NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ KÍNH ÁP TRÒNG CỨNG ORTHO-K 

26/08/2022

Tăng độ cận thị là quá trình không thể tránh khỏi ở trẻ em, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ y khoa, hiện nay đã có nhiều phương pháp để hỗ trợ làm chậm quá trình tiến triển cận thị. Với chức năng chỉnh hình giác mạc trong khi ngủ, Ortho-K là giải pháp hiệu quả được các chuyên gia nhãn khoa khuyên dùng để kiểm soát tiến triển cận thị.

Ortho-K và cơ chế hoạt động 

Orthokeratology hay còn gọi là Ortho-K là phương pháp điều chỉnh tật khúc xạ bằng cách sử dụng một loại kính áp tròng cứng thấm khí được thiết kế để đeo vào ban đêm và tháo ra vào sáng hôm sau. Kính Ortho-K sẽ làm phẳng trung tâm giác mạc trong khi ngủ, giúp ánh sáng hội tụ vào đúng võng mạc. Khi tháo kính Ortho-K vào buổi sáng, giác mạc vẫn sẽ được định hình trong một khoảng thời gian và người sử dụng có thể nhìn thấy rõ ràng mọi vật mà không cần phải đeo kính gọng hay kính áp tròng khác.

co-che-ortho-k

Cấu tạo của Ortho-k cũng giống như cấu trúc của kính tiếp xúc mềm. Tuy nhiên với Ortho-K, đường kính của kính thường nhỏ hơn đường kính giác mạc. Nhờ có sự khác biệt này trong thiết kế mà Ortho-K có thể dễ dàng định hình lại giác mạc. Việc định hình này cho phép các tia sáng tập trung chính xác vào võng mạc, làm giảm sự mất nét của ánh sáng ngoại vi trong mắt (hyperopic defocus & peripheral blur) từ đó có thể làm chậm sự tiến triển của cận thị và ổn định sự phát triển của trục nhãn cầu.

Ortho-K là một phương pháp điều trị rất nhẹ nhàng, không cần phẫu thuật và hiếm khi gây ra cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giác mạc chỉ là tạm thời, do vậy sẽ cần đeo kính Ortho-K thường xuyên. Khi ngừng sử dụng kính, hình dạng giác mạc và độ khúc xạ của mắt sẽ phục hồi lại.

Ortho-K có an toàn cho trẻ em? 

Ortho-K là phương pháp đã được kiểm chứng về độ an toàn và phù hợp với cả trẻ nhỏ. Trong một số ít trường hợp, Ortho-K có thể gây ra hiện tượng chói sáng hay thấy quầng sáng(halo). Bên cạnh đó, tương tự như kính tiếp xúc truyền thống, người sử dụng Ortho-K cũng có nguy cơ viêm nhiễm ở mắt. Tuy nhiên, một thói quen vệ sinh tốt khi sử dụng kính kết hợp với sự giám sát của cha mẹ sẽ giảm thiểu đáng kể những rủi ro về nguy cơ nhiễm trùng mắt ở trẻ. 

Ortho-K cũng là phương pháp có tính khả hổi, nếu hiệu quả điều trị trên mắt của trẻ không được như kỳ vọng, trẻ hoàn toàn có thể ngưng sử dụng kính và mắt sẽ trở lại trạng thái ban đầu sau đó một thời gian. 

Quy trình sử dụng kính Ortho-K cũng khá đơn giản, trẻ sẽ cần đeo kính vào buổi tối trong khoảng từ 6-8 tiếng và tháo ra vào mỗi sáng. Điều quan trọng là trẻ cần lưu ý vệ sinh tay sạch sẽ trước khi đeo/tháo kính, bảo quản kính theo hướng dẫn của bệnh viện cũng như được cha mẹ giám sát cẩn thận.

Thời gian sử dụng kính để có thể đạt được thị lực sắc nét 

thoi-gian-deo-ortho-k

Thời gian đeo kính được khuyến nghị vào mỗi đêm là 6 đến 8 tiếng để có thể hiệu chỉnh thị lực tối đa và đạt được hiệu quả tối nhất. Tùy theo độ khúc xạ ban đầu và các đặc điểm riêng của mỗi người, có thể cần 1 đến 4 tuần để đạt thị lực tối đa. Đối với mắt có độ cận thấp, thị lực có thể đạt mức tối đa sau vài ngày. Trong những ngày đầu dùng kính mắt có thể bị mờ, chói và quầng sáng xung quanh ánh đèn. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần phải đeo một cặp kính với số độ thấp hơn ban đầu trong quá trình chỉnh hình để hỗ trợ thị lực trong giai đoạn thị lực chưa đạt được mức tối đa.

