LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ NÀO CHO NGƯỜI CẬN THỊ?
Cận thị đang gia tăng rất nhanh ở nhiều nước trên thế giới và là nguyên nhân chính gây giảm thị lực trong nhóm học sinh, sinh viên tại Việt Nam. Với sự phát triển của kỹ thuật y khoa hiện đại, nhiều phương pháp như sử dụng kính gọng, kính áp tròng điều chỉnh giác mạc hay phẫu thuật điều trị đã ra đời nhằm cải thiện tầm nhìn và thậm chí mang lại cơ hội tận hưởng cuộc sống tự do không phụ thuộc vào cặp kính cho đối tượng người cận thị. Bên cạnh đó, cũng tồn tại một số tin tức về những phương pháp điều trị không chính thống như dụng thuốc nhỏ mắt xóa cận hay các bài tập mắt làm giảm và triệt tiêu độ cận. Để giúp những bệnh nhân mắc tật khúc xạ có cái nhìn tổng quan và đúng đắn về các phương pháp điều trị cận thị, từ đó có lựa chọn phù hợp cho đôi mắt của mình, ở bài viết này Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản sẽ giải thích rõ hơn về các phương pháp điều trị cận thị đang được áp dụng hiện nay.
Đeo kính gọng
Đây là phương pháp cải thiện thị lực ra đời sớm nhất và có thể áp dụng cho mọi độ tuổi. Một cặp kính tốt nên có tròng (mắt kính) chiết suất cao giúp kính mỏng và nhẹ hơn, có tráng lớp chống tia tử ngoại và ánh sáng xanh bảo vệ mắt, kính cần được cắt đúng số, đúng tâm và vừa với khuôn mặt. Ưu điểm của phương pháp này là dễ ứng dụng, đa dạng về chủng loại và chi phí, linh hoạt thay đổi khi độ cận thay đổi và là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đeo kính gọng cũng có những nhược điểm nhất định như gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt với người chơi thể thao, thường xuyên trang điểm, hay phải di chuyển nhiều hoặc làm việc trong các ngành nghề yêu cầu không dùng kính.
Đeo kính áp tròng
Khác với kính gọng đeo bên ngoài, kính áp tròng là một thấu kính mỏng, nhỏ, làm bằng chất liệu cứng hoặc mềm, mang các thông số khúc xạ của mắt, được đặt áp sát vào bề mặt giác mạc để điều chỉnh tầm nhìn. Ngày nay, nhiều bạn trẻ lựa chọn đeo kính áp tròng hàng ngày do kính mang lại nhiều lợi ích như không vướng víu trong sinh hoạt hàng ngày, chất lượng hình ảnh tốt hơn kính gọng vì không có khoảng cách giữa kính và mắt, tăng tính thẩm mỹ nhờ các loại kính thay đổi màu tròng mắt.
Ngoài ra, kính áp tròng cứng đeo ban đêm Ortho K cũng là một giải pháp khôi phục thị lực tạm thời. Kính này có cơ chế áp chặt vào bề mặt giác mạc, định hình cấu trúc giác mạc từ đó điều chỉnh tầm nhìn tạm thời trong khoảng 10-12 tiếng. Người bệnh sẽ đeo kính này mỗi tối khi đi ngủ, sáng hôm sau tháo kính và nhìn mọi vật với thị lực của mắt chính thị. Phương pháp đeo áp tròng cứng ban đêm thường đạt hiệu quả cao với người bệnh trong độ tuổi từ 10 – 17 tuổi khi giác mạc còn dễ định hình. Bên cạnh những tính năng vượt trội, việc đeo kính áp tròng cũng có một số nhược điểm như tăng nguy cơ viêm nhiễm tại mắt nếu không được vệ sinh thường xuyên, thời gian sử dụng trong ngày hạn chế, tăng tình trạng khô mắt.
Phẫu thuật điều trị cận thị
Trong số những giải pháp cải thiện thị lực cho mắt cận thị, các phẫu thuật điều trị ra đời là một bước đột phá của ngành nhãn khoa, giúp người bệnh hoàn toàn thoát khỏi những bất tiện và rủi ro khi phải phụ thuộc vào kính đeo. Hiện nay, các phẫu thuật được chia làm 2 nhóm là phẫu thuật sử dụng tia laser và phẫu thuật đặt thấu kính nội nhãn với các đặc điểm như sau:
- Tạo vạt giác mạc bằng dao siêu vi tự động và dùng tia laser eximmer để khử độ cận.
- Phù hợp điều trị độ khúc xạ từ 0,5 – 6 diop với độ dày giác mạc cho phép.
- Tạo vạt giác mạc bằng tia laser Femtosecond và dùng tia laser eximmer để khử độ cận. Hoàn toàn không sử dụng dao.
