HỎI ĐÁP CÙNG CHUYÊN GIA VỀ KIỂM SOÁT TIẾN TRIỂN CẬN THỊ Ở TRẺ EM
Tăng độ cận ở trẻ là nỗi lo của nhiều phụ huynh bởi độ cận cao không chỉ khiến trẻ gặp khó khăn khi tìm phương án phẫu thuật điều trị cận thị khi trưởng thành mà còn làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng nặng ở mắt như thoái hóa võng mạc hay bong võng mạc. Do vậy, các biện pháp kiểm soát cận thị là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ cũng như các chuyên gia trong ngành nhãn khoa. Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp các thắc mắc của nhiều bố mẹ về việc kiểm soát mức độ tăng độ cận trên mắt của trẻ.
Làm thế nào để có thể phát hiện sớm trẻ có nguy cơ tiến triển cận thị?
TS.BS Vũ Anh Tuấn: Trẻ em có nguy cơ bị cận thị có thể được xác định qua tiền sử gia đình (có bố hoặc mẹ hoặc cả bố và mẹ đều bị cận thị), các yếu tố rủi ro về môi trường thị giác như trẻ có ít hơn 90 phút mỗi ngày ở ngoài trời và trẻ sử dụng mắt nhiều hơn 2-3 giờ mỗi ngày cho các hoạt động đòi hỏi phải nhìn gần (ngoài thời gian đi học) và các vấn đề về thị giác khác có thể liên quan tới sự phát triển của cận thị như lác ẩn trong (esophoria), lác hiện không liên tục (Intermittent Exotropia),....
Khi nào là thời điểm thích hợp để áp dụng các biện pháp tiến triển cận thị ở trẻ?
TS.BS Vũ Anh Tuấn: Câu trả lời là sớm nhất có thể! Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ có tật cận thị luôn luôn đi kèm với nguy cơ tăng độ liên tục trong suốt quá trình phát triển. Hơn nữa, cận thị cũng tiến triển nhanh hơn vào khoảng thời gian khởi phát, vì vậy ngay khi trẻ phát triển cận thị, bất kể độ tuổi, cha mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở nhãn khoa để được con được kiểm tra tình trạng của mắt cũng như được tư vấn về các phương pháp tiến triển cận thị phù hợp. Phụ huynh cũng cần lưu ý rằng hiện nay chưa có phương pháp nào có thể làm ngưng hoàn toàn quá trình tăng độ ở trẻ em mà chỉ có thể giúp làm chậm lại sự tiến triển này.
Hiện nay có những phương pháp kiểm soát tiến triển cận thị nào?
TS.BS Vũ Anh Tuấn: Hiện nay, quá trình tiến triển cận thị có thể kiểm soát được bằng các biện pháp như sử dụng thuốc nhỏ mắt, sử dụng kính áp tròng cứng ban đêm Ortho-K hoặc sử dụng kính đa tròng theo chỉ định của Bác sỹ nhãn khoa. Tùy thuộc vào độ tuổi, độ khúc xạ cũng như nhu cầu mà mỗi phương pháp sẽ phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, trẻ cần được duy trì một chế độ sử dụng mắt khoa học như đeo kính đúng số, dành ít nhất 2h mỗi ngày cho các hoạt động ngoài trời để tăng cường nhìn xa, duy trì khoảng cách phù hợp khi học tập, hay sử dụng các thiết bị điện tử, hạn chế nhìn gần trong thời gian dài, thực hiện quy tắc 20/20/20 - cứ mỗi 20ph làm việc, cho mắt nghỉ 20s và nhìn ra xa 20 feet (tương đương 6m).
Làm thế nào để lựa chọn phương pháp kiểm soát tiến triển phù hợp?
TS.BS Vũ Anh Tuấn: Tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, để có thể lựa chọn phương pháp kiểm soát tiến triển cận thị phù hợp với từng trẻ, bên cạnh các bài kiểm tra về thị lực, bác sỹ sẽ trao đổi với phụ huynh để hiểu rõ hơn về các hoạt động hằng ngày của trẻ để từ đó lựa chọn được phương pháp phù hợp với từng trẻ. Ví dụ một bé gái 10 tuổi bị cận thị, dành 8 giờ mỗi ngày ở trên lớp và tham gia lớp học múa ngoài giờ rất có thể sẽ phù hợp với việc sử dụng kính áp tròng cứng Ortho-K. Mặt khác, một cậu bé 13 tuổi bị cận thị tương đương nhưng dành nhiều thời gian hơn để chơi game trực tuyến và ngủ rất muộn vào ban đêm có thể phù hợp hơn với việc sử dụng kính áp tròng đa tròng tối đa 10-11 giờ mỗi ngày.