Lợi ích của phương pháp Ortho-K dành cho trẻ em

Ortho-K có thể hạn chế tăng độ cận ở trẻ em 
Ortho-K là phương pháp được FDA công nhận, hoạt động bằng cách làm phẳng trung tâm và định hình lại giác mạc. Các nghiên cứu đã chứng minh Ortho-K có thể làm làm giảm sự tiến triển của cận thị bằng cách làm chậm sự phát triển của chiều dài trục nhãn cầu từ 40-45%. 

Trẻ không cần phụ thuộc vào kính gọng hay kính áp tròng mềm vào ban ngày 
Với Ortho-K, trẻ có thể tự do tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, học tập vào ban ngày mà không cần kính gọng hay kính áp tròng khác. Ortho-K là phương pháp hiệu quả được sử dụng giúp hồi phục thị lực không cần phẫu thuật. 

Ortho-K là phương pháp không phẫu thuật, không xâm lấn 
Phẫu thuật khúc xạ (cận-viễn-loạn) là giải pháp tối ưu giúp người bệnh lấy lại được thị lực sắc nét mà không cần phụ thuộc vào kính gọng. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ có thể thực hiện khi bệnh nhân trên 18 tuổi và có độ khúc xạ ổn định. Ở độ tuổi dưới 18, cùng với quá trình phát triển của cơ thể, tình trạng cận thị cũng sẽ tiếp tục tiến triển. Với những ưu điểm chính của Ortho-K như an toàn, không xâm lấn, linh hoạt và có tính khả hồi, trẻ có thể sử dụng kính Ortho-K để hạn chế tăng độ cận, từ đó giúp trẻ có nhiều lựa chọn về các phương pháp phẫu thuật điều trị tật khúc xạ khi đến tuổi trưởng thành. 

Quy trình khám và thử kính Ortho-K

Để sử dụng được Ortho-K người bệnh sẽ cần phải trải qua 1 quy trình thăm khám chặt chẽ bao gồm 7 bước: 

Bước 1: Sàng lọc điều kiện
Ở bước này, bác sĩ/chuyên viên sẽ hỏi thăm tình trạng sức khỏe, điều kiện công việc và môi trường xung quanh để cung cấp những kiến thức ban đầu về Ortho-K.

Bước 2: Kiểm tra cấu trúc và chức năng của mắt 
Các bài kiểm tra chức năng mắt với nhiều hình thức khác nhau như đo thị lực, kiểm tra nhãn áp, đếm tế bào nội mô giác mạc, đo độ dài trục nhãn cầu và chụp bản đồ giác mạc. Từ những bài kiểm tra này, bác sĩ sẽ biết được bệnh nhân nào có thể sử dụng kính Ortho-K cũng như có thể lựa chọn thông số kính phù hợp nhất cho bệnh nhân.

Bước 3: Khám mắt toàn diện
Bệnh nhân sẽ được kiểm tra sức khỏe mắt toàn diện, bao gồm bán phần trước, bán phần sau bằng đèn khe sinh hiển vi để chắc chắn rằng không có vấn đề nào ảnh hướng tới việc sử dụng kính.

kham-sang-loc-ortho-k

Bước 4: Thử kính và đặt kính
Khúc xạ viên sẽ đeo kính thử trên mắt bệnh nhân và đánh giá hiệu quả trên kính thử. Từ đó tìm ra thông số kính phù hợp nhất với bệnh nhân.

Bước 6: Hướng dẫn đeo/tháo và chăm sóc kính Ortho-K
Bước này cực kỳ quan trọng vì một chế độ chăm sóc, đeo tháo tốt sẽ hạn chế tối đa các biến chứng và đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.

Bước 7: Tái khám theo lịch của bệnh viện 

Hiệu quả của Ortho-K phụ thuộc vào tình trạng mắt của từng bệnh nhân, trước quyết định xem trẻ có nên sử dụng kính áp tròng cứng Ortho-K hay không phụ huynh nên đưa trẻ thăm khám và tư vấn với bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn chi tiết. Bên cạnh đó để theo dõi và kiểm soát tiến triển cận thị của trẻ, bố mẹ nên đưa các con đến thăm khám định kỳ 3 đến 6 tháng một lần tại các cơ sở nhãn khoa uy tín để đôi mắt của con được chăm sóc tốt nhất, đồng thời phát hiện và điều trị kịp thời những thay đổi hoặc bất thường.

Tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản gói khám chuyên sâu về kính chỉnh hình giác mạc Ortho-K sẽ giúp kiểm tra tổng quát sức khỏe mắt và đo đạc cấu trúc bề mặt giác mạc để từ đó có thể đưa ra thông số chính xác nhất, người bệnh có thể lựa chọn loại kính phù hợp.