GIẢI ĐÁP THẮC MẮC THƯỜNG GẶP VỀ KÍNH ÁP TRÒNG CỨNG ORTHO-K

15/11/2021

Những năm gần đây, kính áp tròng cứng Ortho-K  được biết đến như một trong những phương pháp kiểm soát cận thị hiệu quả. Phương pháp này đã được FDA (Cơ quan quản lý an toàn thuốc và thực phẩm Mỹ) chứng nhận cho phép sử dụng ở mọi lứa tuổi vào năm 2002. Trong bài viết dưới đây, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản sẽ giúp các bạn giải đáp một số thắc mắc về và băn khoăn thường gặp về loại kính áp tròng này nhé ! 

Kính Ortho-K có an toàn không? 

Ortho-K là phương pháp điều chỉnh tật khúc xạ an toàn, không xâm lấn, linh hoạt và có tính khả hồi. Người bệnh có thể ngưng sử dụng bất cứ lúc nào, mắt sẽ trở lại trạng thái ban đầu sau đó một thời gian. Tuy nhiên, tương tự như kính tiếp xúc truyền thống, người sử dụng Ortho-K cũng có nguy cơ viêm nhiễm ở mắt. Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc việc vệ sinh trong quá trình sử dụng và lịch tái khám với bác sĩ để phòng tránh nguy cơ này.

Ai phù hợp với kính Ortho K? 

Kính Ortho K phù hợp với: 

  • Người có độ nhẹ, trung bình hoặc dưới 10 độ 
  • Trẻ em đang tăng độ trong quá trình phát triển.
  • Người gặp khó khăn hoặc không thoải mái khi đeo kính gọng/kính áp tròng thông thường.
  • Người chưa đủ điều kiện để phẫu thuật tật khúc xạ 
  • Người không thích hợp hay không muốn thực hiện phẫu thuật tật khúc xạ 
  • Người làm việc trong các môi trường có thể gây ra các vấn đề khi sử dụng kính áp tròng thông thường. Ví dụ như ngứa và khô mắt do phải sử dụng máy tính trong một thời gian dài, ở trong phòng điều hòa liên tục hay môi trường có nhiều khói, bụi bẩn 

Phải đeo kính Ortho-K trong thời gian bao lâu vào buổi tối để đạt được thị lực sắc nét?

Thời gian đeo kính được khuyến nghị vào mỗi đêm là 6 đến 8 tiếng để có thể hiệu chỉnh thị lực tối đa và đạt được hiệu quả tối nhất. Tùy theo độ khúc xạ ban đầu và các đặc điểm riêng của mỗi người, có thể cần 1 đến 4 tuần để đạt thị lực tối đa. Đối với mắt có độ cận thấp, thị lực có thể đạt mức tối đa sau vài ngày. Trong những ngày đầu dùng kínhmắt có thể bị mờ, chói và quầng sáng xung quanh ánh đèn. một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần phải đeo một cặp kính với số độ thấp hơn ban đầu trong quá trình chỉnh hình để hỗ trợ thị lực trong giai đoạn thị lực chưa đạt được mức tối đa.

Kính Ortho-K có thoải mái khi đeo không? 

Trong vài đêm đầu tiên khi bạn mới bắt đầu sử dụng kính Ortho-K, mắt có thể sẽ có cảm giác hơi khó chịu và cộm vướng. Tuy nhiên đây là điều hoàn toàn bình thường và không có gì đáng lo ngại. Thông thường cảm giác này xảy ra khi bạn chớp mắt, vậy nên đối với người sử dụng kính Ortho-K, các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân đi ngủ ngay sau khi đeo kính để hạn chế các vận động ở mắt có thể gây ra tình trạng khó chịu. Bên cạnh đó, các hãng sản xuất Ortho-K hiện nay cũng rất chú trọng đến thiết kế của kính, đảm bảo kính phù hợp với giác mạc và mang lại cảm giác thoải mái cho người sử dụng.    

Ortho-K giúp kiểm soát tiến triển cận thị như thế nào và hiệu quả ra sao? 

Ortho-K hoạt động bằng cách làm phẳng trung tâm giác mạc trong khi ngủ làm giảm công suất hội tụ của mắt, giúp ánh sáng hội tụ vào đúng võng mạc, từ đó người sử dụng có thể nhìn thấy rõ ràng mọi vật trong một khoảng thời gian nhất định sau khi tháo kính. Theo một số nghiên cứu, trẻ sử dụng kính áp tròng cứng Ortho-K có hiệu quả làm chậm quá trình tiến triển cận thị khoảng 36-56% so với trẻ chỉ sử dụng kính gọng hay kính áp tròng mềm. 

Sử dụng kính Ortho-K có mang lại hiệu quả vĩnh viễn không? 

Câu trả lời là không, kính Ortho-K không có hiệu quả vĩnh viễn. Việc điều chỉnh giác mạc chỉ là tạm thời, do vậy người dùng sẽ cần đeo kính Ortho-K thường xuyên. Khi ngừng sử dụng kính, hình dạng giác mạc và độ khúc xạ của mắt sẽ phục hồi lại.

Tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản gói khám chuyên sâu về kính chỉnh hình giác mạc Ortho-K sẽ giúp kiểm tra tổng quát sức khỏe mắt và đo đạc cấu trúc bề mặt giác mạc để từ đó có thể đưa ra thông số chính xác nhất, người bệnh có thể lựa chọn loại kính phù hợp.