LASER CATARACT HAY PHACO – LỰA CHỌN ĐIỀU TRỊ ĐỤC THỦY TINH THỂ
Đục thủy tinh thể (hay còn gọi là cườm đá, cườm khô) là tình trạng thủy tinh thể tự nhiên trong mắt mất đi độ trong suốt vốn có, hạn chế ánh sáng đi qua mắt và từ đó gây giảm thị lực. Đục thủy tinh thể có thể điều trị dễ dàng bằng các phương pháp thay thủy tinh thể nhân tạo nếu được phát hiện kịp thời. Tại bài viết này, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản xin giải thích cơ chế của 2 loại phẫu thuật phổ biến để người bệnh có cái nhìn tổng quan về các phương pháp điều trị đục thủy tinh thể.
So sánh các phương pháp mổ đục thủy tinh thể
Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất hiện nay là phẫu thuật Phaco – sử dụng sóng siêu âm tần số cao tán nhuyễn thủy tinh thể đã bị đục và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo phù hợp. Bên cạnh đó, một phương pháp phẫu thuật hiện đại khác cũng được áp dụng rộng rãi ở các nước phát triển là Laser Cataract- ứng dụng tia Femtosecond laser để chữa đục thủy tinh thể.
Các bước cơ bản của phẫu thuật thay thủy tinh thể | Kỹ thuật Phaco | Kỹ thuật Laser Cataract |
Bước 1: Sát khuẩn mắt, gây tê mắt bằng phương pháp nhỏ tê bề mặt | Thực hiện bởi điều dưỡng | Thực hiện bởi điều dưỡng |
Bước 2: Tạo đường rạch trên rìa giác mạc | Phẫu thuật viên thực hiện thủ công bằng dao vi phẫu | Thực hiện bởi tia Femtosecond laser được lập trình trước, tạo vết cắt mịn và chính xác |
Bước 3: Xé lớp màng (bao) trước thủy tinh thể | Phẫu thuật viên thực hiện thủ công bằng dụng cụ xé bao | Thực hiện bởi tia Femtosecond Laser được lập trình, tạo vết cắt mịn, tròn đều và chính xác |
Bước 4: Tách nhỏ nhân thủy tinh thể | Phẫu thuật viên thực hiện thủ công bằng dụng cụ tách nhân | Thực hiện bởi tia Femtosecond Laser được lập trình trước, cắt nhân thành nhiều phần nhỏ, đều nhau |
Bước 5: Tán nhuyễn nhân thủy tinh thể | Phẫu thuật viên thực hiện thủ công bằng đầu Phaco có lực tác động cơ học tương đương tần số sóng siêu âm | Phẫu thuật viện thực hiện thủ công bằng đầu Phaco có lực tác động cơ học thấp hơn do nhân đã được tách thành nhiều mảnh ở bước trên |
Bước 6: Hút bỏ nhân thủy tinh thể | Phẫu thuật viên thực hiện thủ công bằng đầu tip I/A (tưới nước và hút) | Phẫu thuật viên thực hiện thủ công bằng đầu tip I/A (tưới nước và hút) |
Bước 7: Đưa thủy tinh thể nhân tạo cố định trong mắt | Phẫu thuật viên thực hiện thủ công bằng dụng cụ bơm thấu kính nội nhãn qua đường rạch giác mạc | Phẫu thuật viên thực hiện thủ công bằng dụng cụ bơm thấu kính nội nhãn qua đường rạch giác mạc |
Bước 8: Khử trùng mắt và kết thúc phẫu thuật | Thực hiện bởi phẫu thuật viên và điều dưỡng viên | Thực hiện bởi phẫu thuật viên và điều dưỡng viên |
Bảng so sánh trực quan giữa phẫu thuật Phaco và phẫu thuật Laser Cataract
Có thể nhận thấy, ở cả 2 phương pháp phẫu thuật này, kinh nghiệm của bác sỹ đều đóng vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng và hiệu quả của phẫu thuật. Với phương pháp Phaco truyền thống, việc tạo vết mổ, xé bao và chẻ nhân bằng tay đòi hỏi sự khéo léo và chính xác trong thao tác của phẫu thuật viên. Trong khi đó với phương pháp Laser Cataract tân tiến, việc chỉ định các thông số và vận hành hệ thống Femtosecond Laser cũng như thao tác nhuẫn nhuyễn khi hút nhân và thay nhân cùng đòi hỏi tay nghề cao từ bác sỹ phẫu thuật. Phẫu thuật Laser Cataract với sự hỗ trợ của công nghệ Laser giúp phẫu thuật đạt độ chính xác cao, an toàn và giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn. Vì vậy, phương pháp này đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
- Tính chính xác cao: Phẫu thuật hoàn toàn không sử dụng dao vi phẫu. Các thao tác rạch rìa giác mạc hay chia nhân thủy tinh thể đều được thực hiện bởi tia laser được lập trình sẵn. Qua hệ thống máy đo đạc từ các khâu kiểm tra trước phẫu thuật và trong quá trình phẫu thuật, bác sỹ có thể chỉ định được chiều dài và độ sâu của vết rạch, mức độ năng lượng tán nhân, số lượng mảnh nhân thủy tinh thể cần chia cắt… sao cho phù hợp với kích thước mắt và mức độ đục thủy tinh thể của từng bệnh nhân.