- Phù hợp điều trị độ khúc xạ từ 0,5 – 6 diop với độ dày giác mạc cho phép.
- Không lật vạt giác mạc, không dùng dao, chỉ sử dụng chùm tia laser Femtosecond cắt ngầm ở lớp nhu mô ít quan trọng nhất bên trong giác mạc. Sau đó rút lớp mô vừa cắt thông qua đường mổ nhỏ 2mm để triệt tiêu hoàn toàn độ cận, loạn.
- Điều trị độ khúc xạ từ 0,5 – 8 diop với độ dày giác mạc cho phép.
- Cơ chế của phương pháp này là đặt một thấu kính nội nhãn mềm, mỏng, có thông số được cá thể hóa theo từng mắt của người bệnh vào vị trí sau mống mắt, trước thủy tinh thể để phục hồi thị lực.
- Giải pháp tối ưu cho bệnh nhân có độ dày giác mạc mỏng, độ độ khúc xạ lớn mà LASIK hay ReLEx SMILE cũng không thể can thiệp được. Ngưỡng điều trị lên tới 18 độ cận, 10 độ viễn, 6 độ loạn với thấu kính nội nhãn ICL và lên tới 30 độ cận, 15 độ viễn và 10 độ loạn với thấu kính nội nhãn IPCL.
Để tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho bản thân, người bệnh cần thăm khám chuyên sâu cùng bác sĩ nhãn khoa. Đăng ký Gói khám mổ cận tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản (Miễn phí vào Thứ 4, Thứ 7, Chủ Nhật hằng tuần): https://jieh.vn/dien-dan-lasik-and-phakic.
Người bệnh có dùng thuốc nhỏ mắt chữa cận được không?
Cách đây không lâu, thông tin về một loại thuốc nhỏ mắt chữa cận thị trên thị trường có tên gọi là Nanodrops khiến nhiều người người vui mừng xen lẫn băn khoăn. Thuốc được các nhà khoa học tại Isreal nghiên cứu và sản xuất dựa trên hiệu ứng của các hạt nano là có thể bám hoặc “thấm” vào giác mạc, qua đó khắc phục những sai số khúc xạ trên giác mạc – một tác nhân gây ra tật cận thị. Thực tế, thuốc nhỏ mắt này mới được nghiên cứu thí nghiệm trên loài lợn và chưa được cấp phép thực hiện rộng rãi trên người. Các nhà khoa học cũng chưa đưa ra thông tin rõ ràng về đối tượng người bệnh phù hợp, liều dùng thuốc, quy trình thực hiện, chi phí cũng như những tác dụng phụ của thuốc lên mắt và cơ thể người.
Người bệnh có luyện tập mắt để giảm độ cận được không?
Hàng ngày, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản tiếp nhận không ít câu hỏi về dịch vụ tập mắt chữa cận thị. Người bệnh hỏi về các bài tập yoga, thiền, bấm huyệt, đắp thuốc, thậm chí mát – xa mắt để điều trị cận thị. Thực tế, các chuyên gia đầu ngành về nhãn khoa khẳng định chưa có bất cứ nghiên cứu hay minh chứng y khoa có quy mô và đáng tin cậy nào cho thấy người bệnh cận thị có thể lấy lại đôi mắt chính thị nhờ những phương pháp này.
Những trường hợp có cải thiện thị lực sau các “bài tập” trên được cho là do bệnh nhân trước đó do tình trạng mắt điều tiết quá nhiều hoặc rối loạn điều tiết vì làm việc quá tải gây nên tăng độ khúc xạ tạm thời hay còn gọi là cận thị giả. Các bài tập yoga hay thao tác mát-xa bấm huyệt giúp… vùng cơ quanh mắt được thư giãn, phần nào khiến người bệnh cảm thấy bớt căng tức, mỏi mệt ở vùng mắt và giảm độ khúc xạ do điều tiết. Khi đi kiểm tra đo khúc xạ tự động bằng máy, người bệnh có thể thấy chỉ số khúc xạ giảm rõ rệt và cho rằng việc tập luyện có hiệu quả.
Thay vì để con đeo kính đúng số, nhiều bậc phụ huynh đã quyết định cho con theo học các lớp tập này ngay khi biết con được chẩn đoán cận thị. Hậu quả là độ cận thị thực tế không giảm, mà lại để lại hậu quả khôn lường là mắt càng ngày càng kém đi. Có thể nói, tập luyện chỉ là một phương pháp hỗ trợ để cải thiện thị lực, không có tác dụng điều trị tật khúc xạ. Người bệnh cần tham khảo tư vấn từ các bác sỹ chuyên khoa để có lựa chọn sáng suốt hơn cho bản thân và gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe đôi mắt.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp người mắc tật khúc xạcó được cái nhìn tổng quan và lựa chọn cho mình hướng cải thiện thị lực phù hợp và hiệu quả nhất.