xung điện và một thiết bị nội nhãn sẽ đưa các plasmid DNA vào cơ mắt. Ý tưởng được mô tả là các tế bào được biến đổi trong mắt cho phép sản xuất protein điều trị tại chỗ, sau đó có thể tạo ra các hiệu ứng trong một loạt các cấu trúc DNA tại võng mạc.
Đến nay, công ty đã thử nghiệm hệ thống của mình trong điều trị viêm màng bồ đào không nhiễm trùng. Vào ngày 10/10/2019, Eyevensys đã trình bày kết quả từ nghiên cứu lâm sàng giai đoạn I / II về liệu pháp gen ở bệnh nhân viêm màng bồ đào không nhiễm trùng tại Hội nghị thượng đỉnh đổi mới nhãn khoa hàng năm ở San Francisco. Thử nghiệm bao gồm những bệnh nhân bị viêm màng bồ đào không nhiễm trùng giai đoạn cuối và những bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp gen cho thấy sự cải thiện về thị lực và phù hoàng điểm đến 6 tháng chỉ sau một lần điều trị.
Việc điều trị không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào ở bệnh nhân và nhìn chung đạt hiệu quả tốt. Eyevensys cũng đang nghiên cứu khả năng cung cấp các gen mã hóa cho các protein khác có ích trong một loạt các bệnh nhãn khoa, chẳng hạn như bệnh tăng nhãn áp và viêm võng mạc sắc tố.
Những tiến bộ của y khoa đang ngày một phát triển mạnh, mở ra cơ hội cải thiện thị lực cho những người mắc tật khúc xạ, đục thủy tinh thể; hay là những người mắc bệnh lý khác tại mắt đang hàng ngày phải nhờ vào thuốc để duy trì, làm chậm việc thị lực bị giảm sút… Hy vọng, trong tương lai gần, những dự án, phương pháp thử nghiệm trên thành công và được đưa ra áp dụng rộng rãi trong điều trị nhãn khoa.