NHỮNG LẦM TƯỞNG VỀ TẬT CẬN THỊ
Cận thị đang gia tăng rất nhanh và là nguyên nhân chính gây giảm thị lực trong độ tuổi học đường. Các phương pháp như sử dụng kính gọng, kính áp tròng điều chỉnh giác mạc hay phẫu thuật điều trị (dành cho người bệnh trên 18 tuổi) ra đời nhằm cải thiện tầm nhìn cho đôi mắt cận thị. Tuy nhiên thay vì đến thăm khám tại các cơ sở nhãn khoa uy tín, không ít bệnh nhân lựa chọn các phương pháp chữa cận như dùng thuốc nhỏ mắt chữa cận hay các bài tập mắt triệt tiêu độ cận từ các nguồn thông tin không chính thống. Thực tế, các chuyên gia đầu ngành về nhãn khoa khẳng định chưa có bất cứ nghiên cứu hay minh chứng y khoa có quy mô và đáng tin cậy nào cho thấy người bệnh cận thị có thể lấy lại đôi mắt chính thị nhờ những phương pháp này.
Cận thị có thể được chữa khỏi hoàn toàn?
Cận thị xảy ra khi trục nhãn cầu phát triển quá nhanh và quá dài trong thời thơ ấu, và có thể tiếp tục phát triển ngay cả trong giai đoạn trưởng thành. Khi sự phát triển của trục nhãn cầu đã xảy ra, các phương pháp kiểm soát tiến triển cận thị sẽ là giải pháp tối ưu giúp làm hạn chế sự phát triển quá mức của chiều dài trục nhãn trục nhãn cầu, từ đó hạn chế việc tăng độ ở trẻ. Tuy nhiên những phương pháp kiểm soát cận thị không thể ngăn trục nhãn cầu phát triển hoàn toàn hoặc đảo ngược sự phát triển quá mức này.
Cận thị không thể tự khỏi được. Thay vào đó, đối với người mắc tật cận thị sẽ có các chọn lựa để điều chỉnh sự sai lệch khúc xạ của mắt bằng kính gọng, kính áp tròng hoặc bằng các phương pháp phẫu thuật cận thị. Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ có thể điều chỉnh sự sai lệch của khúc xạ, chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn tật cận thị bởi vì nó không làm ngắn lại chiều dài của trục nhãn cầu. Do vậy, hiện nay chưa có phương pháp điều trị nào có thể đảo ngược tình trạng cận thị khi nó đã phát triển.
Các bài tập mắt có thể giúp điều trị cận thị?
Các chuyên gia đầu ngành về nhãn khoa khẳng định chưa có bất cứ nghiên cứu hay minh chứng y khoa có quy mô và đáng tin cậy nào cho thấy người cận thị có thể triệt tiêu hoàn toàn độ cận và khôi phục thị lực thông qua việc tập các bài tập mắt.
Những trường hợp có cải thiện thị lực sau các “bài tập” được cho là do bệnh nhân trước đó có tình trạng mắt điều tiết quá nhiều hoặc rối loạn điều tiết vì làm việc quá tải gây nên tăng độ khúc xạ tạm thời hay còn gọi là cận thị giả. Khi mắt được thư giãn bằng các bài tập, tình trạng quá tải hoặc rối loạn điều tiết giảm giúp triệt tiêu độ cận thị giả.
Sử dụng thuốc nhỏ mắt có thể điều trị được tật cận thị?
Hiện nay trên mạng có không ít các thông tin về loại thuốc nhỏ mắt sản xuất tại Nhật Bản có khả năng chữa cận. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Anh Tuấn, hiện nay chưa có bất kì loại thuốc nhỏ mắt có thể chữa được tật cận thị, và chỉ có thuốc nhỏ mắt có tác dụng là cải thiện sự dao động về điều tiết trong chứng mỏi mắt do điều tiết. Hầu hết những loại thuốc này sẽ được bác sỹ kê đơn để hỗ trợ quá trình điều tiết giúp giảm mỏi mắt cho người bệnh.
Uống vitamin có thể chữa bệnh cận thị?
Vitamin đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dưỡng chất để chăm sóc và bảo vệ mắt. Tuy nhiên, hiện không có loại vitamin nào có thể ngăn ngừa hoặc chữa khỏi bệnh cận thị.
Một số loại vitamin được bác sỹ khuyến cáo sử dụng kết hợp trong quá trình điều trị một số bệnh về mắt ví dụ như bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD), một tình trạng gây suy giảm thị lực (chủ yếu ở người cao tuổi). Các nghiên cứu đã cho thấy sự kết hợp nhất định của vitamin và các chất dinh dưỡng giúp cải thiện hiệu quả điều trị ở các trường hợp bị thoái hóa điểm vàng ở cả hai dạng khô và ướt.
Tuy nhiên, Bác sĩ Vũ Anh Tuấn cho biết việc bổ sung vitamin để điều trị bệnh lý ở mắt hiện nay chỉ dành cho việc điều trị AMD, và thậm chí nếu dùng không đúng cách cũng như không theo chỉ định của bác sĩ, một số loại vitamin có thể gây ra các biến chứng về sức khỏe ở một số người.
Sử dụng các thiết bị điện tử có gây ra tật cận thị?
Thiết bị điện tử (TBĐT) kết nối mạng internet như smartphone, máy tính bảng, laptop, tivi…đóng vai trò không nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của người lớn cũng như trẻ em. Từ các hoạt động làm việc, học tập, đến giải trí, thư giãn cũng cần đến sự hỗ trợ của TBĐT. Dùng TBĐT đúng mục đích ở mức vừa phải sẽ hỗ trợ chúng ta tiếp cận nhiều thông tin bổ ích, hỗ trợ sự phát triển của trẻ em. Tuy nhiên nếu tiếp xúc với các thiết bị kỹ thuật số quá nhiều sẽ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mắt đặc biệt là ở trẻ em, trong đó có các vấn đề về thị lực.
Khi sử dụng các TBĐT, trẻ nhỏ thường có xu hướng để mắt rất sát để nhìn rõ, đôi khi quá tập trung, không để ý đến xung quanh. Điều này dẫn đến hiện tượng mắt thường xuyên phải tập trung nhìn gần trong thời gian dài, thể thủy tinh phồng lên, độ cong của giác mạc tăng, khiến lực khúc xạ của mắt tăng lên, lâu dài có thể gây nên tật cận thị. Một số trẻ có tật cận, viễn, loạn thị bẩm sinh lại được tiếp xúc TBĐT sớm khiến độ khúc xạ thay đổi nhanh. Do vậy, khi cha mẹ đưa đi khám thì đã bị mắc tật khúc xạ với số độ kính tương đối cao.
Dành thời gian hoạt động ngoài trời có thể giảm cận thị?
Nghiên cứu (1) đã chỉ ra rằng việc giảm thiểu thời gian hoạt động ngoài trời có liên quan tới tỷ lệ mắc tật cận thị sớm ở trẻ em. Các chuyên gia tin rằng việc dành ít nhất 2 giờ mỗi ngày để sinh hoạt ngoài trời, tăng cường nhìn xa, nhìn trong điều kiện ánh sáng tự nhiên không chỉ giúp ức chế sự phát triển của cận thị mà còn ngăn ngừa cận thị trên những trẻ em đang có đôi mắt khỏe mạnh.
Nguồn: (1) https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30907857/