GIẢI ĐÁP VỀ THỦ THUẬT CROSSLINKING TRONG PHẪU THUẬT KHÚC XẠ (CẬN, VIỄN, LOẠN)

03/09/2023

Crosslinking là thủ thuật gia cố giác mạc, làm bền vững cấu trúc giác mạc sau phẫu thuật khúc xạ bằng laser (ReLEx SMILE, Femtosecond Lasik, SBK Lasik), tăng tính ổn định của kết quả thị giác sau phẫu thuật. Cùng Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản tìm hiểu chi tiết về thủ thuật Crosslinking (cơ chế, đối tượng phù hợp, mặt hạn chế, chăm sóc hậu phẫu) qua bài viết dưới đây!

crosslinking
Thủ thuật Crosslinking gia cố giác mạc trong phẫu thuật khúc xạ

Cơ chế hoạt động của Crosslinking

Crosslinking là thủ thuật tạo ra các liên kết giữa các sợi collagen của giác mạc, nhờ vậy mà giác mạc sẽ được gia tăng độ bền vững, chịu đựng được tốt hơn những lực tác động của nhãn áp sau mổ.

Để thực hiện Crosslinking, bác sĩ sẽ tẩm vào giác mạc thuốc Riboflavin (Vitamin B2), chờ trong 60 - 90 giây để thuốc ngấm sâu vào lớp nhu mô, sau đó chiếu tia cực tím loại UVA để hoạt hóa chất Riboflavin, từ đó tạo ra các cầu liên kết giữa các sợi collagen giác mạc, giúp giác mạc trở nên bền vững hơn sau phẫu thuật.

crosslinking
Cơ chế hoạt động của thủ thuật Crosslinking

Đối tượng phù hợp với Crosslinking

Phẫu thuật khúc xạ (cận, viễn, loạn) bằng laser sẽ lấy đi một phần nhu mô giác mạc để điều chỉnh tật khúc xạ. Chính vì vậy sau phẫu thuật, giác mạc sẽ mỏng hơn và sức chịu đựng với lực cơ học sẽ có thể kém hơn. Theo đó, một số đối tượng phù hợp với Crosslinking có thể kể đến như sau:

  • Bệnh nhân đáp ứng các điều kiện phẫu thuật khúc xạ bằng laser.
  • Giác mạc mỏng, yếu, độ dày giác mạc dưới 500 μm.
  • Độ cận thị cao, độ dày giác mạc nền còn lại sau phẫu thuật dưới 300 μm.
mat
Bệnh nhân cần đáp ứng đủ điều kiện phẫu thuật khúc xạ để thực hiện Crosslinking

Mặt hạn chế của Crosslinking

Crosslinking là thủ thuật an toàn, vì bản chất cơ chế là tẩm Vitamin B vào mắt và chiếu tia UVA nên hiếm khi gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, tia cực tím đối với một số mắt nhạy cảm có thể gây khó chịu, thậm chí có cảm giác bỏng rát sau điều trị. Đối với trường hợp này, bệnh nhân nên tăng cường sử dụng nước mắt nhân tạo, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng. Nếu mắt vẫn đau, người bệnh có thể chườm lạnh, uống thêm thuốc giảm đau. Triệu chứng này thường sẽ hết sau 24 tiếng.

Về tác dụng phụ, mặc dù hiếm gặp nhưng Crosslinking có thể gây vết mờ nhẹ ở giác mạc, cản trở thị giác, khiến người bệnh nhìn mờ và lóa hơn bình thường. Đối với trường hợp này, người bệnh sẽ cần điều trị thêm trong khoảng từ 3-6 tháng. Tuy nhiên theo thống kê, chưa có trường hợp nào thực hiện Crosslinking mắc phải biến chứng ảnh hưởng trầm trọng đến chức năng mắt.

crosslinking
Thực hiện thủ thuật Crosslinking tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản

Chăm sóc mắt sau khi thực hiện Crosslinking

Thủ thuật Crosslinking không gây tổn thương trên mắt, nên quá trình chăm sóc cũng không đòi hỏi lưu ý đặc biệt. Người bệnh chỉ cần tuân thủ theo quy trình chăm sóc mắt sau phẫu thuật khúc xạ.

TS.BS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản giải đáp thắc mắc về thủ thuật Crosslinking