- Thời gian hồi phục nhanh: Vết rạch rìa giác mạc được thực hiện bằng tia laser nên có tính chất mềm mịn hơn khi dùng dao. Giác mạc sẽ tự liền mà không cần khâu. Do vậy, thời gian lành thương sau phẫu thuật tương đối nhanh, người bệnh có cảm giác nhẹ nhàng, ít cộm vướng.
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật: Khác với dao vi phẫu, tia laser tạo đường rạch chuẩn xác bám theo cấu trúc 5 lớp màng chồng lên nhau của giác mạc. Khi nhìn từ mặt cắt, vết rạch sẽ có hình dạng bậc thang tương ứng từng lớp giác mạc khiến cho vết mổ mịn và khít, hạn chế vi khuẩn xâm nhập; từ đó giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu.
- Khắc phục tật loạn thị và giảm nguy cơ loạn thị thứ phát: Với người bệnh có tật loạn thị nguyên nhân do hình dạng cấu trúc giác mạc không đồng đều, phẫu thuật viên có thể tận dụng tia Femtosecond laser để khắc phục tình trạng này thông qua việc chỉ định vị trí và kích thước đường rạch trên giác mạc. Bên cạnh đó, vết mổ tạo bằng tia laser tại đúng vị trí rìa giác mạc, có hình vòng cung, tuân theo hình dạng cong tự nhiên của bề mặt tác động sẽ khiến vết mổ mịn, không làm mất đi cấu trúc đồng đều vốn có của giác mạc, từ đó hạn chế tối đa rủi ro loạn thị sau phẫu thuật.
- Mức độ cải thiện thị lực và chất lượng thị giác tốt: Tại bước 3 của quy trình phẫu thuật, tia laser thực hiện xé lớp màng bao chắn trước thủy tinh thể tự nhiên theo một đường tròn hoàn hảo và đúng tâm mắt. Điều này có ý nghĩa quan trọng do thủy tinh thể nhân tạo nếu được đặt vào mắt tại vị trí chính giữa này sẽ đảm bảo thẳng trục thị giác, từ đó cải thiện tối đa chất lượng hình ảnh và tầm nhìn.
- Giảm tổn thương nội mô: Do thủy tinh thể tự nhiên đã được cắt thành nhiều mảnh nhỏ (bước 4) trước khi phẫu thuật viên dùng đầu Phaco tán nhuyễn (bước 5), thời gian và năng lượng Phaco dùng để tán nhân được giảm đi đáng kể. Nhờ vậy và mức độ tổn thương trên các tế bào nội mô giảm, đảm bảo được độ trong suốt và sức khỏe giác mạc cho người bệnh. Điều này cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng thị giác về lâu dài.
Mặc dù việc ứng dụng công nghệ laser vào phẫu thuật thay thủy tinh thể được coi là bước đột phá lớn trong ngành nhãn khoa, các phương pháp can thiệp trên cơ thể sống nhìn chung vẫn sẽ tồn tại những lợi ích và rủi ro nhất định. Hiệu quả của phẫu thuật còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng mắt của người bệnh, mức độ đục thủy tinh thể, các bệnh lý mắt và toàn thân khác ảnh hưởng đến thị lực, kinh nghiệm của phẫu thuật viên, cách chăm sóc và giữ gìn mắt sau phẫu thuật. Người bệnh đục thủy tinh thể cần được theo dõi, thăm khám và tư vấn đầy đủ bởi bác sỹ chuyên khoa về phương pháp mổ đục thủy tinh thể phù hợp dành cho mình, cũng như tầm soát đục thủy tinh thể nếu cần thiết.
Được đầu tư và quản lý bởi Tập đoàn Paris Miki Holdings, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản là địa chỉ thực hiện thăm khám và điều trị đục thủy tinh thể đáng tin cậy tại Việt Nam với chất lượng dịch vụ đạt chuẩn Nhật Bản, xứng tầm quốc tế. Qua đó, người bệnh sẽ được trải nghiệm quy trình khám chữa bệnh chuyên sâu lên tới 14 bước, khôi phục thị lực tối ưu nhờ hệ thống máy móc hiện đại và phẫu thuật viên tay nghề cao - TS.BS Vũ Anh Tuấn - chuyên gia đục thủy tinh thể đầu ngành tại Việt Nam, có thể thực hiện phẫu thuật mà không cần người nhà đi cùng nhờ có điều dưỡng riêng đồng hành.
Đăng ký thăm khám và điều trị đục thủy tinh thể ngay tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản (chi phí chỉ từ 16.000.000 VND): https://jieh.vn/dat-lich-kham.