Bên cạnh đó, nếu các phương pháp kiểm soát chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, trẻ có thể sẽ được chỉ định một phương pháp khác hoặc kết hợp các phương pháp với nhau để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu nhất. Ví dụ trẻ có thể được chỉ định sử dụng kết hợp kính áp tròng cứng Ortho-K cùng với thuốc nhỏ mắt Atropine 0,01%. Trên thực tế, theo kết quả nghiên cứu của chuyên gia nhãn khoa Nhật Bản, kết hợp điều trị bằng kính Ortho-K và tra thuốc Atropine 0,01% hàng ngày trong vòng 2 năm điều trị trên 80 trẻ em Nhật Bản có hiệu quả hơn 28% trong việc làm chậm quá trình kéo dài trục nhãn cầu so với việc chỉ sử dụng 1 phương pháp kiểm soát cận thị.
Cha mẹ nên lưu ý điều gì trong quá trình trẻ áp dụng các biện pháp kiểm soát tiến triển cận thị?
TS.BS Vũ Anh Tuấn: Đối với trẻ đang trong quá trình sử dụng các biện pháp kiểm soát tiến triển cận thị, cha mẹ cần lưu ý hướng dẫn và theo dõi quá trình sử dụng các biện pháp kiểm soát tiến triển cận thị của trẻ để đảm bảo trẻ sử dụng đúng liều lượng, thời gian và đúng cách. Bên cạnh đó, phụ huynh cần đưa trẻ thăm khám định kỳ đúng theo lịch. Việc thăm khám sẽ giúp bác sĩ nắm bắt được tình trạng tiến triển cận thị cũng như tình trạng sức khỏe mắt của trẻ, từ đó bác sĩ có thể đưa ra những chỉ định bổ sung nếu cần thiết, đồng thời cũng giúp bác sĩ kiểm soát được những nguy cơ viêm nhiễm mà trẻ có thể gặp phải trong quá trình sử dụng một số phương pháp như Ortho-K hay kính áp tròng đa tròng.
Khi nào thì việc kiểm soát tiến triển cận thị có thể kết thúc?
TS.BS Vũ Anh Tuấn: Nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng một nửa số trẻ em bị cận thị sẽ có độ cận ổn định ở tuổi 16. Nhưng vẫn sẽ có một nửa số trẻ em vẫn có sự tiến triển cận thị trong khoảng thời gian này. Do đó, trẻ sẽ cần kiểm soát tiến triển cận thị một cách sát sao nhất trong độ tuổi từ 8-13 tuổi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nếu độ cận của vẫn có nguy cơ tiến triển, có thể trẻ sẽ được chỉ định kiểm soát cận thị đến lứa tuổi trưởng thành (18 tuổi).
Điều quan trọng nhất là trẻ có tật cận thị cần được thăm khám định kỳ để theo dõi và đánh giá mức độ tiến triển cận thị, có các biện pháp điều trị kịp thời nhằm duy trì chất lượng thị giác của trẻ, giúp trẻ đảm bảo việc sinh hoạt và học tập, đồng thời tránh những diễn tiến không mong đợi
Kiểm soát tiến triển cận thị là một quá trình lâu dài và mục đích chính của nó là giúp hạn chế được tối đa những biến chứng có thể xảy ra liên quan tới tật cận thị đặc biệt là cận thị cao như đục thủy tinh thể, bong võng mạc, glôcôm - những bệnh lý gây suy giảm nghiêm trọng về thị lực nếu không được điều trị kịp thời.
Thăm khám tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản và nhận tư vấn chi tiết về kiểm soát tiến triển cận thị cho trẻ
- Gói khám “Khúc xạ học đường”: ưu đãi tới 50% - chỉ 250.000đ để trẻ được thăm khám kiểm tra thị lực kỹ lưỡng, đồng thời nhận tư vấn từ bác sỹ nhãn khoa, áp dụng cho trẻ từ 6-17 tuổi.
- Gói khám “Kiểm soát tiến triển cận thị”: Bên cạnh các bài kiểm tra thị lực thông thường, trẻ sẽ được định kỳ kiểm tra trục nhãn cầu, theo dõi sát sao tình trạng tăng độ cận trên mắt của trẻ, từ đó đưa ra các chỉ định tối ưu nhằm hạn chế quá trình tiến triển cận thị này. Chỉ 1,500,000đ cho 2 năm thăm khám và tư vấn kiểm soát tiến triển cận thị.